Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây đã xác nhận nâng triển vọng xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoài tệ dài hạn, theo đó có thể áp dụng với xếp hạng nhà phát hành và các khoản vay không bảo đảm được ưu tiên trả nợ, đối với 15 ngân hàng Việt Nam.
Moody's nâng triển vọng tín nhiệm của 15 ngân hàng Việt Nam. Ảnh minh họa |
Cụ thể, Moody's đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng Việt từ "Tiêu cực" lên "Tích cực", 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" và 6 ngân hàng từ "Tiêu cực" lên "Ổn định".
Có 15 ngân hàng trong diện điều chỉnh bao gồm: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
Trong đó, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực" là Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV. Có 4 ngân hàng được điều chỉnh từ "Ổn định" lên "Tích cực" là OCB, TPBank, VPBnk, VIB. Có 6 ngân hàng được điều chỉnh từ "Tiêu cực" lên "Ổn định" là ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank
Ngoại trừ ABBANK, ở xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.
Được biết, Moody's đã hạ xếp hạng BCA và BCA điều chỉnh của ABBANK từ b1 xuống b2 bởi vốn tự có của ngân hàng này có thể bị ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao hơn do tài sản có vấn đề ngày càng tăng. Trong khi đó, CRA và CRR dài hạn của ABBANK lần lượt bị hạ từ Ba3 (cr) xuống B1(cr) và từ Ba3 xuống B1.
Với giả định tất cả các yếu tố khác không đổi, Moody's khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng "Tích cực" nếu Chính phủ Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm.
Động thái này của Moody's diễn ra ngay sau khi cơ quan này xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không bảo đảm dài hạn được ưu tiên trả nợ của Chính phủ Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ "Tiêu cực" lên "Tích cực".
Moody’s cũng đã đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam hai bậc lên "Tích cực". Đây là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta vượt xa các quốc gia có xếp hạng tín nhiệm tương đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới.
Theo Bộ Tài chính, việc Ủy ban Xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam là chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch COVID-19 và là kết quả rất đáng ghi nhận đối với Việt Nam. Trong thời gian tới, Moody’s dự báo nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế, tài khoá, việc điều hành chính sách hiệu quả, qua đó góp phần giúp Việt Nam hưởng lợi từ xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ có tác động cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.