Hà Nội, Thứ Hai Ngày 29/04/2024

Dự án xây 100 biệt thự giữa khu rừng dự trữ sinh quyển thế giới: Cân nhắc giữa được và mất!

DTVN 16:05 02/11/2023

Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy tại tỉnh Ninh Thuận có gần 12 ha diện tích rừng thuộc Vườn quốc gia Núi Chúa – khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đặc biệt, sẽ có 100 căn biệt thự được xây dựng tại

Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là: “…phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Vụ việc tạo ra rất nhiều băn khoăn trong dư luận thời gian gần đây, trở thành một đề tài trao đổi sôi nổi trong các thành viên, hội viên Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Tình huống cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng ở đây là: Chọn thiên nhiên hay chọn lợi ích kinh tế?
Tạp chí Người Xây dựng cũng đã có công văn trao đổi thông tin cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận.
Sơ đồ mô phỏng khu vực thực hiện Dự án của Công ty Syrena (BIM Group).
Những tác động tiêu cực có thể xảy ra
Tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 8/2023 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam (thành viên của BIM Group) đã dự báo một số tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thực hiện Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy (Vườn Quốc gia Núi Chúa, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) như sau:
Khối lượng chất thải rắn phát sinh trong quá trình phát quang dọn dẹp mặt bằng 269,56 tấn không quá lớn, song nếu không được thu gom, xử lý triệt để sẽ chiếm chỗ, giảm chất lượng cảnh quan khu vực. Bên cạnh đó, lượng sinh khối có thể rơi vãi hoặc theo nước mưa chảy tràn cuốn xuống suối Bãi Cóc trong khu vực gây tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước của khu vực Vườn Quốc gia…
Quá trình chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án sẽ làm thay đổi mục đích sử dụng đất của khu vực, làm thay đổi quy hoạch sử dụng đất của Vườn Quốc gia. Việc thay đổi quy hoạch sẽ làm biến động hiện trạng sử dụng đất, dẫn đến giảm diện tích rừng, thu hẹp nơi cư trú của các loài sinh vật rừng, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học.
Việc chia cắt độ phủ của rừng làm gián đoạn môi trường sống của các sinh vật. Môi trường sống của các động vật bị thu hẹp lại, làm giảm nguồn thức ăn của các động vật khác trong chuỗi thức ăn, giảm sự giao lưu loài của hệ động, thực vật khu vực xung quanh Dự án.
Độ phủ của rừng giảm làm gia tăng xói mòn và hoang hóa đất, tăng nguy cơ sạt lở đất đá trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng, thi công xây dựng và hoạt động dự án, nhất là vào mùa mưa, gây ảnh hưởng đến tính mạng con người và công trình xung quanh, ảnh hưởng đến hoạt động cũng như hệ sinh thái của Vườn Quốc gia, bên cạnh đó gây ảnh hưởng đến người dân thuộc các xã vùng đệm, nhất là xã Vĩnh Hải.
Đối với cây lấy gỗ bị chặt hạ hoặc di chuyển ra vị trí khác làm giảm diện tích rừng kéo theo sự thay đổi độ che phủ, ánh sáng, chất lượng đất và nguồn nước làm suy giảm chất lượng môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Quá trình di chuyển và trồng lại các cây có đường kính ≥20cm và các loại cây quý hiếm, nếu không thích ứng với vị trí mới có thể gây chết hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây, gây ảnh hưởng đến thành phần và trữ lượng loài.
Hình ảnh về Vườn Quốc gia Núi chúa - Khu dự trữ sinh quyển Thế giới.
Ngoài ra, việc biến đổi số lượng, thành phần loài cũng ảnh hưởng đáng kể đến mắt xích thức ăn trong chuỗi thức ăn của hệ động vật rừng. Việc làm giảm diện tích rừng cũng là làm giảm diện tích nơi sinh cư của hầu hết các nhóm động vật hoang dã…
Quá trình thực hiện dự án sẽ chiếm dụng khoảng 23.264m2 của 21 hộ dân xã Vĩnh Hải. Trong đó có 01 hộ đã được cấp “sổ”, 04 hộ có nguồn gốc sử dụng đất ổn định, 10 hộ sử dụng đất sau năm 2003, 06 hộ khai phá năm 2010 đến nay. Việc chiếm dụng đất sẽ thu hẹp diện tích đất canh tác của người dân, ảnh hưởng đến kế hoạch phân bổ các loại đất trồng, làm giảm nguồn thu nhập hàng năm.
