Giao 2.100 tỷ đồng cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Ngày 4/12, UBND tỉnh Tiền Giang họp báo, công khai tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Tiền Giang, cuối tháng 11, tỉnh này đã nhận được nguồn vốn hơn 2.100 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hiện đã giao vốn cho doanh nghiệp dự án.
"Trong đó hoàn ứng kinh phí cho doanh nghiệp dự án hơn 1.400 tỷ đồng, hoàn ứng ngân sách tỉnh gần 280 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được đầu tư cho các hạng mục khác của dự án", ông Tuấn nói.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, theo phương án tài chính được duyệt, các tổ chức tín dụng sẽ tham gia tài trợ trên 6.600 tỷ đồng.
Đầu tư ga đường sắt Đà Nẵng theo hình thức PPP
Theo UBND TP. Đà Nẵng, Dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ GTVT thống nhất nguồn vốn thực hiện theo hình thức PPP.
Hiện nay, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất, báo cáo, xin ý kiến thống nhất chủ trương triển khai Dự án theo hình thức BT và thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành theo quy định để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng Thành phố đề xuất thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở GTVT phối hợp cùng Sở KH&ĐT làm việc với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan thống nhất cụ thể phương án đầu tư, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trương thực hiện. Được biết, Dự án gồm 2 tiểu dự án. Tiểu dự án 1 là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị, đầu tư theo hình thức BT gồm 3 hợp phần với kinh phí khoảng 10.236 tỷ đồng. Tiểu dự án 2 - đền bù giải tỏa phục vụ Dự án và tái phát triển đô thị, sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố với kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng.
Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ mở rộng thêm 4 làn xe
Bộ GTVT vừa giao Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai).
Theo Bộ GTVT, với qui mô 4 làn xe hiện hữu, hiện tuyến cao tốc này đang có hiện tượng quá tải, thường xuyên bị ùn tắc do lưu lượng xe trên tuyến ngày càng tăng. Vì vậy, Bộ đã giao Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long nghiên cứu mở rộng. Việc tăng thêm 4 làn xe để đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn giao thông.
TP. HCM đề xuất quy hoạch xây dựng tuyến đường trên cao tại huyện Cần Giờ
Đó là một trong những nội dung mà UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cho phép Thành phố lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện Cần Giờ song song với quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh Đồ án quy hoạch chung mà thành phố đang thực hiện.
Cùng với đó, Chiều 5/12, Sở GTVT TP. HCM cho biết vừa phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ đường vành đai 2 đến đường vào KCN Phú Hữu (Q.9) dài 1,6 km.
Theo Sở GTVT, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh hiện chỉ khoảng 7m và 2 làn xe, dự kiến sẽ được mở rộng lên 30m cho 4 làn xe ô tô và 2 làn xe gắn máy lưu thông. Trong đó, sẽ mở rộng nút giao thông Nguyễn Duy Trinh và đường 990 để đảm bảo tổ chức giao thông đi các hướng thuận tiện an toàn và phù hợp với mặt cắt ngang hoàn chỉnh của cao tốc TP.HCM - Long Thành -Dầu Giây; ưu tiên cho dòng xe từ đường 990 ra vào đường Nguyễn Duy Trinh.
Bộ KHĐT đề xuất giao ACV xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất gần 11.000 tỷ
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trong Báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị Thủ tướng xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 CHK quốc tế Tân Sơn Nhất công suất 20 triệu khách/năm do TCT Cảng hàng không VN (ACV) thực hiện với vốn đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV.
Theo Minh Thuận/TBCK