Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Từ “nghiệp vụ” đấu giá của Út “Trọc” đến Công ty Kim Oanh

DTVN 18:05 03/01/2021

Nhiều doanh nghiệp quan tâm mua quyền thu phí trong thời hạn 5 năm cao tốc Trung Lương, nhưng cuối cùng chỉ có công ty do Út "Trọc" thành lập tham gia và trúng đấu giá với mức giá 2.004 tỷ đồng.

Đinh Ngọc Hệ - Út "Trọc" và nhiều cá nhân khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương

Từ “nghiệp vụ” đấu giá của Út “Trọc”

Để bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thành lập Hội đồng đấu giá do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường là Chủ tịch và 6 ủy viên. Quy định về đấu giá xác định số tiền trúng đấu giá phải được thanh toán xong trong 10 tháng, chia làm 3 kỳ; nếu chậm trả bất cứ kỳ nào sẽ bị phạt 150% giá trị chậm nộp theo ngày; nếu thanh toán chậm quá 30 ngày sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Đầu tháng 11/2013, Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An dù chưa nộp đủ tiền đặt trước nhưng vẫn được chấp thuận tham gia đấu giá, tuy nhiên sau đó chỉ Công ty Yên Khánh “một mình” tham gia đấu giá.

Trúng đấu giá, Công ty Yên Khánh thỏa thuận với Tổng Công ty Cửu Long thay đổi một số nội dung của hợp đồng mẫu ban đầu. Điều kiện Bên A chấm dứt hợp đồng trước thời hạn khi bên B thanh toán chậm quá 30 ngày được thêm vào "mà không có lý do chính đáng". Điều kiện chịu phạt khi chậm thanh toán được điều chỉnh từ "150% giá trị tính theo ngày" thành "150% lãi suất cơ bản theo năm". Hợp đồng này được ông Nguyễn Hồng Trường phê duyệt.

Có quyền thu phí, Công ty Yên Khánh không thanh toán tiền trúng đấu giá đúng quy định, nhưng Bộ GTVT và Tổng Công ty Cửu Long đều không yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Như đã tính trước, để có "lý do chính đáng" kéo dài việc chậm trả tiền, ngày 22/7/2014, Công ty Yên Khánh kiến nghị được chỉ định làm nhà thầu xây dựng bổ sung 2 nút giao thông tuyến Tân Tạo – Chợ Đệm thuộc cao tốc Trung Lương và dùng tiền này cấn trừ tiền trúng đấu giá phải thanh toán. Đến ngày 30/3/2017, sau 42 tháng thay vì 10 tháng như quy định ban đầu, Công ty Yên Khánh mới nộp hết hơn 2.004 tỷ đồng mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương bằng nguồn tiền vay ngân hàng và tiền thu phí.

Các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Chí Thành (quyền Vụ trưởng Tài chính), Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) và nhiều cá nhân khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đinh Ngọc Hệ - Út "Trọc" và nhiều cá nhân khác phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Út “Trọc” nhận án chung thân và phải chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt.

Công ty Kim Oanh dính nhiều lùm xùm liên quan đến đấu giá tại Dự án Hòa Lân.

Đến “nghiệp vụ” đấu giá của Công ty Kim Oanh

Các năm 2014, 2015, 2017 Agribank Chợ Lớn thông qua Công ty đấu giá Nam Sài Gòn bán các quyền sử dụng đất của Công ty Thiên Phú thuộc 3 dự án Hòa Lân, Cầu Đò, Mỹ Phước 4 đều tại Bình Dương để thu hồi nợ vay.

Với các lô đất khu B Dự án Mỹ Phước 4, Thông báo bán đấu giá cho hạn cuối cùng để nộp tiền đặt trước là 16h00 ngày 25/9/2015. Tới ngày 28/9/2015, quá 3 ngày, Công ty Thuận Lợi (sau này đổi tên thành Công ty Kim Oanh) mới nộp 3 tỷ đồng tiền đặt trước nhưng vẫn được tham gia đấu giá một mình và sau đó trúng đấu giá với giá khởi điểm. Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền đấu giá trong hạn 30 ngày. Sau khi Công ty Kim Oanh trúng đấu giá, Agribank Chợ Lớn thỏa thuận cho phép Công ty Kim Oanh đổi lịch thanh toán thành nhiều kỳ, kéo dài gần 1 năm sau. Thực tế thì sau 18 tháng, kể từ khi đấu giá thành, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết tiền.

Với lô đất Khu A Dự án Mỹ Phước 4, các lô đất tại Dự án Cầu Đò, Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ tiền đấu giá trong hạn 45 ngày. Công ty Kim Oanh cũng đấu giá một mình, trúng đấu giá. Agribank Chợ Lớn thỏa thuận cho Công ty Kim Oanh kéo dài hạn thanh toán đến gần 1 năm. Thực tế thì sau gần 2 năm Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết tiền.
Với các lô đất tại Dự án Hòa Lân, Thông báo bán đấu giá quy định người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ số tiền trúng đấu giá trong vòng 45 ngày, kể từ ngày đấu giá thành. Trên thực tế, gần 2 năm sau, Công ty Kim Oanh mới thanh toán hết số tiển mua tài sản trúng đấu giá.

Lý do chậm thanh toán được Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn và Công ty Kim Oanh cùng xác định là “khách quan” – điều kiện không hề có trong hồ sơ đấu giá ban đầu, mà chỉ được bổ sung sau trong Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Thực tế cũng không có bất cứ lý do nào được coi là khách quan xảy ra. Sau khi trúng đấu giá, chưa phải là chủ đầu tư, Công ty Kim Oanh đã thế chấp tài sản mua được, thậm chí bán luôn sản phẩm cho khách hàng.

Cả 3 lần trúng đấu giá của Công ty Kim Oanh đều có nhiều sai phạm, có sự giúp sức của Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và Văn phòng công chứng. Các vụ việc đấu giá của Công ty Kim Oanh đều có điểm giống “kịch bản” vụ Út “Trọc” đấu giá mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương: Không có năng lực tài chính, bằng mọi cách trúng đấu giá, sau đó sửa đổi hợp đồng mua tài sản đấu giá khác với hồ sơ đấu giá ban đầu, kéo dài thời gian thanh toán, thực hiện không đúng Hợp đồng, trục lợi từ chính tài sản mình mua được. Nếu các điều kiện về thanh toán chậm được thông báo minh bạch, công khai trước khi đấu giá, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn và giá trúng đấu giá sẽ cao hơn. Đấu giá chỉ thực sự khách quan khi luật chơi được thông báo trước và không thể thay đổi sau khi đấu giá xong, nếu luật chơi thay đổi, đấu giá là gian dối.

Thiệt hại trong vụ án đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương là 725 tỷ đồng. Trong vụ án Nguyễn Hữu Tín - cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM với tội danh tương tự Đinh La Thăng khi giao 5.000 m2 đất tại Thi Sách, quận 1, TP.HCM cho Vũ “Nhôm”, dù thiệt hại được xác định chỉ là 6,7 tỷ đồng, nhưng Nguyễn Hữu Tín và nhiều cá nhân khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, tài sản Nhà nước được thu hồi. Việc xử lý những cán bộ cao cấp thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước.

Công ty Kim Oanh chỉ phải bỏ ra hơn 1.750 tỷ đồng cho hàng trăm hecta đất ở cả 3 dự án có giá trị thị trường theo một số chuyên gia ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng. Số tiền hiện chưa thu hồi được sau khi bán đấu giá các tài sản trên cho Công ty Kim Oanh do chính Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn nêu là trên 2.000 tỷ đồng. Thanh tra Chính Phủ đã xác định việc Ngân hàng Nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay có dấu hiệu hình sự. Bao giờ số tiền này mới được xác định là thất thoát, ai sẽ chịu trách nhiệm và thu hồi bằng cách nào?

Theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Link gốc : https://kinhtechungkhoan.vn/tu-nghiep-vu-dau-gia-cua-ut-troc-den-cong-ty-kim-oanh-85326.html

Bạn đang đọc bài viết Từ “nghiệp vụ” đấu giá của Út “Trọc” đến Công ty Kim Oanh tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản