Ông Phùng Văn Chiến - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Thái Bình (bên phải). |
Ông Phùng Văn Chiến, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình vừa bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày, để báo cáo giải trình nghi vấn sử dụng văn bằng giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm.
Theo đó, ngày 21/10, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Anh đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phùng Văn Chiến trong vòng 15 ngày kể từ ngày 21/10.
Được biết, lý do của quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Phùng Văn Chiến là để xem xét, xử lý kỷ luật đối với vi phạm của cá nhân ông này trong sử dụng văn bằng để được tuyển dụng, bổ nhiệm.
Trước đó, dư luận xôn xao cho rằng ông Chiến sử dụng bằng tốt nghiệp Đại học giả của Trường Đại học Dân lập Đông Đô. Chi tiết gây nghi vấn bởi thời điểm năm 2003, PGS.TS Nguyễn Niên, người ký bằng tốt nghiệp Đại học cho sinh viên Trường Đại học Dân lập Đông Đô, vẫn đang là quyền Hiệu trưởng.
Trong khi văn bằng tốt nghiệp Đại học ông Chiến nộp để được tuyển dụng, bổ nhiệm là bằng tốt nghiệp Trường Đại học Dân lập Đông Đô (Hà Nội) đề năm 2002, hệ chính quy, ngành kiến trúc, hạng trung bình do PGS.TS Nguyễn Niên ký nhưng chức danh trong văn bằng tốt nghiệp lại đề Hiệu trưởng, không có chữ "Quyền".
Ông Chiến được Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện quy hoạch từ ngày 01/6/2018.
Xử lý thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, các hành vi sai phạm (nếu có) và các chế tài xử lý như thế nào thì còn phụ thuộc vào kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu vị Viện trưởng trên bị kết luận là sử dụng bằng tốt nghiệp giả thì tùy thuộc vào nội dung, tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, nếu cán bộ, công chức có hành vi “Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ”, hoặc “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị” thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức hoặc buộc thôi việc theo Điều 12 và Điều 13 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 4 và khoản 6 Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định: “Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Về việc xử lý trách nhiệm hình sự, Luật sư cho biết, tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức"; tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật” thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến cao nhất là 07 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Vẫn chưa có quy định cụ thể về việc bồi thường
Không chỉ riêng vụ việc trên, thời điểm trước đó đã có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan tới việc sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm, thi cử. Tháng 01/2021, Học viện Khoa học xã hội đã hủy toàn bộ kết quả học tập của 12 học viên sử dụng văn bằng giả của Trường Đại học Đông Đô tại cơ sở đào tạo này, bao gồm 11 người đang làm Tiến sĩ và 01 người học Thạc sĩ.
Cuối tháng 06/2021, UB Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước cũng có quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức vụ đối với ông Bùi Quốc Minh (Phó Bí thư thường trực huyện Phú Riềng) vì dùng bằng giả để đi xin việc, từ đó được bầu vào các chức danh chủ chốt ở huyện.
Còn rất nhiều trường hợp sử dụng bằng giả trong công tác bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, hiện nay pháp luật không có quy định trực tiếp và cụ thể về việc sử dụng bằng giả thì có phải bồi thường hay không và mức bồi thường như thế nào.
Theo đó, nếu việc sử dụng bằng giả thực hiện các hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại cho các cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức thì người vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật có liên quan.
Hiện nay, các quy định của pháp luật về việc xử lý hành vi sử dụng văn bằng, giấy tờ giả mặc dù đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên thực tế, các hành vi này vẫn diễn ra, đặc biệt là trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức và viên chức, ảnh hưởng rất xấu đến công tác nhân sự, cán bộ của Đảng và Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.
Luật sư cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xác minh, giám sát đối với việc cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức và viên chức, để có thể kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tăng cường tính răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Bên cạnh đó, cũng cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật, xây dựng được cơ chế kiểm tra, xác minh, giám sát hiệu quả hơn đối với việc cấp và sử dụng các loại văn bằng chứng chỉ như: Áp dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất về việc cấp văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục, đào tạo; quy định trách nhiệm kiểm tra, xác minh về văn bằng, chứng chỉ trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức và viên chức...