Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Nới room tín dụng: Cú hích và những kỳ vọng vào thị trường bất động sản

nguoiduatin.v 06:36 16/09/2022

Việc ngân hàng điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) đang là dấu hiệu tích cực cho người dân và các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.

Thị trường “ngóng” dòng tiền

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông tin việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Như vậy, sau vài tháng chờ đợi, một số tổ chức tín dụng được tăng room tín dụng. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Trong một báo cáo của SSI Research đã nhận định, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ với Lao Động, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc nới hạn mức tín dụng cho một số tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Theo ông Thịnh thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp khó khăn vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room.

“Thực tế, vừa qua rất nhiều doanh nghiệp than thở về việc thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân. Trong bối cảnh nền kinh tế đang giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, việc nới tín dụng giải tỏa rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp”, vị này nhấn mạnh.

Vực dậy thị trường bất động sản

Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Cty Đất xanh miền Bắc cho biết, việc nới room tín dụng tuy không nhiều nhưng mang lại tín hiệu vui và đánh vào tâm lý của nhà đầu tư.

Theo ông Quyết, dù không được như kỳ vọng nhưng sẽ đánh vào tâm lý của nhà đầu tư F0 về việc thanh khoản sẽ cải thiện.

"Quan trọng hiện nay là nguồn cung dự án rất thấp, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM mấy tháng không có dự án mới. Nếu không có dự án mà nhu cầu đầu tư cao trong khi nguồn tiền trong dân lớn, thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng vực dậy", ông Quyết nói.

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, việc siết chặt tín dụng nhằm giúp nhà nước có cơ hội chọn lựa và ưu tiên những doanh nghiệp, dự án có dòng tiền tốt ở các lĩnh vực khác nhau, tùy vào thời điểm và tình hình kinh tế. Ngoài ra, động thái này sẽ hạn chế việc vay tín dụng xấu, gây khó khăn cho các ngân hàng.

“Thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản”, ông Khương nhận định.

Bất động sản - Nới room tín dụng: Cú hích và những kỳ vọng vào thị trường bất động sản

Vốn tín dụng khai thông, thị trường bất động sản sẽ "ấm" dần lên. Ảnh: Lao động.

Theo ông Khương, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế mạnh nhất thế giới trong giai đoạn sau đại dịch. Yếu tố này đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cơ hội đầu tư tại quốc gia của họ ngày càng hạn chế, các khoản đầu tư cũng không có tính cạnh tranh cao như tại Việt Nam.

“Đây sẽ là cơ hội cho việc phát triển nguồn lực cho dòng FDI ở Việt Nam, bao gồm thị trường bất động sản. Đối với một đất nước với hơn 100 triệu dân như Việt Nam, một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân như Tp.HCM, các khoản đầu tư này là rất quan trọng”, ông Khương nói..

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông đánh giá động thái mới của ngân hàng về room tín dụng là thông tin đáng chú ý với thị trường bất động sản, trong bối cảnh lĩnh vực này đang rất khó khăn về nguồn vốn. Nhiều khách hàng, doanh nghiệp trong trạng thái thấp thỏm chờ giải ngân từ phía ngân hàng như “nắng hạn chờ mưa”.

Thực tế, đối với doanh nghiệp bất động sản dòng vốn rất quan trọng tác động trực tiếp đến sản phẩm và đầu ra. Nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường.

Theo ông Tuấn, nếu chính sách tín dụng không hợp lý còn làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản (cung không thể tăng, cầu không giảm…), dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế...

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cũng cho rằng, thông tin mới room tín dụng rất được thị trường quan tâm. Khi thị trường bất động sản ấm lên, duy trì tích cực thì ngành xây dựng sẽ có việc làm.

“Chủ đầu tư mà không vay được vốn để hoạt động kinh doanh thì cũng không thể trả nợ cho các nhà thầu, kéo theo khó khăn dây chuyền. Với các dự án tốt, chủ đầu tư uy tín thì không có lý do gì kiểm soát chặt”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng cho rằng, “nới” cho các đối tượng mua nhà nhu cầu ở thực là cần thiết, thúc đẩy thị trường. “Vốn ngân hàng cứ để đó thì gây lãng phí rất lớn về nguồn lực xã hội và gây khó khăn cho chính hệ thống ngân hàng”, ông Hải nhấn mạnh việc điều chỉnh tín dụng thận trọng nhưng phải trên cơ sở thực tế thị trường.

Doanh nghiệp giảm bớt sự lệ thuộc vào tín dụng

Mọi phân tích đều cho thấy, các doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào động thái nới room tín dụng. Thậm chí, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là con số buồn chứ không vui, cần nới thêm 1-2% bởi các ngân hàng thương mại đã gần cạn room.

Kể cả có dư địa cho các doanh nghiệp vay vốn, song để các ngân hàng thương mại cắt giảm các thủ tục, hạ lãi suất hay điều kiện cho vay là rất khó. Bởi điều này nó sẽ gây ra rủi ro cho các ngân hàng và toàn nền kinh tế. Chính vì vậy, đây có thể là thời điểm để các doanh nghiệp bất động sản tìm hướng tiếp cận vốn thông qua các kênh trái phiếu quốc tế, hoặc từ chiến lược bán hàng thu để hút tiền từ khách hàng trả trước.

Tuy nhiên để đáp ứng các điều kiện vay trái phiếu quốc tế hoặc thu tiền trả trước của khách hàng thì doanh nghiệp phải được xếp hạng tín nhiệm cao có dự án tích lũy để triển khai. Trên thị trường hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cho quỹ đầu tư ngoại là hướng đi được một số doanh nghiệp có tài sản đảm bảo tốt lựa chọn.

Bất động sản - Nới room tín dụng: Cú hích và những kỳ vọng vào thị trường bất động sản (Hình 2).

Tuy nhiên, nếu chính sách tín dụng không hợp lý còn làm tăng sự mất cân đối cung - cầu bất động sản dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế...

Theo thông tin từ Kinh tế Sài Gòn Online, mới đây, Công ty cổ phần địa ốc Nova (Novaland) đã công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu đô la Mỹ từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Số tiền dự kiến được phân bổ cho việc gia tăng quỹ đất và phát triển các dự án của Novaland ở các vị trí chiến lược, tận dụng cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện ở miền Nam.

Tương tự, Hưng Thịnh Land cũng bước chân vào thị trường vốn quốc tế với thương vụ huy động 103 triệu đô la Mỹ từ Dragon Capital và VinaCapital để bổ sung cho các dự án từ vừa hợp túi tiền cho đến các khu phức hợp nghỉ dưỡng. Hay như Tập đoàn Nam Long cũng huy động được 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) với lãi suất cố định 9,35%/năm trong 7 năm. Mục đích huy động lần này là để đầu tư giai đoạn 2 của dự án Waterpoint (Long An).

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/noi-room-tin-dung-cu-hich-va-nhung-ky-vong-thi-truong-bat-dong-san-a569401.html

Bạn đang đọc bài viết Nới room tín dụng: Cú hích và những kỳ vọng vào thị trường bất động sản tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc