Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Hé lộ thủ đoạn về sự thao túng cho 'đo sàn' cổ phiếu FTM?

Theo ANTT 17:32 22/09/2019

Thanh khoản eo hẹp, sức ép doanh số và một số yếu tố khác… là những nguyên nhân cùng lúc tác động đến nhân sự của hơn 10 CTCK để đi đến cái “gật đầu” cấp margin cho mã FTM.

10 công ty đồng loạt “cầu cứu” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo thông tin mới nhất từ báo Kinh tế và Đô thị, hơn 10 công ty chứng khoán đang “cầu cứu” Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (MCK: FTM-HOSE) có dấu hiệu bất thường trong giao dịch cổ phiếu.

Theo đó, cổ phiếu FTM hiện đã mất 81% giá trị vốn hóa và gây thiệt hại cho các công ty này số tiền khoảng 200 tỷ đồng…

Thống kê giao dịch cho thấy, FTM phải chịu nhuộm “sắc đỏ” suốt 29 phiên liên tục, trong đó có 23 phiên giảm sàn, giá còn 3.980 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, FTM dù hoạt động kinh doanh có khó khăn nhưng không có dấu hiệu của sự đổ vỡ. Nhưng cổ phiếu FTM đã mất điểm kéo dài liên tục gần 30 phiên giao dịch đã cho thấy có điều bất thường và chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Theo các công ty chứng khoán được cho là nạn nhân của “tổ lái”, FTM có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu này, thông qua gần 10 tài khoản, được mở tại 13 công ty chứng khoán. Phần lớn các tài khoản thực hiện đăng nhập và đặt lệnh thông qua các địa chỉ IP giống nhau.

Cần điều tra thủ đoạn ''đánh chìm'' cổ phiếu FTM để trục lợi?

Thủ đoạn giao dịch được xác định là do nhóm cổ đông lớn tại FTM đã tận dụng chính sách vay giao dịch ký quỹ (margin) của công ty chứng khoán để cầm cố cổ phiếu FTM giai đoạn giá cao, sau đó giá cổ phiếu sụt giảm, mất thanh khoản, khiến các công ty chứng khoán thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng và ôm mớ tài sản thế chấp đang mất dần giá trị.

Được biết, một số cá nhân mở tài khoản và margin thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường khi đó là Chủ tịch Hội đồng Quản trị FTM (đến tháng 4/2019, ông Thường từ nhiệm vị trí Chủ tịch). Chủ tịch HĐQT của FTM hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Giang, là người đứng tên hộ tài khoản cho ông Thường cũng vừa có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch từ ngày 16/9/2019.

Từ cuối năm 2018, ông Giang không nắm giữ cổ phiếu FTM nào, sau khi đã bán 30.000 cổ phiếu vào ngày 1/8/2018. Ông Giang có tham gia làm việc với các công ty chứng khoán nêu trên và ngày 11/9/2019, FTM phát đi thông báo về việc cổ phiếu FTM liên tục giảm giá sàn, trong đó có nói đến những tin đồn thất thiệt…

Công nhân Nhà máy sợi số 2 - CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex). (Ảnh: NDH)

Tổng thiệt hại ước tính của các công ty chứng khoán khoảng 200 tỷ đồng khi cổ phiếu FTM giảm giá và mất thanh khoản. Giá cho vay margin FTM trung bình là 7.000 - 9.000 đồng/cổ phiếu, mức thấp thấp là 4.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất là 12.000 đồng/cổ phiếu. Ðại diện các công ty chứng khoán đã yêu cầu làm việc với ông Thường và ông Giang, đề nghị có phương án trả nợ trước ngày 6/9/2019 nhưng không có kết quả.

Margin 1 mã cổ phiếu dường như đây là lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam

Theo Đầu tư Chứng khoán, việc nhà đầu tư bị mất niềm tin, bị lừa, cháy tài khoản dư luận đã nghe nhiều, nhưng chuyện các công ty chứng khoán (CTCK) cùng phản ánh về việc có dấu hiệu bị lừa, bị thiệt hại do cho margin 1 mã cổ phiếu thì dường như đây là lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam.

Mã cổ phiếu đó là FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (HOSE), mã đã có 25 phiên giảm sàn liên tiếp.

Các công ty chứng khoán “dính” việc cho vay margin mã này có cả công ty trong TOP 10 thị phần, có công ty quy mô nhỏ, có công ty 100% vốn nước ngoài…

Thanh khoản eo hẹp, sức ép doanh số và một số yếu tố khác… là những nguyên nhân cùng lúc tác động đến nhân sự của hơn 10 CTCK để đi đến cái “gật đầu” cấp margin cho mã FTM.

Lễ trao quyết định niêm yếu và chào mừng ngày giao dịch chính thức cổ phiếu cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (MCK: FTM-HOSE).

Theo đó, khoảng 30 triệu cổ phiếu FTM, tương đương 60% cổ phần của doanh nghiệp này đã được sử dụng để vay nợ margin tại các CTCK.

Nếu như vùng thị giá vay của FTM khoảng 10.000 đồng thì với tỷ lệ cho vay thông thường ở mức 50%, khoản tiền các CTCK đang bị “chôn” ở mã FTM khoảng 200 tỷ đồng.

Thực tế, FTM không phải là câu chuyện duy nhất tạo nên “cú” mất đau cho các CTCK trong 1 thập niên qua.

Điểm khác biệt ở vụ FTM là các CTCK cùng hoàn cảnh đã và đang tập hợp nhau lại bàn cách lên tiếng, trước hết là để đòi nợ và nếu không thể đòi được thì sẽ đưa vụ việc đến cơ quan quản lý.

Ở một diễn biến khác, theo nhận định trên Vneconomy, trong bối cảnh cổ phiếu liên tục “đo sàn”, ban lãnh đạo FTM đã 2 lần đưa ra thông cáo, cho biết việc giảm giá của cổ phiếu do “thị trường xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM” và khẳng định công ty hiện vẫn đang hoạt động bình thường.

Liên quan đến mã chứng khoán này, hàng loạt công ty chứng khoán đang ngậm đắng do cho vay ký quỹ. Một thông tin báo chí mới đây cho hay, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng bị thiệt hại liên quan đến vụ “sập sàn” cổ phiếu FTM đã nhận định FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá?

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/he-lo-thu-doan-ve-su-thao-tung-cho-do-san-co-phieu-ftm-d62016.html

Bạn đang đọc bài viết Hé lộ thủ đoạn về sự thao túng cho 'đo sàn' cổ phiếu FTM? tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán