Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Đầu tư chăn nuôi và thực phẩm là điểm sáng trong 2020

DTVN 08:50 10/07/2020

Trong khi doanh nghiệp chăn nuôi có những động thái tăng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất thì những doanh nghiệp thực phẩm cũng mạnh dạn đặt mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2020.

Thực phẩm nâng chỉ tiêu kinh doanh

Theo dự báo được Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đưa ra gần đây, trong 6 tháng cuối năm, hành vi mua sắm của người Việt sẽ không có nhiều thay đổi như giai đoạn trong dịch. Cụ thể, thực phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hóa phẩm, chất tẩy rửa và vệ sinh cá nhân, nhà cửa vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong tương lai gần. Trong đó, chỉ tính riêng với thực phẩm, theo dự báo của Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, mức tăng trưởng của ngành này sẽ vào khoảng 10% trong các tháng tới.

Như vậy có thể thấy, sau dịch nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và hàng chăm sóc sức khỏe vẫn tốt, điều này đã tạo động lực để nhiều doanh nghiệp thực phẩm mạnh dạn đặt chỉ tiêu kinh doanh khả quan trong năm nay. Theo đó, Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (CMN), chủ thương hiệu của các sản phẩm mì gói ăn liền - mới đây đã công bố kế hoạch doanh thu 2020 ở mức 694 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 5% lên 33 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng đã thông qua chỉ tiêu sản lượng sản phẩm đạt khoảng 20.500 tấn trong năm 2020.

Kinh doanh bánh kẹo được dự báo vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt.

Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, Công ty CP Bibica (BBC) - một công ty thành viên thuộc The PAN Group thông qua kế hoạch doanh thu thuần tăng 20% lên mức 1.800 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế là 88 tỷ đồng. Sở dĩ doanh nghiệp đặt mức tăng trưởng cao do năm 2019 vừa qua Bibica sản xuất bánh kẹo có doanh thu tăng 5% lên trên 1.500 tỷ đồng và có lợi nhuận sau thuế hơn 95 tỷ đồng.

Theo ông Trương Phú Chiến - Chủ tịch HĐQT Bibica, năm 2019 công ty đã đầu tư nhà máy Bibica Miền Tây đặt tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, Long An với công suất 18.000 tấn/năm. Trong thời gian tới công ty còn định hướng đầu tư nhà máy Bibica Biên Hòa trong Khu công nghiệp Giang Điền cũng như mở rông nhà máy miền Tây. Tất cả nhằm mục tiêu nâng công suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cũng như hai doanh nghiệp trên, năm 2020 Tập đoàn KIDO đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.234 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng lần lượt tăng 14% và 17% so với 2019. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở bởi các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Kido như kem, dầu ăn, và sắp tới là ngành hàng nước, bánh kẹo đều có dư địa tăng trưởng tốt. Đơn cử như với bánh kẹo, ông Bùi Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc KIDO - cho hay, hiện quy mô của ngành bánh kẹo lên đến 51.000 tỷ đồng, mỗi năm tăng trưởng 5-8%. Đặc biệt, biên lợi nhuận ngành này cao nên KIDO sẽ sàng lọc và lựa chọn nhóm phát triển tốt để nhanh chóng chiếm vị trí lớn thứ 2 thị trường sau Mondelez Kinh Đô.

Nhiều dự án chăn nuôi ngàn tỷ được công bố

Cùng với sự tăng trưởng khả quan của doanh nghiệp thực phẩm, gần đây nhiều dự án chăn nuôi với quy mô ngàn tỷ đã công bố trên khắp Việt Nam. Điều này xuất phát từ dự báo của nhiều doanh nghiệp trong ngành về khả năng thế giới sẽ thiếu thực phẩm do dịch bệnh. “Sau dịch bệnh Covid-19 sẽ là cơ hội tốt cho ngành chăn nuôi bởi thế giới đang khan hiếm thực phẩm” - ông Sawang Chanprasert - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần CPV - Food VN - chia sẻ với phóng viên Công Thương.

Cũng theo ông Sawang Chanprasert doanh nghiệp này đang triển khai dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín với ngân sách đầu tư lên đến 200 triệu USD và công suất đạt 50 triệu con một năm tại tỉnh Bình Phước. Hiện quá trình triển khai dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhằm nhanh chóng đưa vào hoạt động.

Ngoài dự án đang được triển khai trên, dự kiến cuối năm 2020, Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cũng sẽ xây dựng Nhà máy giết mổ và pha lóc thịt lợn có diện tích gần 6ha, công suất 2.000 con/ngày tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng.

Cũng nhận thấy thị trường tiềm năng, cuối tháng 6/2020, 2 nhà đầu tư là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã đề xuất UBND tỉnh Gia Lai đầu tư dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai. Theo dự kiến, dự án này có quy mô khoảng 100ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.030 tỷ đồng - được đưa ra nhằm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết khép kín.

Một dự án lớn khác phải kể tới là vào tháng 5/2020, Công ty CP Hùng Vương (HVG) và Công ty CP Sản xuất, Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (thuộc Công ty Ô tô Trường Hải - Thaco) đã bắt tay đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi heo. Theo đó, Thadi đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - HVG trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư là 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định.

Có thể thấy, trong khi nhiều lĩnh vực kinh doanh khác đang lao đao thì đầu tư vào thực phẩm, chăn nuôi vẫn đang là điểm sáng, giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững trong đại dịch.

Theo Thùy Dương/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/dau-tu-chan-nuoi-va-thuc-pham-la-diem-sang-trong-2020-140142.html

Bạn đang đọc bài viết Đầu tư chăn nuôi và thực phẩm là điểm sáng trong 2020 tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đầu tư