Dồn dập phát hành trái phiếu
2020 – 2021 có thể nói là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid – 19. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính không mạnh hoặc cần lưu chuyển dòng tiền đã gặp rất nhiều trở ngại từ việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Để khắc phục vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, coi đây như một “cứu cánh” để thoát khỏi khó khăn.
Điều này đã khiến tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, tính đến hết tháng 9/2020 đã có 341 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, tăng 79% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, bên cạnh nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất chỉ 7 – 8%, cũng có những doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất lên đến 17 – 18% cho trái phiếu của mình.
Điều này, khiến nhiều nhà đầu tư như lạc vào “mê trận” khi muốn tìm kiếm 1 trái phiếu doanh nghiệp ổn định, an toàn. Nếu không tỉnh táo, nhà đầu tư rất dễ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán lãi suất như cam kết, thậm chí mất luôn cả tiền gốc đã bỏ ra với những đơn vị phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo.
Được thành lập vào năm 2014, Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup có trụ sở chính tại 107 Cộng Hòa, phường 12, quân Tân Bình, TP. HCM, tiền thân là Công ty Cổ phần Điện tử Viễn thông VsetCom. Theo giới thiệu, doanh nghiệp này hiện có 7 công ty thành viên trực thuộc và 1 hợp tác xã vận tải liên kết. Cụ thể gồm: Công ty Cổ phần Điện tử viễn thông Vsetcom; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trương Gia; Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Khang Anh; Công ty cổ phần Cảnh quan VsetNature; Công ty Cổ phần ô tô Vset Thống Phát; Công ty cổ phần thời trang Vsman; Công ty TNHH MTV Đầu tư tài chính Vsetcredit và Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Gia Khang.
Năm 2020, từ một doanh nghiệp khá “im hơi lặng tiếng”, VsetGroup đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố việc phát hành 2.050 trái phiếu với tổng giá trị 163,750 tỷ đồng, mức lãi suất dao động từ 15,8% - 20,3%/năm, kỳ hạn từ 1 – 5 năm.
Thời điểm đó, lãnh đạo VsetGroup cho biết, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vì mục đích đi theo định hướng phát triển tương lai đến năm 2023 sẽ có thêm 3 công ty thành viên tham gia vào 3 lĩnh vực tài chính (Vset-Credit), giáo dục (Vset-Edu), Nông nghiệp – thực phẩm sạch (Vset-Eco).
Đầu năm 2021, công ty này tiếp tục công bố việc phát hành trái phiếu. Trong đợt này, VsetGroup sẽ phát hành 4.100 trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 327,5 tỷ đồng. Loại hình trái phiếu là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có đảm bảo bằng tài sản. Mục đích của việc phát hành trái phiếu là bổ sung vốn lưu động phục vụ việc thực hiện các chương trình, dự án của công ty giai đoạn 2021 – 2025.
Đáng chú ý, mức lãi suất dự kiến cho đợt phát hành trái phiếu này là 13,5% - 17,55%, thấp hơn so với năm 2020. Mức giá trái phiếu, dao động từ 5 triệu – 1 tỷ đồng/ trái phiếu.
“Miếng bánh ngon” hay “cái bẫy ngọt ngào” ?
Dù đã giảm mức lãi suất xuống còn 13,5% - 17,55%, nhưng rõ ràng, đây vẫn là mức lãi suất hấp dẫn đối với nhà đầu tư, bởi nó đang cao gấp hơn 3 lần so với lãi suất tiền gửi cùng kỳ ở các ngân hàng. Thế nhưng, trái phiếu của VsetGroup là “miếng bánh ngon”, hay “cạm bẫy ngọt ngào” đối với nhà đầu tư, cần phải xem xét ở nhiều yếu tố.
Nhìn lại quá trình phát triển của VsetGroup, có thể nói, đây là một doanh nghiệp lớn mạnh tương đối “thần tốc”. Cụ thể, năm 2014, thời điểm mới thành lập, VsetGroup có vốn điều lệ chỉ 1,6 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2019, công ty này đã công bố vốn điều lệ lên tới 150 tỷ đồng. Và đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ của công ty đã là 500 tỷ đồng. Trong vòng 6 năm, vốn điều lệ của Vsetgroup đã tăng 312,5 lần, một con số vô cùng ấn tượng.
Thế nhưng, nếu chỉ nhìn vào con số vốn điều lệ tăng trưởng một cách chóng mặt này để đánh giá về “sức khoẻ tài chính” của doanh nghiệp, sẽ là điều hết sức sai lầm. Lý do là bởi, Luật Doanh nghiệp của Việt Nam hiện vẫn đang có một số lỗ hổng, khiến doanh nghiệp có thể “bùa phép” được con số vốn điều lệ công bố. Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tăng vốn điều lệ hơn 1.600 lần trong vòng 1 năm, hay Usc Interco.JSC, một công ty “ma” được thành lập với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng là một ví dụ điển hình, chúng tôi sẽ phân tích kỹ ở bài sau.
Ở trường hợp của VsetGroup, câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao doanh nghiệp này lại không vay vốn ngân hàng với mức lãi suất thấp hơn, mà lại chấp nhận bỏ ra tới 17,55%/năm để huy động vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Phải biết, để ngân hàng chấp nhận cho vay vốn, doanh nghiệp phải đảm bảo nhiều yếu tố như: có tài sản đảm bảo, tình hình tài chính tốt, dự án đầu tư có hiệu quả… Với 1 doanh nghiệp tăng vốn điều lệ tới 312,5 lần trong vòng 5 năm, điều này sẽ không phải là vấn đề khó.
Nhưng VsetGroup lại không làm như thế. Vậy, doanh nghiệp này không thể vay vốn từ ngân hàng, hay có một lý do “bí ẩn” nào đó để “từ chối” vay vốn ngân hàng và thay vào đó là phát hành trái phiếu?
Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên, PV Chất lượng Việt Nam đã liên hệ với Công ty Cổ phần Tập đoàn VsetGroup. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận câu hỏi, đại diện của công ty đã từ chối trả lời những nội dung mà PV đưa ra. Trước khi kết thúc trò chuyện, vị đại diện này còn cho biết, việc doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất cao là rất bình thường.
“Giữa các ngân hàng người ta cũng có đồng nhất với nhau đâu. Các doanh nghiệp cũng thế thôi, cái việc cạnh tranh, có thời điểm này người ta huy động cao, thời điểm kia huy động thấp chuyện rất bình thường. Nó cũng như con người, hôm nay đói thì ăn nhiều, mai không đói thì ăn ít”, vị này nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!