Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư không nên mua đuổi

NGƯỜI ĐƯA TIN 07:36 15/08/2022

Dù VN-Index vừa chứng kiến đợt hồi phục nhưng các công ty chứng khoán cũng lưu ý đây là giai đoạn rủi ro đang gia tăng, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng.

Thị trường chứng khoán tuần vừa qua (8-12/8) lại ghi nhận tăng điểm, kéo dài chuỗi tăng của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền tập trung vào nhóm đầu cơ, nhà đầu tư cũng giao dịch tương đối thận trọng, dành sự quan tâm nhiều hơn đến các mã vừa và nhỏ với hy vọng tìm kiếm cơ hội ngắn hạn.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 9,59 điểm, tương ứng có thêm 0,77% và đạt 1.262,33 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HoSE đạt gần 630 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 6,84% so với tuần trước.

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 3,52 điểm, tương ứng 1,17%, lên 303,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh trung bình hơn 96 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5,68% so với tuần trước.

Cổ phiếu thủy sản là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Nhiều cái tên tăng biên độ lớn nhóm này có thể kể đến như ANV có thêm 10,73%, VHC có thêm 6,36%, FMC có thêm 3,35%, IDI có thêm 4,02%, CMX có thêm 3%...

Nhưng những cổ phiếu có biên độ tăng mạnh nhất tuần qua chủ yếu thuộc nhóm đầu cơ. Trên sàn HoSE, TGG là mã tăng mạnh nhất tuần khi kết phiên cuối tuần ngày 12/8 ghi nhận có thêm 24,5% sau một tuần. Thực tế, cổ phiếu nhà Louis Capital đã có tuần thứ hai liên tiếp lọt vào top các cổ phiếu tăng cao nhất. Tổng cộng, TGG có 6 trên 9 phiên gần nhất đóng cửa ở mức giá trần.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ khác cũng góp mặt trong top các mã tăng mạnh tuần còn có những cái tên DTA tăng 21,2%, TNT có thêm 20,8%, MCG có thêm gần 14%, PTL có thêm 13,1%...

Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư không nên mua đuổi

Kết thúc tuần giao dịch 8-12/8, VN-Index tăng 9,59 điểm, đạt 1.262,33 điểm. (Ảnh: FireAnt)

Ở chiều ngược lại, phần lớn các cổ phiếu giảm mạnh đều giao dịch khá mờ nhạt với thanh khoản thấp, giao dịch chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh/phiên như PNC, DTT, MCP, BRC... Đáng chủ ý, ROS của FLC Faros cũng góp mặt trong danh sách các mã giảm mạnh nhất. Kết thúc ngày 12/8, mã này ghi nhận giảm tổng 10,36% sau một tuần giao dịch. Đây cũng là ngày ROS chính thức bị HoSE đình chỉ giao dịch do chậm công bố thông tin.

Khối ngoại mua ròng 4 phiên liên tiếp

Dù trạng thái mua ròng vẫn bảo toàn ở tuần thứ 4 liên tiếp, nhưng cùng giao dịch hạn chế, khối ngoại đã giảm tới gần 95% giá trị mua ròng so với tuần đầu tháng 8, đạt chưa tới 80 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại đã thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng.

Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 7,72 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 93,87 tỷ đồng, giảm mạnh 86,78% về lượng và 93,5% về giá trị so với tuần trước đó.

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện 2 phiên bán ròng và 3 phiên mua ròng.

Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 5,13 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 101,28 tỷ đồng; trong khi tuần trước đó bán ròng 1,32 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 18,91 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu HDB với khối lượng mua ròng đạt 6,22 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị mua ròng đạt 156,6 tỷ đồng.

Đứng ở vị trí thứ 2 là chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được mua ròng xấp xỉ 5 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 108,1 tỷ đồng. Còn lại các cổ phiếu khác đều được mua ròng dưới 100 tỷ đồng trong tuần qua.

Trái lại, cổ phiếu VNM bị bán ròng mạnh nhất tuần qua với khối lượng bán ròng đạt hơn 2,96 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 213,5 tỷ đồng.

Tiếp theo đó, HPG bị bán ròng 3,45 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt 83 tỷ đồng, VJC bị bán ròng 54,9 tỷ đồng.

Chứng khoán tuần tới ra sao?

Các công ty chứng khoán đều đồng tình thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng song giao dịch sẽ thận trọng hơn trong tuần tới. Nhà đầu tư hạn chế vị thế mua mới, tránh các quyết định mua đuổi cổ phiếu.

Chứng khoán MBS nhận định tuần vừa rồi thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ 6,3% so với tuần trước đó, tuy vậy, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE duy trì ở mức bình quân hơn 14.000 tỷ đồng. Đây vẫn là vùng thanh khoản rất tích cực.

Dòng tiền đang có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, nên các nhịp điều chỉnh trong phiên hoặc cả phiên cũng sẽ qua nhanh. Thời điểm hiện tại cả trong và ngoài nước không có thông tin bất lợi, do vậy, Chứng khoán MSB nhận định thị trường sẽ duy trì đà tăng cùng xu hướng hồi phục cùng các thị trường quốc tế.

Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư không nên mua đuổi (Hình 2).

Dù VN-Index vừa chứng kiến đợt hồi phục nhưng các công ty chứng khoán cũng lưu ý đây là giai đoạn rủi ro đang gia tăng, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng.

Dù vậy, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) lại nhận định chỉ số chưa xác lập được nền giá đủ vững chắc. Điều này hàm ý khả năng VN-Index sẽ còn chịu áp lực rung lắc và có thể xuất hiện thêm nhịp điều chỉnh gối đầu tại vùng cản 1.27x điểm. Chứng khoán KB khuyến nghị nhà đầu tư tránh các quyết định mua đuổi, linh hoạt bán trading khi chỉ số tăng chạm kháng cự và chỉ kê mua lại tại các vùng hỗ trợ.

Còn Chứng khoán BSC nhận định trong phiên cuối tuần trước, thị trường sau khi tiến lên giằng co trước ngưỡng 1.260 điểm đã đóng cửa tại mốc 1.262,33 điểm, tăng hơn 10 điểm so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, thanh khoản trong phiên hôm nay sụt giảm, cho thấy nhà đầu tư vẫn đang có tâm lý phân vân trước vùng 1.260 điểm.

Trong những phiên tới, Chứng khoán BSC cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giao dịch trong vùng 1.250-1.260 điểm để tích lũy thêm khi 1.260 điểm vẫn là ngưỡng cản cứng của thị trường.

Chứng khoán SHS nhận định, từ sau khi thiết lập được mức đáy quanh 1.140 điểm vào đầu tháng 7/2022, thị trường đã có liên tiếp 5 tuần hồi phục và hiện đã vượt qua được ngưỡng 1.260 điểm.

Do đó, xu hướng trong ngắn hạn của thị trường vẫn nghiêng về tích cực và chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.260-1.285 điểm trong thời gian tới.

Bạn đang đọc bài viết Chứng khoán tuần mới: Nhà đầu tư không nên mua đuổi tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán