Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

CEO Chứng khoán Tiên Phong từ nhiệm sau khi công ty lỗ kỷ lục

NGƯỜI ĐƯA TIN 15:10 26/07/2022

Ông Trần Sơn Hải từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc TPS bởi lý do cá nhân, trùng thời điểm công ty ghi nhận mức lỗ nửa đầu năm 552 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Công ty Chứng khoán Tiên Phong (Mã chứng khoán: ORS) thông báo nhận được đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc và Người đại diện theo pháp luật của ông Trần Sơn Hải vào hôm 23/7.

Đơn xin từ nhiệm cho biết ông Hải vì lý do cá nhân nên không thể tiếp tục nhận đảm nhận các chức danh trên. Đồng thời, ông đề nghị Hội đồng quản trị chấp thuận và bổ nhiệm người thay thế trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Sơn Hải sinh năm 1977 với trình độ chuyên môn Tài chính ngân hàng. Ông từng giữ chức danh Chủ tịch Chứng khoán Tiên Phong giai đoạn tháng 1-10/2019, sau đó được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch HĐQT từ tháng 10/2019 đến nay. Ông Hải hiện không sở hữu cổ phần ORS.

Ông Trần Sơn Hải được giới thiệu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và từng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tài chính lớn như Boston Asset Management, ngân hàng Standard Chartered Vietnam, Techcombank, TPBank.

Đơn từ nhiệm của ông Hải được gửi đến ngay sau khi công ty báo cáo kết quả kinh doanh tiêu cực. Theo đó, công ty bất ngờ báo lỗ kỷ lục 129 tỷ đồng trong quý II do tác động xấu của hoạt động tự doanh.

Tài chính - Ngân hàng - CEO Chứng khoán Tiên Phong từ nhiệm sau khi công ty lỗ kỷ lục

Cổ phiếu ORS trên thị trường cũng đã giảm hơn 40% thị giá từ đầu năm. (Ảnh: FireAnt)

Về kết quả kinh doanh, thực tế tổng doanh thu quý II/2022 của Chứng khoán Tiên Phong vẫn tăng mạnh lên 661,7 tỷ đồng.

Dù doanh thu tăng song chi phí hoạt động của Chứng khoán Tiên Phong cũng tăng mạnh theo. Cụ thể, tổng chi phí hoạt động lên tới 697 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu này cùng kỳ năm trước là 162,8 tỷ đồng. Nguyên nhân chi phí hoạt động tăng đến 4 lần đến từ việc việc công ty này cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục. Việc này làm lỗ các tài sản tài chính FVTPL quý II là 527,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ FVTPL chỉ gần 90 tỷ đồng.

Riêng quý II vừa rồi, Chứng khoán Tiên Phong cắt lỗ 367,2 tỷ đồng. Trong đó, cắt lỗ cổ phiếu niêm yết là 87 tỷ đồng. Cổ phiếu cắt lỗ mạnh nhất là SSI của Chứng khoán SSI. Đà giảm của SSI từ đầu năm đến nay khiến Chứng khoán Tiên Phong bị "thổi bay" 24 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty này phải cắt lỗ 280 tỷ đồng do đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết. Đây là trái phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn R&H, một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Hà Nội, khiến TPS lỗ gần 120 tỷ đồng.

Chứng khoán Tiên Phong vẫn chốt lời mảng tự doanh 172,8 tỷ đồng, trong đó có cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn. Tuy nhiên khoản chốt lời không thể bù cho mức lỗ kể trên.

Cổ phiếu ORS của Chứng khoán Tiên Phong đến phiên sáng 26/7 giao dịch quanh mức 14.500 đồng/cổ phiếu. Với 200 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của công ty chứng khoán này đạt hơn 2.800 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ORS đã giảm khoảng 40% thị giá.

Không chỉ Chứng khoán Tiên Phong mà nhiều công ty chứng khoán khác cũng chịu khoản lỗ trăm tỷ do hoạt động tự doanh diễn biến tiêu cực theo đà giảm chung của thị trường. Đơn cử, Chứng khoán Apec lỗ 442 tỷ đồng, SHS lỗ ròng 372 tỷ đồng, VDSC bị lỗ 268 tỷ đồng, ACBS lỗ 198 tỷ đồng, BMSC lỗ 165 tỷ đồng, APG 106 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết CEO Chứng khoán Tiên Phong từ nhiệm sau khi công ty lỗ kỷ lục tại chuyên mục Chứng khoán. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Chứng khoán