Dự thảo Thông tư này quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 20/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia gồm các hoạt động: Hỗ trợ tài chính; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ giao; hợp tác hỗ trợ đổi mới công nghệ; tiếp nhận tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện; chế độ thông tin.
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc chung về hỗ trợ tài chính của Quỹ là quỹ hỗ trợ tài chính đúng nguyên tắc, mục đích, đối tượng và điều kiện theo quy định tại Quyết định 04/2021/QĐ-TTg, đem lại hiệu quả và tác động rõ rệt cho đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, có tác dụng lan tỏa cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác.
Quỹ hỗ trợ tài chính cho các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng; Quỹ hỗ trợ tài chính bảo đảm an toàn vốn điều lệ đối với hoạt động cho vay ưu đãi và bảo lãnh để vay vốn.
Về xây dựng, ký kết và quản lý thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ đổi mới công nghệ, Dự thảo nêu rõ việc tổ chức quản lý và triển khai thực hiện chương trình hợp tác. Cụ thể, đối với các chương trình hợp tác có sử dụng ngân sách Nhà nước, Quỹ tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện theo quy định quản lý các chương trình. Đối với các chương trình hợp tác không sử dụng ngân sách Nhà nước, Quỹ triển khai thực hiện chương trình hợp tác theo thỏa thuận hợp tác hai bên đã ký.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý các hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Ảnh minh họa |
Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày ký kết hợp tác, Quỹ có trách nhiệm công bố thông tin về chương trình hợp tác và các nội dung liên quan trên trang thông tin điện tử của Quỹ và tại trụ sở Quỹ.
Kinh phí thực hiện các chương trình hợp tác được bảo đảm từ các nguồn: Kinh phí từ kết quả hoạt động của Quỹ; kinh phí hình thành từ các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hội đồng quản lý Quỹ ban hành quy chế tổ chức quản lý và triển khai thực hiện chương trình hợp tác.
Dự thảo cũng nêu rõ trách nhiệm của Quỹ là tiếp nhận, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước; các nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ; các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp, đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài dành cho Quỹ; và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Tổ chức thông tin, tìm kiếm, xét chọn chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chương trình hợp tác và các nội dung liên quan để Quỹ hỗ trợ tài chính, thẩm định tài chính, quản lý quá trình thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả thực hiện công khai, minh bạch; hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của Thông tư này và quy định hiện hành; thực hiện các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo đúng hướng dẫn quản lý nhiệm vụ và quản lý tài chính do cấp có thẩm quyền ban hành.
Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với Quỹ. Chủ trì hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của Quỹ và ban hành theo thẩm quyền.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng...Chương trình nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ.
Mục tiêu cụ thể đến 2025 số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm; 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm trực tiếp tham gia Chương trình hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển; có từ 3-5 ngành sản xuất sản phẩm chủ lực sản phẩm trọng điểm làm chủ hoặc tạo ra được công nghệ tiên tiến trong chuỗi giá trị để sản xuất ra các sản phẩm, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở đổi mới công nghệ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp trực tiếp tham gia Chương trình có năng suất lao động cao hơn ít nhất 1,5 lần năng suất lao động khi chưa đổi mới công nghệ.
Hình thành tại mỗi vùng kinh tế ít nhất một mô hình nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ điển hình phù hợp với điều kiện đặc thù của địa bàn để triển khai nhân rộng.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình là hoàn thiện thể chế pháp lý, thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ; xây dựng, triển khai lộ trình nâng cao năng lực công nghệ quốc gia; nghiên cứu, ứng dụng làm chủ công nghệ tiên tiến trong việc sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; tăng cường nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Theo Chất lượng Việt Nam Online