Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

DTVN 23:44 04/08/2022

Sáng 8/4, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư Châu Âu đã chủ trì Hội thảo khoa học...

Tham dự Hội thảo có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư Châu Âu; cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Sơn La… Về phía doanh nghiệp, Hội thảo có sự đồng hành tài trợ của Tập đoàn SunShine.

Toàn cảnh Hội thảo "Hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam"

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh cho biết: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu gọi tắt là EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA), thế hệ mới được Việt Nam ký kết, thực hiện với phạm vi cam kết rộng và tiến độ thực hiện nhanh, tỷ lệ tự do hoá thuế quan về cơ bản đạt trên 90%, thực hiện trong vòng 7 năm.

Sau 2 năm thực hiện, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai, kết quả đầu tiên được đánh giá thông qua số liệu thống kê về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Bất chấp đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022 thương mại hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu chỉ rõ, xu hướng đầu tư của một số quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và Việt Nam tăng nhanh, như Hà Lan tăng 26%, Đan Mạch tăng 240%, Thuỵ Điển tăng 63%, Ai Len tăng 263%, Bỉ tăng 284%...

Theo ông Thanh, trong bối cảnh thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraina, những động thái tích cực nêu trên đã cho thấy độ hiệu quả của EVFTA trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số cơ quan, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, tỷ lệ chứng chỉ xuất xứ để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, cơ chế kết nối giữa địa phương, các bộ ngành và cơ quan đại diện nước ngoài trong việc thúc đẩy thương mại đầu tư chưa thực sự thông suốt, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực sự được chú trọng đúng mức, trong khi đây là những nội dung quan trọng của hiệp định EVFTA.

Do đó, mặc dù thời gian thực hiện chưa dài nhưng việc tổng kết, nghiên cứu và đánh giá tác động sau 2 năm thực hiện hiệp định này trên các mặt kinh tế - xã hội, nhận diện những tồn tại, khó khăn, từ đó đề xuất khuyến nghị để thực thi EVFTA trong những năm tới là hết sức cần thiết.

"Tôi tin rằng, những nội dung được chia sẻ trong khuôn khổ hội thảo hôm nay sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy, triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do quan trọng này, đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu", TS. Đặng Xuân Thanh cho biết.

Hội thảo đã thảo luận theo 2 phiên và trình bày tổng hợp ý kiến tại hội trường chung: Phiên 1 - "Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU, quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau hai năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu"; Phiên 2 - "Thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội".

Đánh giá tác động của EVFTA đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam, TS. Hoàng Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, kết quả phân tích chỉ ra xuất nhập khẩu có dấu hiệu tăng sau khi thực hiện EVFTA, tuy nhiên do tác động của đại dịch Covid-19 nên ảnh hưởng của EVFTA đến Việt Nam chưa rõ ràng. Vốn đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam giảm sau khi thực hiện EVFTA, điều này chủ yếu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tác động của đại dịch Covid-19 làm cho đánh giá về hiệu quả của EVFTA trở nên khó khăn hơn.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội năm 2021, từ sau khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp FDI của EU ngày càng tiếp cận gần hơn với cộng đồng kinh doanh Việt Nam. Tính lũy kế đến hết tháng 9/2021, các nước thành viên EU đã có 2.242 dự án FDI, chiếm 6,57% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam, tăng 164 dự án so với một năm trước. Tổng số vốn đăng ký lũy kế của dự án này là 22,24 tỷ USD, chiếm 5,58% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020 (Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2021).

Với EVFTA là chất xúc tác, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫp thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Sau một thời gian thực hiện EVFTA, theo bảng xếp hạng GII năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 44 trong tổng số 132 quốc gia, thấp hơn so với thứ hạng 42 của năm 2019 và năm 2020, song vẫn đứng đầu trong nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Phân tích tác động của EVFTA đối với quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, Tiến sĩ - Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu cho rằng, Cộng hòa (CH) Séc là một trong những đối tác truyền thống lâu đời của Việt Nam, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc đã trải qua quá trình phát triển lâu dài hơn hai thập kỷ, vì thế hai bên hiểu rất rõ về tiềm năng và thế mạnh của nhau.

Trong quá trình này, mối quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước từng bước phát triển trong đó Việt Nam ngày càng hưởng lợi lớn với mức thặng dư thương mại trong nhiều năm qua. Hiệp định EVFTA đang trong quá trình triển khai tiếp tục mang lại lợi thế cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và CH Séc.

Tuy nhiên, trong quá trình này, Việt Nam cũng gặp thách thức do trình độ phát triển về khoa học công nghệ một số lĩnh vực còn thấp hơn CH Séc, tiêu chuẩn về môi trường kinh doanh và đầu tư còn khác biệt so với tiêu chuẩn của CH Séc và các nước thành viên EU. Mặc dù vậy, việc khắc phục những rào cản này sẽ đem lại cho Việt Nam kinh nghiệm mới để tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tiến sĩ - Luật gia Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật Kinh doanh và đầu tư châu Âu.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công thương đánh giá hai năm thực hiện EVFTA chúng ta đã gặp khó khăn vì dịch Covid-19 bùng nổ, đầu năm nay là sự phức tạp của khủng hoảng Nga – Ukraina. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam đã được chuẩn bị từ khá sớm việc tuyên truyền cũng như sự quan tâm của doanh nghiệp đến quá trình mà Bộ Công thương đàm phán hiệp định. Qua 2 năm thực thi, việc tận dụng hiệp định này cho thấy tỷ lệ tăng trưởng, xuất khẩu của chúng ta sang EU đã đạt trên 14%.

Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến gia tăng lừa đảo thương mại trên môi trường số. Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp.

bà Nguyễn Khánh Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ

Gần đây, mặc dù các cơ quan trong nước, cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cảnh báo, hiện tượng doanh nghiệp ta bị lừa đảo hoặc vướng vào tranh chấp có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn thất trực tiếp cho doanh nghiệp ta mà còn ảnh hưởng đến lòng tin kinh doanh và quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kĩ về các đối tác đó, cần có thông tin trao đổi trước khi kí hợp đồng, không để gian lận thương mại xảy ra bởi rất khó tháo gỡ khi đã bị lừa.

Ngoài ra, thị trường EU có xu hướng dịch chuyển sang tiêu thụ xanh sạch, đòi hỏi tiêu chuẩn cao, đơn cử mặt hàng thanh long xuất khẩu của chúng ta đang nằm trong diện kiểm tra nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, các cơ quan cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, tổ chức hội thảo chuyên sâu hơn về các ngành hàng – tham vấn 2 chiều, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục đàm phán với EU về hiệp định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Dung Trần - Lan Anh VietQ

Bạn đang đọc bài viết Hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA: Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư