Điều kiện thành lập công ty chứng khoán
1. Điều kiện về trụ sở làm việc
- Có trụ sở làm việc bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán;
- Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị, thiết bị văn phòng, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về hoạt động kinh doanh chứng khoán.
2. Điều kiện về vốn
Doanh nghiệp muốn kinh doanh các nghiệp vụ chứng khoán thì phải có vốn đã góp tại thời điểm thành lập công ty tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định cho từng nghiệp vụ như sau:
- Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam;
- Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam;
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam;
- Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam.
Trường hợp doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn pháp định là tổng số vốn pháp định tương ứng với từng nghiệp vụ đề nghị cấp phép.
Điều kiện thành lập công ty chứng khoán (Ảnh minh họa) |
3. Điều kiện về nhân sự
Có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù hoặc bị cấm hành nghề chứng khoán;
- Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;
- Có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Trường hợp có Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b và d khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán 2019 và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ phụ trách.
4. Điều kiện về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn
- Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức.
Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật Chứng khoán 2019.
- Tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.
5. Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn
- Cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân không thuộc các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
- Cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức phải có tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp; hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép; báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần;
- Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác;
- Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật Chứng khoán 2019.
Công ty chứng khoán hoạt động như thế nào?
Căn cứ theo Điều 72 Luật Chứng khoán 2019, nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán bao gồm một hoặc một số hoạt động sau:
- Môi giới chứng khoán;
- Tự doanh chứng khoán;
- Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
- Tư vấn đầu tư chứng khoán.
Lưu ý: Trong suốt quá trình hoạt động, công ty chứng khoán bắt buộc phải tuân thủ các điều kiện về vốn điều lệ, tư cách cổ đông, cơ sở vật chất, nhân sự...(khoản 1 Điều 85 Luật Chứng khoán 2019).
Đối với từng loại hình nghiệp vụ, công ty chứng khoán được thực hiện các hoạt động sau:
Loại hình nghiệp vụ | Lĩnh vực hoạt động |
Môi giới chứng khoán | - Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác; - Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh... |
Tự doanh chứng khoán | Giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán và được đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính. |
Bảo lãnh phát hành chứng khoán | - Cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán, thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán; đại lý lưu ký, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán; |
Tư vấn đầu tư chứng khoán | Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng theo quy định tại khoản 32 Điều 4 của Luật chứng khoán 2019. |
Lưu ý: Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật sau khi báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bằng văn bản. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền tạm ngừng, đình chỉ việc cung cấp dịch vụ tài chính khác của công ty chứng khoán nếu việc cung cấp dịch vụ đó trái với quy định của pháp luật hoặc gây rủi ro hệ thông thị trường chứng khoán. |
Luật Chứng khoán 2019 đã có hiệu lực từ 01/01/2019 với một số nội dung được sửa đổi để phù hợp với pháp luật doanh nghiệp và thực tế hoạt động của công ty chứng khoán. Tóm lại, việc thành lập và hoạt động công ty chứng khoán phải đáp ứng nhiều điều kiện chặt chẽ.
Nguồn: Luật Việt Nam