Thị trường chứng khoán hôm nay 27/1
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2% xuống 1.113,39 điểm. VN30-Index giảm 2,19% còn 1.100 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 1,71%, còn UPCOM-Index giảm 1,57%.
Sắc đỏ chiếm ưu thế với 378 mã giảm trên HoSE, 27 mã đứng tham chiếu và chỉ có 83 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 25/30 mã bluechip giảm giá.
SBT là mã kém tích cực nhất nhóm vốn hóa lớn, mất 6,4%. MBB, VRE, EIB, SSI giảm hơn 5%, VPB thấp hơn 4,1% so với tham chiếu, POW, GAS, MSN giảm hơn 3%. Ngược lại, ROS tăng hơn 4%, MWG, NVL tăng hơn 1%. Trong phiên sáng, ROS, STB và HPG là ba mã có thanh khoản cao nhất nhóm VN30. Nhóm này góp phần giúp đà giảm của VN-Index trong phiên sáng không quá sâu.
Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 11.700 tỷ đồng, trong đó HoSE giao dịch hơn 10.600 tỷ.
|
Đồ thị của VN-Index phiên sáng 27/1. Ảnh: VNDS. |
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 22,73 điểm (2%) xuống 1.113,39 điểm, HNX-Index giảm 1,71% xuống 223,92 điểm, UPCoM-Index giảm 1,57% xuống 75,22 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán mạnh trong phiên sáng nay, có thời điểm VN-Index giảm hơn 30 điểm, hướng về mốc 1.100 điểm. Sắc đỏ bao phủ nhóm VN30 với 25 mã giảm giá trong khi chỉ có 5 mã tăng giá.
Tâm lý nhà đầu tư tiêu cực, đà giảm giá diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, ngân hàng, bất động sản.
Thanh khoản phiên sáng nay ở mức cao. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 618,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 12.188 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE sáng nay đạt 10.136 tỷ đồng.
Tính đến 9h50, VN-Index giảm 9,75 điểm (0,86%) xuống 1.126,37 điểm, HNX-Index giảm 1,44% xuống 224,53 điểm, UPCoM-Index giảm 0,8% xuống 75,81 điểm.
Ghi nhận thời điểm hiện tại, nhóm VN30 có 21 mã giảm giá, gấp 3 lần số mã tăng giá, trong khi chỉ có 2 cổ phiếu đứng giá tham chiếu. Theo ghi nhận, cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros tăng giá mạnh nhất với tỷ lệ trên 5%, giao dịch tại 5.150 đồng/cp. Những cổ phiếu khác trong nhóm này giao dịch trên mốc tham chiếu có STB, BID, NVL, PNJ, MWG, CTG và VIC.
Diễn biến theo các nhóm ngành, cổ phiếu thép giao dịch phân hóa sáng nay. Mã TVN của TCT Thép Việt Nam tăng giá 5,5% lên 15.300 đồng/cp. Những mã khác cũng tăng giá như HSG, SMC, VGS. HPG, POM, TLH giảm giá nhẹ.
Các mã nhóm khu công nghiệp cũng diễn biến phân hóa sáng nay với các mã tăng như SZC, VGC, IDC, NTC, SIP. Nhiều mã khác trong nhóm lại giảm giá sâu với mức giảm trên 2% như LHG, TIP, KBC, GVR.
Tương tự, nhóm dầu khí cũng diễn biến phân hóa với các mã tăng như PVD, PLX, PVS. Trong khi đó, OIL, GAS, PVB, PVO đều đang giao dịch trong sắc đỏ.
Trở lại diễn biến thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ ngày 26/1 đóng cửa trong sắc đỏ khi nhà đầu tư đang chờ đợi một loạt doanh nghiệp lớn, trong đó có các tập đoàn công nghệ, thông báo doanh thu và lợi nhuận quý vừa qua.
Chỉ số S&P 500 có lúc lập đỉnh trong phiên nhưng đóng cửa giảm 0,2% xuống còn 3.850 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc đi lên hơn 150 điểm nhưng kết phiên giảm 22,9 điểm, còn 30.937 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng giảm 0,1% từ đỉnh lịch sử thiết lập phiên trước, xuống còn 13.626 điểm.
|
Theo các nhà phân tích, áp lực giảm điểm vẫn luôn hiện hữu trong phiên 27/1 |
Nhận định thị trường
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Vn-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.105-1.120 điểm, là vùng hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật. Áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu, tuy nhiên biên độ giảm điểm có thể sẽ không còn lớn.
Thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2020 sẽ không còn tác động nhiều đến diễn biến thị trường. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường và có thể khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số này có biến động mạnh trong những phiên cuối tuần.
Tương tự, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước vừa giảm phiên thứ 2 liên tiếp do áp lực chốt lời từ lượng hàng bắt đáy với thanh khoản tiếp tục được cải thiện so với phiên 22/1, với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 15.030 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại diễn ra không mấy tích cực khi tiếp tục bán ròng trên 3 sàn với tổng giá trị hơn 160 tỷ đồng.
Thị trường vẫn đang dao động trong nhịp hồi phục, vì vậy các phiên rung lắc khi lượng hàng bắt đáy về tài khoản như phiên 26/1 thường diễn ra. Bên cạnh đó, thị trường trong khu vực cũng gây sức ép lên chỉ số khiến áp lực bán gia tăng đã kéo thị trường trượt dốc, trong khi đó hiện đang ở giai đoạn cao điểm của mùa báo cáo tài chính quý IV nên hiện tượng phân hóa là hoàn toàn bình thường.
Về kỹ thuật, thị trường vẫn dao động trong vùng tích lũy từ 1.100 - 1.170 điểm, chừng nào mức đáy trong nhịp giảm vừa qua ở ngưỡng 1.110 còn giữ được thì nhịp tăng 6 tháng qua vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Asean (Aseansc) nhận định, xét về kỹ thuật, đồ thị ngày của Vn-Index đã xuất hiện cây nến đỏ dài với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn 5, 10, và 20 ngày (MA5, 10, và 20), là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế.
Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, Vn-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.120 - 1.130 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.100 - 1.110 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.140 - 1.150 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.160 - 1.170 điểm.
Theo Aseansc, việc chứng khoán thế giới suy yếu kết hợp với tâm lý đám đông thiếu ổn định, và lệnh vào sàn HoSE khó khăn đã thúc đẩy áp lực chốt lời T+ trong phiên 26/1. Trong phiên 27/1, Vn-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng hỗ trợ gần 1.120 - 1.130 điểm, và sâu hơn là vùng hỗ trợ 1.100 - 1.110 điểm.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp các chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 27/1
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 27/1 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
* FIT: CTCP Đầu tư KD, cổ đông lớn, tổ chức có liên quan đến ông Kiều Hữu Dũng – Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT – HOSE) đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu FIT từ ngày 01/2 đến 01/3 theo phương thức khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, cổ đông trên sẽ nâng sở hữu tại FIT lên 35 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 13,74%.
* DBT: Bà Đậu Thị Thúy Mai, vợ của ông Vũ Quang Đông – Phó chủ tịch HĐQT CTCP Dược phẩm Bến Tre (DBT – HOSE) đăng ký bán 300.000 cổ phiếu DBT từ ngày 29/1 đến 26/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Dự kiến giao dịch thành công, bà Mai sẽ giảm sở hữu tại DBT xuống còn hơn 1,81 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,8%.
* DGC: Ngày 25/1, HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC – HOSE) thông qua việc góp góp vốn 500 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH MTV Bất động sản Đức Giang. Cùng ngày, DGC đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2020 với doanh thu thuần hợp nhất hơn 1.583 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 243 tỷ đồng. Quý I/2021 này, DCG đặt mục tiêu doanh thu 1.941 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng.
* VIS: CTCP Thép Việt – Ý (VIS – HOSE) đã phê duyệt kế hoạch kinh doanh 2021 với chỉ tiêu doanh thu 4.588 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 28,17 tỷ đồng.
* FCN: Pyn Elite Fund (Non-Ucits), cổ đông lớn của CTCP Fecon (FCN – HOSE) đã bán ra 1 triệu cổ phiếu FCN trong ngày 18/1. Sau giao dịch, cổ đông trên đã giảm sở hữu tại FCN xuống còn hơn 12,84 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,37%.
* NTL: CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL – HOSE) đã công bố Báo cáo tài chính quý IV/2020 với doanh thu thuần đạt 336 tỷ đồng, tăng 42% so với quý IV/2019, lợi nhuận sau thuế 159 tỷ đồng, tăng 76%. Lũy kế cả năm 2020, NTL đạt doanh thu 653 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện năm 2019, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 27% lên 297 tỷ đồng.
* TCD: Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tairt (TCD – HOSE) đã mua vào 100.000 cổ phiếu TCD từ ngày 13/1 đến 22/1 theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Nam đã nâng sở hữu tại TCD lên hơn 3,87 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,2%. Cùng thời gian nêu trên, bà Lê Thị Mai Loan, Phó chủ tịch HĐQT của TCD cũng đã mua 100.000 cổ phiếu TCD, qua đó, nâng sở hữu lên hơn 2,43 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,15%.
* SMC: Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC – HOSE) đã bán ra 100.000 cổ phiếu SMC từ ngày 23/12/2020 đến 21/1/2021 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tiến đã giảm sở hữu tại SMC xuống còn hơn 574.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,94%.
* APS: ASEAN Deep Value Fund, cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương (APS – HNX) đã bán ra 600.000 cổ phiếu APS trong ngày 18/1. Sau giao dịch, cổ đông trên đã giảm sở hữu tại APS xuống còn hơn 3,04 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,8%.
* NTP: CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP – HNX) đã công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu tuần 1.236 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 105 tỷ đồng, giảm 3%. Lũy kế cả năm 2020, NTP đạt doanh thu thuần 4.630 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2019 và lợi nhuận sau thuế tăng 9% đạt 447 tỷ đồng.
* NSH: Bà Đỗ Thị Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc CTCP Nhôm Sông Hồng (NSH – HNX) đã bán ra 110.000 cổ phiếu NSH từ ngày 30/12/2020 đến 22/1/2021. Sau giao dịch, bà Tùng đã giảm sở hữu tại NSH xuống còn hơn 721.000 cổ phiếu, tỷ lệ 3,49%.
T.Anh (TH)/SHTT