Bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý III tương đối ảm đạm, được phản ánh qua con số tăng trưởng GDP gần nhất giảm sâu 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên đại dịch cũng tạo điều kiện cho một số ngành nghề phát triển, trong đó có chứng khoán.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản mới tham gia thị trường chứng khoán 10 tháng đầu năm đạt hơn 1 triệu, vượt xa tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 cộng lại. Tuy nhiên, không chỉ các cá nhân nở rộ đầu tư chứng khoán mà các doanh nghiệp, ngân hàng cũng coi đây là kênh đầu tư hữu hiệu mùa dịch.
Ngân hàng lãi nghìn tỷ từ chứng khoán
Trong 9 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới nhu cầu vay vốn sụt giảm. Bù lại, các mảng kinh doanh ngoài lãi, nổi bật nhất là hoạt động mua bán chứng khoán ghi nhận lãi đột biến khi so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh vốn đầu ra cho vay trì trệ, các ngân hàng đẩy mạnh chuyển nguồn vốn qua các kênh đầu tư khác nhằm tối ưu hóa lượng vốn dư thừa, trong đó, chứng khoán đầu tư là một cấu phần quan trọng. Các ngân hàng ghi nhận khoản lãi nghìn tỷ từ hoạt động chứng khoán, tiêu biểu như VPBank, TPBank, Techcombank, OCB.
Khoản lãi thuần mảng đầu tư chứng khoán trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 của VPBank đạt gần 730 tỷ đồng và 2.370 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng sở hữu danh mục chứng khoán đầu tư lên tới gần 75.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản.
Tại ngân hàng TPBank, chỉ tính riêng quý III/2021, mảng mua bán chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng khoản lãi 913 tỷ đồng, gấp tới 11,1 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 24,9% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng. Cùng kỳ năm 2020 tỉ trọng này chỉ là 3,7%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận mảng chứng khoán của TPBank đạt 1.462 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, đóng góp 14,8% vào tổng thu nhập hoạt động.
Với Techcombank, chỉ riêng quý III vừa qua đã ghi nhận khoản lãi thuần từ hoạt động đầu tư chứng khoán gần 306 tỷ đồng, cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, ngân hàng lãi hơn 1.470 tỷ đồng, tăng 48% từ mảng này. Lượng chứng khoán đầu tư của Techcombank chiếm gần 17% tổng tài sản hợp nhất.
Một ngân hàng cũng đạt lợi nhuận nghìn tỷ từ hoạt động đầu tư chứng khoán là OCB với 1.222 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng quý III, chứng khoán đầu tư tăng tới gần 6 lần từ 78 tỷ đồng lên 463 tỷ đồng, chiếm 23,2% tổng thu nhập hoạt động của OCB.
Doanh nghiệp thoát lỗ nhờ đầu tư chứng khoán
Không chỉ các ngân hàng, những tổ chức tài chính với bộ máy đầu tư tài chính chuyên nghiệp hoạt động tích cực trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp "tay ngang" cũng thoát lỗ nhờ khoản đầu tư chứng khoán trong bối cảnh dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh chính gần như "đóng băng".
Theo Báo cáo tài chính quý III/2021 vừa công bố, CTCP Thủy sản MeKong (HOSE: AAM) ghi nhận lãi ròng hơn 142 triệu đồng trong khi 5 quý liền trước đều chìm trong thua lỗ. Kết thúc quý 3, AAM ghi nhận doanh thu thuần giảm 43% so với cùng kỳ, xuống còn 13.8 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp thủy sản lỗ gần 189 triệu đồng (cùng kỳ lỗ hơn 1.2 tỷ đồng). Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt lên 2.5 tỷ đồng, gấp 12 lần cùng kỳ nhờ ghi nhận thêm khoản lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, kỳ phiếu và tín phiếu.
Được biết, tính đến cuối tháng 9, AAM chỉ còn 2 khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh là cổ phiếu CTCP Thủy sản Cửu Long, CTCP Nông sản Bắc Ninh và không còn ghi nhận cổ phiếu từ CTCP Tập đoàn đầu tư IPA (đầu năm sở hữu 75,000 cổ phiếu với giá trị 2.5 tỷ đồng).
"Bất động" suốt mùa dịch, Công viên nước Đầm Sen cũng lãi đậm nhờ cổ phiếu ngân hàng. Dù hoạt động giải trí tại Công viên nước Đầm Sen đã ngưng kinh doanh từ ngày 4/5/2021 đến nay do giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ dẫn đến doanh thu sụt giảm, lợi nhuận sau thuế của Đầm Sen vẫn đạt 12,8 tỷ đồng. Được biết, đây là khoản lãi từ việc bán cổ phiếu của VietBank (HOSE: VBB).
Trong quý III, công ty đã bán 1,24 triệu cổ phiếu VBB với mức giá bình quân 14.500 đồng/cổ phiếu, qua đó thu về hơn 18 tỷ đồng. Công ty này mua 2,2 triệu cổ phiếu hồi năm 2020 với giá bình quân 3.340 đồng/cổ phiếu khi VietBank còn chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Tại thời điểm 30/9/2021, công ty vẫn còn 877.719 cổ phiếu VBB.
Một trường họp khác là CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (HOSE: NDN). Dù mảng bất động sản sụt giảm, Nhà Đà Nẵng vẫn lãi 214 tỷ đồng sau 9 tháng nhờ lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán. Khoản lãi đầu tư chứng khoán của NDN tăng mạnh gấp gần 9 lần cùng kỳ năm 2020 lên gần 113 tỷ đồng. Tính đến hết quý III/2021 NDN duy trì khoản đầu tư chứng khoán đạt 513 tỷ đồng, tăng 367 tỷ đồng, tương ứng mức tăng tới 251% so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, khoản đầu tư có giá trị lớn nhất là cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với giá thị trường gần 226 tỷ đồng; ngoài ra là 78 tỷ đồng cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; 39 tỷ đồng cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, 33 tỷ đồng cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam.
Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng tranh thủ huy động vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua những khó khăn do đại dịch tác động.
Cụ thể, vào cuối tháng 9 vừa rồi, Vietnam Airlines (HOSE: HVN) đã tuyên bố thoát âm vốn chủ sở hữu sau khi phát hành 796,1 triệu cổ phiếu cho 27.627 cổ đông. Tổng số tiền thu được là hơn 7.961 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietnam Airlines đã tăng lên hơn 22.100 tỷ đồng.
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) đã chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, đạt 100% kế hoạch chào bán. Trong đó, 88 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư trong nước và 12 triệu cổ phiếu chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài. Công ty này chào bán giá 34.096 đồng/cổ phiếu và huy động được 3.409,6 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn (HOSE: SGT) cũng chào bán hơn 74 triệu cổ phiếu phổ thông trong tháng 10 vừa rồi với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu và huy động được hơn 1.480 tỷ đồng.
Phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều cho biết sẽ sử dụng tiền huy động từ thị trường chứng khoán để bổ sung nguồn vốn lưu động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ vay và tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên kết.
Việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán là lợi thế cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không cần quá phụ thuộc vào vay vốn ở ngân hàng.
Nhiều công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục
Dòng tiền vẫn trụ lại thị trường chứng khoán với tài khoản cá nhân mở mới liên tiếp tăng cao đã giúp các công ty chứng khoán tiếp tục có một mùa bội thu trong quý III/2021.
Có 6 công ty ghi nhận lãi nghìn tỷ, gồm: Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Chứng khoán SSI, VNDirect, Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán Tp.HCM (HSB), Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
TCBS đạt 2.847 tỷ đồng lợi nhuận trong 3 quý đầu năm 2021, tăng 33,3% so với cùng kỳ và dẫn đầu về lợi nhuận. Theo sau là SSI với 2.063 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, sau 9 tháng hoạt động SSI đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch kinh doanh năm 2021 về lợi nhuận. VNDirect cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đạt 1.822 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng ký năm trước.
Tăng trưởng mạnh nhất là Chứng kháon FPTS với 763 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp 7,2 lần so với mức 105 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Chứng khoán VIX cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, đạt 708 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2020 và xuất hiện trong top những công ty có lợi nhuận tốt nhất. Tổng lợi nhuận 10 công ty này lên tới 13.058 tỷ đồng