Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Vì sao cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo?

DTVN 14:25 13/04/2021

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 âm 10.927 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 9.327 tỷ là lý do khiến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây có quyết định đưa cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã cổ phiếu HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 15/4.

Lý do được đưa ra là lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm 9.327 tỷ đồng, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo tại HoSE.

Cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo

Cụ thể, điểm 1.1 khoản 1 Điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HoSE quy định chứng khoán bị cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế của năm tài chính trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm (có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán).

Trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì lợi nhuận sau thuế căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con thì lợi nhuận sau thuế căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Cổ phiếu của doanh nghiệp cũng thuộc diện cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán năm của công ty là số âm (lỗ lũy kế, có tính đến ảnh hưởng của ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán).

Trường hợp tổ chức niêm yết là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc thì lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính tổng hợp. Trường hợp tổ chức niêm yết có công ty con thì lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính hợp nhất.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/4, giá cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đứng ở mức 33.150 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh đạt 710.000 đơn vị. So với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 một vài tháng, giá HVN hiện tại không thay đổi nhiều.

Trong cơ cấu cổ đông của HVN, cổ đông Nhà nước đang nắm giữ tới 86,2% vốn, cổ đông chiến lược nước ngoài là ANA Holdings đến từ Nhật Bản đang sở hữu 8,77% vốn, chỉ còn lại khoảng 5% vốn – tương đương hơn 71 triệu đơn vị HVN – được tự do chuyển nhượng trên thị trường.

Năm 2020, tổng doanh thu Vietnam Airlines là 40.613 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lũy kế cả năm, hãng lỗ sau thuế 11.098 tỉ đồng.

Dòng tiền kinh doanh của Vietnam Airlines ở mức âm 6.379 tỉ đồng. Dòng tiền thuần hoạt động đầu tư của doanh nghiệp dương 3.271 tỉ đồng nhờ đẩy mạnh thu hồi công nợ và các khoản phải thu. Dòng tiền thuần hoạt động tài chính dương 1.797 tỉ đồng, đến từ các khoản vay tài chính.

Cả năm 2020, tổng tài sản của Vietnam Airlines giảm xuống còn 62.967 tỉ đồng.

Tại đại hội cổ đông bất thường tháng 12.2020, Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỉ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines.

Tới cuối tháng 3.2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng, sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của các khoản cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỉ đồng.

Theo VietQ

Link gốc : http://vietq.vn/vi-sao-co-phieu-vietnam-airlines-bi-dua-vao-dien-canh-bao-d185719.html

Bạn đang đọc bài viết Vì sao cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2021, trong khi tín dụng chỉ tăng 1,47% thì vốn đổ vào thị trường chứng khoán tăng tới 42%, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu tăn