Vừa nhận thông báo chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ trên đường Đào Trí (Quận 7, TP.HCM) vào tháng sau, chị Quý Niên nghĩ ngay đến việc tìm đơn vị thiết kế và lắp đặt nội thất. Hàng xóm tương lai của chị, anh Phạm Chiến thậm chí còn đặt mua mới tất cả đồ gia dụng, hàng đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ giao nhà.
Có thể thấy, khi nhu cầu và mức sống cao hơn, nhiều gia đình không chỉ sống với bốn bức tường trắng đơn điệu, đồ đạc trong nhà cũng trở nên đa dạng hơn. Họ mong muốn tạo nên một không gian thể hiện tiếng nói, phong cách, lối sống của gia chủ.
Một ngôi nhà - ngàn nhu cầu
Nhìn từ câu chuyện cụ thể của những cư dân như chị Niên, anh Chiến và rộng ra là cả ngàn nhu cầu khởi phát khi một bất động sản (BĐS) hoàn thành, dễ dàng nhận thấy có cả một hệ sinh thái các ngành nghề liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau xoay quanh BĐS. Không có những công trình thì ngành nội thất, thiết kế, thiết bị gia dụng… cũng mất nhiều cơ hội phát triển. Thậm chí, một số lĩnh vực có vẻ không liên quan nhiều như nghệ thuật trang trí, vay tiêu dùng… cũng chịu tác động bởi “sức khỏe” của BĐS. Để tạo nên một không gian sống hoàn thiện cả về ngoại và nội thất, thì ngôi nhà, căn biệt thự, căn hộ ấy… cần hàng trăm sản phẩm đi cùng.
Rất nhiều nội thất, thiết bị, đồ gia dụng cần có trong một ngôi nhà mới hình thành. Ảnh: Freepik |
Dọc con đường Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM) vốn nhộn nhịp quanh năm, giờ đây các tiểu thương đồ nội thất chỉ trông bán hàng theo vụ. Còn tại đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) trước nay thường rất đông khách mua bóng đèn, dây điện, đồ trang trí Noel mà giờ cũng lác đác, vắng hoe.
Thời điểm này, theo ghi nhận của người viết thì nhiều siêu thị điện máy lớn ở TP.HCM như Điện máy Xanh, Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Thiên Nam Hòa… lượng mua sắm cuối năm không nhiều đột biến. “Các chủ đầu tư BĐS hay có chương trình “nhận nhà đón Tết”, năm nay BĐS khó khăn, dự án bị chậm tiến độ, nhà mới không có để giao, nên cũng làm hạn chế nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân”, anh Tuấn, quản lý tại một siêu thị điện máy lớn trên đường Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức) chia sẻ.
Dễ dàng nhận thấy, một ngôi nhà hoàn thiện, khi đưa vào sử dụng sẽ kéo theo nhu cầu về một không gian sống đầy đủ tiện nghi. Khi đó những vật dụng cần thiết như: đồ nội thất (tủ, giường, bàn ghế…); đồ điện gia dụng (tivi, tủ lạnh, máy giặt…); camera, thiết bị an ninh; bồn chứa nước, máy nước nóng năng lượng mặt trời; bếp, vật dụng bếp (ấm chén, nồi niêu, xoong chảo…); đồ trang trí (hoa, tranh ảnh, giấy dán tường, rèm cửa…) cũng như rất nhiều thứ khác cần hiện diện để đảm bảo cuộc sống cơ bản cho người dân. Chính vì thế trong bối cảnh hiện tại, khi thị trường BĐS đang gặp không ít khó khăn, thì nhiều ngành sản xuất, dịch vụ liên quan cũng đối mặt nhiều sự sụt giảm.
Vòng tròn tác động kinh tế của bất động sản
Việt Nam bắt đầu đổi mới từ năm 1986 thì thị trường BĐS cũng bắt đầu “manh nha”. Năm 1993, sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai đầu tiên và Pháp lệnh Nhà ở, tạo khuôn khổ pháp lý cho thị trường về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, thị trường BĐS chính thức hình thành.
Với lịch sử khoảng 30 năm, ngành BĐS tại nước ta đã trải qua nhiều biến đổi và trở thành yếu tố liên quan mật thiết với nền kinh tế sản xuất, dịch vụ, thương mại…, tác động đến hơn 40 ngành nghề khác nhau.
Đầu năm 2021, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã công bố kết quả nghiên cứu khoa học về “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam – vai trò và khuyến nghị chính sách”, được thực hiện bởi các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, BĐS, tài chính – ngân hàng, quy hoạch và pháp lý. Nghiên cứu chỉ ra, BĐS đóng góp 7,62% GDP quốc gia, có vai trò “đầu kéo” đến nhiều ngành như: xây dựng, du lịch, lưu trú – ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính – ngân hàng… Cụ thể, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành BĐS tăng 1 tỷ đồng thì giá trị sản xuất của các ngành còn lại sẽ tăng 0,772 tỷ đồng.
Bất động sản tác động trực tiếp đến quá trình đô thị hóa và gián tiếp đến ngành sản xuất, thương mại, tiêu dùng. Ảnh: Freepik |
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNREA phân tích thêm, 10 năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam xây mới 60 triệu m2 nhà ở, cung cấp chỗ ở, đặc biệt cho khu vực đô thị. Theo tính toán, mỗi năm thị trường BĐS đóng góp 0,4 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế, tương đương 10% thu nhập quốc dân và 3% tăng trưởng GDP.
Đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước (11 tháng năm 2022 đã chiếm tới 17,2% tổng thu nội địa, tăng trên 30% so với cùng kỳ), bất động sản đóng vai trò thiết yếu trong nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho người dân. Ngành học về BĐS cũng đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở một số trường đại học trên thế giới và Việt Nam để bổ sung nguồn lực chất lượng cho toàn ngành.
Trước những nỗi lo khi BĐS ngưng trệ, Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp, ngân hàng đều đang chung tay vực dậy thị trường. Ngày 14/12, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải có giải pháp và đẩy nhanh xử lý vướng mắc; doanh nghiệp phải cơ cấu lại dòng tiền, sản phẩm… Tổ công tác của Thủ tướng thành lập hồi giữa tháng 11 đã làm việc, trao đổi trực tiếp với các địa phương và doanh nghiệp, tìm cách hướng dẫn về thực thi, thể chế, phân loại khó khăn vướng mắc của BĐS.
Song song đó, hàng loạt giải pháp khác như nới room tín dụng từ 1,5 – 2%, thúc đẩy tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý dự án, đẩy mạnh sửa đổi Nghị định 65 để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp… đã nhanh chóng được triển khai. Đây không đơn giản là câu chuyện giải cứu BĐS mà đó là việc khơi thông thanh khoản cho một ngành có ảnh hưởng quan trọng đến sự tăng trưởng của cả nền kinh tế trong giai đoạn này.
Theo Phương Trang (Nhịp cầu đầu tư)