Ông tiết lộ một số doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm với cả hợp đồng dài hạn lẫn hợp đồng chuyển giao một lần. Dù vậy, Pang không cho biết cụ thể tên và số lượng công ty. "Nhiều doanh nghiệp đã nói chuyện với chúng tôi, nhưng việc chốt lại sẽ cần một thời gian dài nữa", ông trả lời Reuters trong một chuyến thăm tại Washington tuần này. Pang nói rằng các cuộc nói chuyện chỉ mới kéo dài vài tuần và chưa đạt được nội dung cụ thể. Hiện tại, Mỹ chưa có nhà cung cấp thiết bị 5G nào. Các đối thủ phương Tây như Ericsson hay Nokia lại có chi phí cao hơn nhiều.
Chính phủ Mỹ vẫn luôn lo ngại thiết bị của Huawei có thể dùng để do thám khách hàng và liên tục thúc giục các đồng minh cấm sản phẩm 5G của hãng viễn thông Trung Quốc. Dù vậy, Huawei đến nay vẫn phủ nhận cáo buộc này. Hồi tháng 5, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì đe dọa an ninh quốc gia, cấm các công ty Mỹ cung cấp sản phẩm, dịch vụ nếu không xin phép chính phủ.
Washington cũng cáo buộc hình sự với Huawei, cho rằng họ lừa dối các ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran và đánh cắp bí mật thương mại. Huawei đều phủ nhận các thông tin trên.
Ý tưởng về khoản phí nộp một lần để tiếp cận bản quyền, giấy phép, mã và công nghệ 5G của Huawei lần đầu được CEO kiêm nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đề cập đến tháng trước. Sau khi chuyển giao, công ty Mỹ có thể được phép sửa đổi mã nguồn phần mềm để chạy bất kỳ thiết bị 5G nào của Huawei, hoặc thậm chí là thay đổi, tự phát triển thiết bị riêng nếu thấy phù hợp. Tuy nhiên, giới quan sát khi đó không rõ liệu có công ty Mỹ nào quan tâm hay không.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tháng trước, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ý nghi ngờ về lời đề nghị của ông Nhậm. "Việc các nhà mạng mua thiết bị rồi sau đó tự quản lý toàn bộ phần cứng, phần mềm là không thực tế", người này nói, "Nếu có bug (lỗ hổng) tạo sẵn trong phần mềm ban đầu, chẳng có cách nào biết được chúng ở đó và chúng có thể được kích hoạt bất kỳ lúc nào, kể cả nếu phần mã nguồn đã được chuyển giao cho nhà mạng". Pang không dự báo liệu có bất kỳ thỏa thuận nào được ký hay không.
Dù vậy, ông cảnh báo việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải tiến nền tảng sau khi Huawei chuyển giao một lần sẽ rất đắt đỏ. Từ năm 2009, hãng này đã chi hàng tỷ USD để phát triển công nghệ 5G.