Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

Tình cảnh đối nghịch khi “sốt đất” đi qua

.nguoiduatin. 07:50 27/08/2022

Trong khi thực trạng cắt lỗ bất động sản đã xảy ra nhiều trong thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lại cho đây là cơ hội mua được giá tốt.

Làn sóng cắt lỗ

Theo Thanh Niên, tại Tp.HCM, làn sóng chào bán bất động sản (BĐS) thấp hơn khoảng 20% giá thị trường để thu hồi vốn, trả nợ vay ngân hàng đang âm thầm diễn ra. Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, lý do dẫn tới tình trạng bán lỗ không ai mua là do các chủ đầu tư đang chào bán bất động sản với giá quá cao, có thể đạt đỉnh nên gây ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư thứ cấp trong việc thoát hàng. Ông Khánh dự báo, từ đây đến cuối năm, thị trường thứ cấp sẽ có rất nhiều nhà đầu tư xả hàng do “ngộp” tài chính hoặc muốn phân bổ lại dòng vốn. Vì vậy, họ buộc phải giảm 15 - 20%, thậm chí hơn.

“Trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực kinh doanh BĐS tại Tp.HCM là ngành duy nhất tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là trên thị trường thứ cấp. Do đó, những người có vốn nhàn rỗi, trường vốn thì canh đến tháng 11 - 12 xuống tiền mua tài sản là thời điểm có thể đạt được giá tốt nhất trong năm 2022”, ông Trần Khánh Quang nói.

Không chỉ Tp.HCM, các tỉnh xung quanh cũng ghi nhận tình trạng “trắng” bên mua khi mà lượng chào bán nhiều, nhưng bên mua hiếm hoi.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong quý 2/2022, so với quý đầu năm và cùng kỳ năm ngoái, lượng giao dịch của các phân khúc BĐS trên địa bàn tỉnh đều sụt giảm. Trong đó, nhà ở riêng lẻ có mức giảm mạnh nhất, với mức giảm 36% so với quý trước và giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; giao dịch đất nền sụt giảm khá mạnh gần 30% so với quý trước và giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Điều lạ lùng là dù giao dịch giảm, nhưng giá ở các phân khúc vẫn tăng.

Bất động sản - Tình cảnh đối nghịch khi “sốt đất” đi qua

Thực trạng cắt lỗ bất động sản đã xảy ra nhiều trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa từ internet

Tại thị trường BĐS Lâm Đồng, trong đó nóng sốt nhất là TP.Bảo Lộc và H.Bảo Lâm giao dịch BĐS gần như “đứng hình”. Ông Thành Trung, Giám đốc Công ty Đất Phát, cho biết công ty ông có gần 100 lô đất nền, nhưng từ mấy tháng nay bán không có khách mua dù đã giảm giá khoảng 10% so với lần mở bán trước. Việc sụt giảm “thê thảm” của thị trường xuất phát từ chính sách siết phân lô tách thửa của chính quyền địa phương, cộng với siết tín dụng từ ngân hàng, tâm lý cất giữ tiền mặt... Hiện các công ty, các nhà đầu tư cá nhân gần như bỏ chạy khỏi nơi này để tìm kiếm một thị trường khác “dễ thở” hơn. Do đó, số nền đất còn lại ông không bán nữa mà đang tìm một ngân hàng để cầm cố vay tiền. Theo tính toán, lãi suất ngân hàng khoảng 10%/năm, bằng với việc giảm giá bán. Do đó, ông sẽ vay vốn từ ngân hàng, lấy tiền đó trả lãi và đi đầu tư nơi khác, chờ thị trường hồi phục sẽ bán hàng trở lại.

Cơ hội cho nhà đầu tư có “tiền tươi thóc thật”

Theo Nhịp Sống Kinh Tế, theo Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến xu hướng giảm giá trên thị trường bất động sản thứ cấp là bởi một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm có tính thanh khoản thấp, mang tính chất đầu cơ. Mặt khác, áp lực lạm phát và lãi suất tăng cao đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của nhà đầu tư sử dụng "đòn bẩy" tài chính.

Trước áp lực lớn về lãi vay, một số khách hàng chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bán bất động sản với mức giá thấp hơn kỳ vọng, thậm chí bán cắt lỗ để thu hồi vốn. Tuy nhiên, diễn biến này mang tính chất cục bộ, quy mô chưa đủ để phản ánh trên toàn thị trường.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định: “Khi siết tín dụng, tâm lý nhà đầu tư sẽ chi "tiền tươi thóc thật" nhiều hơn sử dụng các đòn bẩy, do đó sẽ chọn lọc rất kỹ các dự án để lựa chọn đầu tư”.

Theo ông Điệp, đây là cơ hội để các nhà đầu tư sở hữu được các bất động sản với mức giá hợp lý do thị trường có khả năng sẽ điều chỉnh nhịp tăng giá, kèm theo đó là loạt chính sách ưu đãi của chủ đầu tư để kích cầu thị trường bất động sản".

Từ tháng 2 đến tháng 6, mức giảm giá chào bán trên thị trường thứ cấp đạt trung bình trên dưới 10%. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến cuối năm nay, tác động của việc siết tài chính có thể sẽ khiến biên độ điều chỉnh giá chào bán trên thị trường đầu tư mua đi bán lại nới rộng hơn so với thời gian qua.

Ông Nguyễn Thế Điệp cũng cho rằng, bên mua nên mạnh dạn ngã giá, có thể chốt đơn giảm 15 - 20% là mức giảm khả thi. Hai tháng cuối năm là thời điểm xuống tiền thích hợp nhất.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/tinh-canh-doi-nghich-khi-sot-dat-di-qua-a566259.html

Bạn đang đọc bài viết Tình cảnh đối nghịch khi “sốt đất” đi qua tại chuyên mục Thị trường địa ốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Thị trường địa ốc