Giảm sản lượng năng suất cây trồng dẫn đến giảm thu nhập do cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào canh tác nông - lâm nghiệp nên khi mất đất canh tác, ban đầu họ sẽ khó thích nghi và gặp trở ngại với việc tìm công việc mới phù hợp để duy trì cuộc sống. Hơn nữa đa phần thuộc dân tộc Raglai, trình độ dân trí chưa cao nên nếu chủ đầu tư không có phương án đền bù thỏa đáng, cũng như hỗ trợ người dân có thể xảy ra tranh chấp đất đai, phát sinh các tệ nạn xã hội, gây mất trật tự trị an khu vực.
Việc chiếm dụng diện tích mặt nước suối Bãi Cóc sẽ thu hẹp diện tích đất mặt nước, giảm khả năng cấp nước phục vụ hoạt động tưới tiêu nương điều, cây hàng năm của một số hộ dân, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; và động vật sử dụng nước suối để uống tại Vườn Quốc gia, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái.
Dự án cũng tác động đến các sinh vật cư trú trên các loài cây như: Các loài chim, sâu, bướm... Các loài động vật này sẽ phải di cư tìm nơi cư trú thích hợp hoặc có thể bị chết. - Quá trình phát quang dẫn đến nguồn thức ăn của các loài động vật suy giảm, chúng sẽ phải di cư tìm nguồn thức ăn mới. - Làm mất cân bằng sinh thái của khu vực và xung quanh dự án.
Dự án còn tác động trực tiếp đến hệ hô hấp của con người gây ra các bệnh viêm phổi, ho lao, hen xuyễn, ho. Ngoài ra bụi còn gây ra các bệnh ngoài ra như ngứa, nhiễm trùng chỗ da đang bị tổn thương, các bệnh về mắt như đau mắt đỏ, tổn thương niêm mạc mắt... Ngoài ra, bụi phát tán vào diện tích mặt nước tại vịnh Vĩnh Hy cách phía Tây Dự án khoảng 300m, sẽ làm gia tăng độ đục, bồi lắng tại thủy vực, giảm chất lượng nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp đến động vật đáy, các rạn san hô, thảm cỏ biển ven bờ, đồng thời ảnh hưởng đến khu vực bãi tắm Bãi Cóc.
Nếu nồng độ khí thải vượt qua ngưỡng chịu tải của lớp phủ thực vật sẽ gây chết một số loại cây, hoặc để phục hồi lại lớp phủ thực vật cần một khoảng thời gian lâu dài. Các chất độc hại, bụi bám trên lớp lá thực vật sẽ gây độc hại cho các loài động vật sử dụng lá cây làm thức ăn. Các động vật này sẽ phải di cư tìm nguồn thức ăn và nơi cư trú mới để đảm bảo duy trì cuộc sống.
Tiếng ồn là yếu tố tác động trực tiếp gây ra những thay đổi và phản ứng nhanh nhạy của các loài động vật, đặc biệt là các loài chim và thú rừng. Nếu tiếng ồn quá lớn sẽ làm cho các động vật rừng sợ hãi, tác động đến tâm sinh lý, đặc biệt trong khu vực Dự án đã ghi nhận có một số loài động vật quý hiếm gồm 01 loài chim; 05 loài bò sát lưỡng cư; 08 loài côn trùng…
Trong quá trình thi công, các hoạt động san gạt mặt bằng, đào, đắp các hạng mục công trình làm xáo trộn các tầng đất, mất lớp phủ thực vật, tăng tỷ lệ bê tông hóa. Cảnh quan tự nhiên được thay thế bằng các cảnh quan nhân tạo làm biến đổi cảnh quan môi trường khu vực theo chiều hướng xấu, tăng khả năng chảy tràn, xói mòn và rửa trôi bề mặt vào mùa mưa.
Báo cáo tác động môi trường cũng dự báo việc tập trung số lượng lớn công nhân có thể gây ra các tác động tiêu cực tới an ninh trật tự xã hội tại khu vực: làm phát sinh các tệ nạn xã hội (cờ bạc, trộm cắp, ma túy,...). Nếu ý thức của công nhân không cao, không thực hiện đúng quy định trong an toàn lao động và nội quy lao động sẽ làm gia tăng tác động xấu tới an ninh trật tự… Trong giai đoạn 2, có thể phát sinh xung đột giữa công nhân thi công và khách tham quan, nghỉ dưỡng như: gây gổ đánh nhau, trộm cắp, lây lan dịch bệnh... ảnh hưởng đến trật tự trị an, sức khỏe người dân khu vực.
Tác động đến hoạt động tham quan, du lịch Vườn Quốc gia và vịnh Vĩnh Hy Quá trình thi công, xây dựng làm phát sinh các loại chất thải, nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, độ rung là điều không thể tránh khỏi…
Cần thận trọng khi thực hiện dự án
Trong văn bản phúc đáp đề nghị cung cấp thông tin của Tạp chí Người Xây dựng, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận đã phát hành Công số 3590/SNNPTNTT-QLCN và gửi kèm Công văn số 3542/SNNPTNT-KH. Theo Sở NNN&PTNT, dự án trên được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 419/QĐ-UBND ngày 22/10/2015 và điều chỉnh tại Quyết định số 412/QĐ-UBND ngày 04/12/2017, Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 01/6/2022. Ngoài ra, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Tổng diện tích dự án là 64,65ha, trong đó đất rừng thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa là 11,58ha. Sở NN&PTNT xác định có 10,06ha là rừng tự nhiện và 0,98ha rừng trồng.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 14 và khoản 2, Điều 20 Luật Lâm nghiệp và Điều 1, Nghị định 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác thuộc thẩm quyền xem xét của Thủ tướng Chính phủ.
Sở NN&PTNT khẳng định, việc triển khai dự án đảm bảo tuân thủ pháp luật về du lịch và phù hợp với định hướng phát triển của Trung ương và Ninh Thuận.
Báo cáo của Sở NN&PTNT cũng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa tham vấn ý kiến của Ủy ban UNESSCO và MAB Việt Nam nhằm đảm bảo các điều khoản cam kết quốc tế khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển Thế giới.
Sở NN&PTNT cũng thông tin, vào đầu tháng 11/2023, chủ đầu tư sẽ tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động môi trường trực tiếp bởi dự án. Công ty Syrena cũng cam kết thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích bằng hình thức nộp tiền Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh. Hiện Sở NN&PTNT đang thẩm tra, hoàn chính hồ sơ và dự thảo để UBND tỉnh xem xét trình Bộ NN&PTNT thẩm định theo quy định.
Trước đó, Tỉnh ủy Ninh Thuận có các Văn bản 3471 và 4366 chỉ đạo: “…Hạn chế tối đa những ảnh hưởng, tác động tiêu cực gắn với bảo tồn, phát huy rừng, môi trường, môi trường biển, Vườn Quốc gia Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển của Thế giới”; đảm bảo tuân thủ quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050: “…phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Tỉnh Ninh Thuận đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa tháng 4/2022.
UNESCO từng không đồng ý cho làm đường qua khu dự trữ sinh quyển
Sáng 14/4/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa từ UNESCO. Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra hồi tháng 9/2021 tại Nigeria, hồ sơ đề cử được thông qua và chính thức được tổ chức UNESCO công nhận.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, có tổng diện tích 106.646 ha, bao gồm cả rừng, biển, bán sa mạc - nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Với vùng lõi là vườn quốc gia Núi Chúa, nơi đây sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng.
Cũng vào tháng 4/2022, trước phản ứng của dư luận về việc làm đường đi qua vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO tại Việt Nam về việc xây dựng quốc lộ 13C.
Sau đó, UNESCO tại Việt Nam đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Đồng Nai về việc xây dựng cầu Mã Đà và làm đường đi qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Theo đó, UNESCO cho rằng việc xây dựng tuyến đường trên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực lõi được bảo tồn của Khu dự trữ sinh quyển, do hệ sinh thái bị chia cắt, ảnh hưởng đến các loài động vật quý hiếm, các phương tiện lưu thông trên đường sẽ làm chết động vật hoang dã. Việc làm đường cũng sẽ gây ô nhiễm không khí, nước, đất, dẫn đến suy thoái môi trường, mất sự đa dạng sinh học, dẫn đến việc không đáp ứng được các tiêu chí và chức năng của vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng những tác động này sẽ làm mất môi trường sống, đa dạng sinh học và không đáp ứng được các tiêu chí, chức năng của vùng lõi của sinh quyển.

Link gốc : https://nguoixaydung.com.vn/kien-truc/du-an-xay-100-biet-thu-giua-khu-rung-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-can-nhac-giua-duoc-va-mat-503502.html

Bạn đang đọc bài viết Dự án xây 100 biệt thự giữa khu rừng dự trữ sinh quyển thế giới: Cân nhắc giữa được và mất! tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc