Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Cổ phiếu FLC bị bán tháo, chứng khoán đỏ lửa sau tin đồn

NGƯỜI ĐƯA TIN 10:15 29/03/2022

Các cổ phiếu thuộc nhóm bán lẻ, xuất khẩu, dầu khí... có mức tăng tốt, phần còn lại của thị trường đều chìm trong sắc đỏ và chung cảnh bị bán mạnh.

Chỉ số VN-Index có thời điểm giảm gần 25 điểm, xuống mức thấp nhất 1.473,8 điểm, dù đã ghi nhận dòng tiền bắt đáy gia nhập thị trường, nhưng đến hết phiên hôm nay (28/3), chỉ số chứng khoán này vẫn ghi nhận mức giảm hơn 15 điểm.

Cụ thể, thời điểm chốt phiên, VN-Index giảm hơn 15 điểm (1,02%) xuống 1.483,18 điểm. VN30-Index giảm hơn 14 điểm (0,95%) xuống 1.484,16 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất gần 1,5% còn UPCoM-Index giảm gần 1%.

Thị trường giảm mạnh từ khi mở cửa, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bất động sản bị bán tháo ồ ạt, trong đó các mã liên quan FLC dư bán sàn hàng chục triệu cổ phiếu. Đây là nhóm giao dịch tiêu cực nhất thị trường khi toàn bộ các cổ phiếu liên quan trong cảnh trắng bên mua.

Sau phiên xác định giá mở cửa (ATO), FLC dư bán sàn hơn 35 triệu cổ phiếu, ROS dư bán gần 30 triệu đơn vị. Cổ phiếu AMD của Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bị bán sàn tại 6.650 đồng hay ART của Chứng khoán BOS giảm về 10.300 đồng. KLF của Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS rơi về 6.400 đồng/cổ phiếu. Đến cuối phiên, khối lượng dư bán giá sàn của nhóm này đến cuối phiên xấp xỉ 140 triệu cổ phiếu. Trong đó, dư bán sàn của FLC và ROS là gần 60 triệu đơn vị.

Đây có thể là đợt cổ phiếu rớt giá mạnh nhất của FLC kể từ khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị phạt tiền do bán cổ phiếu nhưng không công bố thông tin cách đây hơn 2 tháng. Đà giảm của phiên hôm nay có thể đến từ tâm lý lo lắng của nhà đầu tư sau thông tin "trôi nổi" trên mạng xã hội từ tối hôm trước. Dù thông tin chưa được kiểm chứng nhưng vẫn gây ra tâm lý hoảng loạn với các cổ đông FLC.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu FLC bị bán tháo, chứng khoán đỏ lửa sau tin đồn

Nhóm cổ phiếu liên quan FLC bị bán mạnh ngay đầu phiên ngày 28/3. (Ảnh: SSI)

Áp lực bán cũng đã lan rộng trong nhóm bất động sản. HQC giảm kịch sàn, CEO giảm 7%, CII giảm 6,2%, NBB giảm sàn gần 7%, DIG cũng giảm sàn. Các mã LDG, VPH cũng giảm kịch sàn. DXS giảm 5,9%, SCR, NLG giảm xấp xỉ 5%. Nhiều mã bất động sản trong nhóm penny trong tình trạng "trắng bảng bên mua". Các nhóm cổ phiếu khác, như họ Louis hay Hoàng Huy cũng giao dịch trong trạng thái tiêu cực.

Diễn biến tương tự cũng ghi nhận với nhóm cổ phiếu chứng khoán, SSI (Chứng khoán SSI), HCM (Chứng khoán TP.HCM), VND (Chứng khoán VNDirect), MBS (Chứng khoán MB), SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) đều giảm trên dưới 3%.

Các mã dầu khí giao dịch tích cực nhờ thông tin giá dầu tăng trở lại. Đầu phiên hôm nay, nhiều mã dòng P vượt trên tham chiếu. PVC tăng hơn 3,8%, PVS có thêm 4,6%, PVD vượt tham chiếu 1,8%, PVT tăng 1,56%...

Hay các doanh nghiệp ngành gạo cũng bất chấp đà giảm của thị trường và giao dịch tích cực. LTG của Gạo Lộc Trời tăng 3,6%, TAR của Gạo Trung An tăng 2,7%, NSC của Vinaseed cũng tăng 0,4%...

Nhóm doanh nghiệp bán lẻ lại tiếp tục bứt phá. Từ 2 phiên cuối tuần trước, nhóm này đã tăng mạnh và hôm nay cũng tăng điểm ngược dòng thị trường. Trong đó, MWG là mã gánh chỉ số chung. MWG tăng 3,6% lên mức 144.000 đồng/cổ phiếu, DGW của Thế Giới Số tăng 4,3% lên 148.000 đồng/cổ phiếu, FRT không bứt phá song vẫn đi ngang do mã này đã có thời điểm tăng mạnh trước đó.

Cũng ngược dòng thị trường, các cổ phiếu thủy sản thu hút dòng tiền khá tốt, với nhiều mã tăng điểm như VHC, ANV, IDC, CMX, AAM, FMC MPC, thậm chí ACL tăng trần…

Ở chiều ngược lại, BID là mã tác động tiêu cực đến thị trường. Mã này hôm nay giảm 4,2%. Đà giảm của các cổ phiếu ngân hàng cũng bao trùm diện rộng với sắc đỏ ở hầu hết các mã. Chỉ có duy nhất 2 mã NVB và SGB tăng điểm, còn lại tất cả đều giảm với biên độ từ 1-4%.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu FLC bị bán tháo, chứng khoán đỏ lửa sau tin đồn (Hình 2).

Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ. (Ảnh: SSI)

Các mã nhà Vingroup cũng ghi nhận kết quả tương tự khi giảm mạnh với khối lượng bán hàng triệu cổ phiếu. VIC giảm xuống mức 80.500 đồng/cổ phiếu, trở về thị giá từ hồi tháng 9/2020. VRE giảm 2,1% xuống 32.000 đồng/cổ phiếu, VHM giảm 1,3% xuống 74.900 đồng/cổ phiếu và là một trong những mã tác động xấu nhất đến thị trường.

Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 2.500 tỷ đồng sau 4 tuần bán ròng liên tiếp trong tuần vừa rồi. Tưởng như đây là một trong các động lực quan trọng đẩy chỉ số đi lên. Song, hôm nay khối ngoại lại tiếp tục bán ròng với khối lượng 86 tỷ đồng. VNM bị bán trên 100 tỷ đồng, ngoài ra VCI, VIC, DHC, DCM, VND... cũng bị bán mạnh. Chỉ số ít mã được mua với khối lượng vài chục tỷ đồng là FTS, NKG, KBC, VRE, DGC, KDH...

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/co-phieu-flc-bi-ban-thao-chung-khoan-do-lua-sau-tin-don-a547849.html

Bạn đang đọc bài viết Cổ phiếu FLC bị bán tháo, chứng khoán đỏ lửa sau tin đồn tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán