Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Kết quả xác minh hàng loạt nội dung tố cáo Chủ tịch VICEM thế nào?

PV (t/h)/Theo Sở Hữu Trí Tuệ 15:39 20/11/2020

Bộ Xây dựng vừa có kết luận liên quan đến hàng loạt vấn đề mà Chủ tịch VICEM bị tố cáo. Trước đó, VICEM cũng từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vấn đề sai phạm.

Chủ tịch VICEM bị tố cáo những gì?

Cụ thể, nội dung thứ nhất trong đơn tố cáo ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) liên quan đến vụ án lừa đảo, bà Nguyễn Thị Lan chiếm đoạt 300 tỷ đồng và khai đưa cho ông Minh 129 tỷ đồng.

Ngày 13/8/2020, Chánh Thanh tra Bộ và thành viên Tổ xác minh đã làm việc với Cục Cảnh sát hình sự (C02)- Bộ Công an. Theo đó, Cục Cảnh sát hình sự có văn bản gửi Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, trong đó có nội dung: “Ngoài lời khai của Nguyễn Thị Lan, cơ quan điều tra không thu thập được tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh bị can Nguyễn Thị Lan đưa tiền chiếm đoạt cho ông Minh”.

Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Ảnh internet.

Tổ xác minh cũng làm việc với người tố cáo và yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu, bằng chứng nhưng người tố cáo đã ký biên bản và khẳng định “không có thông tin, tài liệu để cung cấp thêm”.

Theo đó, căn cứ nội dung tố cáo, giải trình người tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, các tài liệu, văn bản và căn cứ quy định pháp luật, nội dung tố cáo thứ nhất là sai.

Nội dung đơn tố cáo thứ 2 cho rằng ông Minh cố tình bổ nhiệm cán bộ thân tín là ông Nguyễn Hoành Vân (đã khai báo gian lận tuổi tác) làm Tổng Giám đốc Cty CP Xi măng Bỉm Sơn.

Qua kết quả xác minh, bổ nhiệm ông Vân đúng quy trình theo 5 bước và “không có hiện tượng khai man giải mạo hồ sơ để bổ nhiệm.

Nội dung đơn tố cáo thứ 3 cho rằng ông Minh vi phạm điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam khi cố tính phân bổ sai tỷ lệ đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Vicem lần thứ III (nhiệm kỳ 2020-2025) giữa các công ty thành viên VICEM.

Tuy nhiên, Tổ xác minh chỉ ra, căn cứ các quy định của Đảng về tổ chức đại hội đảng các cấp, văn bản trao đổi của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, báo cáo của Đảng ủy VICEM; Đề án phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ VICEM lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 là Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy VICEM, đồng chí Bùi Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy VICEM chỉ thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy ký, ban hành Đề án. Như vậy, căn cứ tổ xác minh cũng khẳng định nội dung tố cáo thứ ba là sai.

Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem đang xây dựng dở dang tại khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: Tuổi trẻ.

Trên báo Xây Dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, sau khi nhận được thông tin tố cáo việc ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch VICEM lừa đảo, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng đã nhanh chóng, khẩn trương thành lập Tổ xác minh sự việc.

Trong quá trình xác minh, Tổ đã làm việc với nhiều đơn vị như Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao… nhanh chóng làm rõ thông tin. Sau khi xác minh, Thanh tra Bộ đã báo cáo đến Bộ Xây dựng xem xét, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký ban hành Kết luận số 5513/KL-BXD ngày 16/11/2020 và làm rõ: 3 nội dung tố cáo là không có cơ sở, sai sự thật.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm ở VICEM

Cách đây không lâu, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).

Theo Kết luận số 44/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước đề xuất thay đổi phương án, sắp xếp, xử lý nhà đất của Vicem đã được Bộ Xây dựng phê duyệt đối với 03 lô đất, song chưa hoàn thành thủ tục hoặc chưa được phê duyệt lại.

Tại dự án Vicem Tower do chính Vicem làm chủ đầu tư (CĐT) được xây dựng trên trục đường Vành đai 3 Phạm Hùng. Dự án này khởi công từ năm 2011, có chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Dự kiến 3 năm sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến 2014, công trình mới chỉ xong phần xây thô và CĐT đã phải lùi lại thời hạn hoàn thành đến quý 3/2017. Đến thời điểm hiện tại, công trường dự án vẫn không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ mọc hoang mọc hóa.

Dự án thứ hai tại lô đất 8.476m2 (số 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy). Tổng Công ty đề thay đổi từ “tiếp tục xây dựng Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem” thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương nhưng Tổng Công ty chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.

Đối với lô đất 52.083m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thay đổi từ “xây dựng Dự án Khu tổng hợp 122 Vĩnh Tuy” thành “tiếp tục quản lý, sử dụng như hiện trạng, sau khi cổ phần hoá sẽ báo cáo việc sử dụng đất theo yêu cầu sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, tái cấu trúc Vicem theo quy hoạch của TP. Hà Nội”, được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương song Bộ Tài chính chưa có ý kiến.

Tại lô đất 166.527m2 thuộc Khu công nghiệp Đông Hồi, xã Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thay đổi từ “tiếp tục xây dựng dự án Nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” thành “chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với chuyển nhượng dự án”. Đến tháng 5/2019 Bộ Xây dựng chưa có ý kiến.

Cũng theo KTNN, Tổng công ty Xi măng – Vicem đề nghị điều chuyển nhà điều dưỡng 5 tầng về Bộ Xây dựng quản lý không đúng quy định tại Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tiếp đó, đề nghị bàn giao về địa phương một số tài sản là cầu, đường do công ty đầu tư xây dựng, đang sử dụng làm đường giao thông phục vụ dân sinh và sản xuất kinh doanh tại Vicem Hải Phòng nguyên giá 93.878 triệu đồng, giá trị còn lại 56.188 triệu đồng; Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Tam Điệp nguyên giá 15.854 triệu đồng, giá trị còn lại 6.167 triệu đồng không đúng quy định tại điểm 3 Điều 14 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Kiểm toán Nhà nước cũng xác định, việc đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ là Công ty mẹ – Vicem; Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch; Vicem Hải Phòng.

Nghiêm trọng hơn, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC xác định chưa chính xác giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ – Vicem, KTNN kiến nghị điều chỉnh tăng theo phương pháp tài sản 1.169,52 tỷ đồng, theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức 1.747,96 tỉ đồng.

Theo báo Tuổi trẻ, ngày 27/7, Cục Cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03-Bộ Công an) đã điều tra, xác minh một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) trong việc đầu tư dự án Khu dịch vụ tổng hợp 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, C03 đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp có ý kiến chỉ đạo Thanh tra Bộ Xây dựng và các đơn vị trực thuộc cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu là các văn bản, chủ trương, chỉ đạo của Bộ Xây dựng và tình trạng hiện tại của 2 dự án trên.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị cung cấp tài liệu về kết quả thanh tra, việc xử lý kết quả sau thanh tra (trong đó có vai trò cá nhân có liên quan) của Thanh tra Bộ Xây dựng đối với 2 dự án.

Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng được thành lập ngày 01/10/1979, quản lý các nhà máy xi măng trong cả nước.

Ngày 05/10/1993, Bộ Xây dựng có Quyết định số 456/BXD-TCLĐ đổi tên Liên hiệp các Xí nghiệp Xi măng thành Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Ngày 14/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 670/TTg về việc thành lập Tổng Công ty Xi măng Việt Nam hoạt động theo mô hình tổng công ty 91.

Bạn đang đọc bài viết Kết quả xác minh hàng loạt nội dung tố cáo Chủ tịch VICEM thế nào? tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư
Covid-19 trở thành một phép thử tình cờ, làm nổi bật hơn sức mạnh của các mô hình, chiến lược ngân hàng bán lẻ. Sức mạnh không chỉ thể hiện ở lợi nhuận, mà cả ở khả năng giảm thiểu và kiểm soát rủi ro