Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Đua nhau 'săn' đất vùng ven, NĐT cần xác định rõ mục đích đầu tư

DTVN 15:21 01/10/2020

Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, khi đầu tư vào nhà vườn NĐT cần lưu tâm tương lai khu vực đó có phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng hay không?

Bỏ phố về vườn

Theo các chuyên gia, khi đầu tư, NĐT nên xác định rõ mục đích của mình làm gì, chủ yếu để gia đình nghỉ dưỡng hay cho thuê, mục tiêu lợi suất là bao nhiêu, từ đó đưa ra quyết định "rót tiền" vào loại hình BĐS phù hợp.

Hiện nay có rất nhiều người có nhu cầu chọn mua đất nhà vườn để làm nhà ở thay vì mua đất thổ cư, đất nền, nhà chung cư….Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến thị trường đất nông nghiệp trở nên "sốt" trong những năm gần đây. Tuy vậy, mua nhà vườn hay đất vườn ở đâu, mua như thế nào để trở thành tài sản có giá trị cũng cần có những hiểu biết nhất định.

Gần đây, việc "bỏ phố về vườn" hay xây dựng các homestay/farmstay đang nổi lên như một xu hướng và được cho là thuận theo tự nhiên, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân hiện nay. Các khu vực như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt….thậm chí là các tỉnh ven biển như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng xuất hiện làn sóng săn đất vườn giá rẻ để đầu tư. Trong đó, có hiện tượng NĐT đổ xô theo phong trào cùng lúc đi mua nhà vườn để dành với số tiền vài trăm triệu đồng. Bên cạnh các NĐT thành công thì cũng không ít NĐT gặp rủi ro với đất vườn giá rẻ.

Hiện nay, xu hướng mua đất vườn đang nở rộ ở một số khu vực có điều kiện tự nhiên, thắng cảnh đẹp như Đà Lạt, Lâm Đồng. Tuy vậy, cũng không ít trường hợp mua phải đất vườn cách xa khu dân cư, tiện ích dường như không có, khiến rủi ro về biên lợi nhuận hoặc tỉ suất cho thuê. Thay vì bỏ thêm tiền đầu tư vào các dự án có tiện ích, được các CĐT/NĐT đầu tư chỉn chu cảnh quan, có mảng xanh được chăm sóc thì nhiều người ham rẻ đã bỏ tiền vào các mảnh đất vườn lẻ, thiếu pháp lý.

Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS, khi đầu tư vào nhà vườn NĐT cần lưu tâm tương lai khu vực đó có phát triển thành khu dân cư hoặc khu nghỉ dưỡng hay không? Nếu mua một lô đất trong rừng mà 10 năm tới nó vẫn là rừng hoặc thuộc diện bị nhà nước thu hồi thì tiền đầu tư của chúng ta sẽ trở nên vô ích.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay xu hướng "bỏ phố về vườn", cụ thể là về Đà Lạt, Lâm Đồng, ở các vùng đất cao nguyên ngày càng thể hiện rõ nét. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, đất Đà Lạt khó mua nếu không có một môi giới thổ địa quen biết nhiều cơ quan quản lý địa phương vì phần lớn đất do dân khai thác và chưa làm sổ, đất nông nghiệp không có thổ cư, đất dính đất rừng hoặc quy hoạch khác.

Một đặc điểm nổi bật là đất Đà Lạt chủ yếu là đất nông nghiệp, chưa có sổ. Nếu mua đất nông nghiệp có sổ thì giá cao và đất có chút thổ cư nữa lại càng đắt hơn. Giá đất tùy thuộc vào vị trí, tình trạng pháp lý và hướng đất.

Cụ thể, giá đất nông nghiệp không thổ cư khu vực Đà Lạt dao động từ 400 triệu tới 10 tỷ đồng/1000m2. Nếu đất có thổ cư thì giá trên 10 triệu đồng/m2, tùy vị trí và hướng đất.

Giá đất ở huyện Đức Trọng dao động 500 - 700 triệu đồng/1000m2. Đất xung quanh khu du lịch Lộc An ở huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh từ 300 - 450 triệu đồng/1000m2.

Ngược lại, khu vực Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá đất nơi đây còn mềm, hiện một số dự án BĐS nhà vườn/căn nhà thứ hai ở đây được đầu tư chỉn chu về tiện ích, đang thu hút sự quan tâm của NĐT. Tuy vậy, cũng không ít người mua đất Bảo Lộc ở khu vực quá xa xôi, hẻo lánh, giao thông đi lại kém, đất lẻ không có sổ cũng ôm hận vì không có tương lai.

Từ nay đến cuối năm phân khúc BĐS nào là điểm sáng

Nhận định về thị trường BĐS năm 2020, ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng, BĐS năm 2020 có nhiều kì vọng nhưng cũng là năm đặt ra câu hỏi sau chu kì tăng giá mạnh thì đây có phải thời điểm BĐS đi ngang.

"Tôi nghĩ, BĐS sau chu kì tăng giá mạnh từ 2016-2018 giờ phải có thời gian để thẩm thấu. Vì thế, năm 2020 không thích hợp cho đầu tư lướt sóng", ông Hiển nhấn mạnh.

Tuy vậy, năm 2020 lại là năm cơ hội rất tốt cho những NĐT có dòng tài chính tốt. Từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều BĐS buộc phải giảm giá để bán ra do không đạt yếu tố kinh doanh hoặc vay ngân hàng, vì thế những NĐT có vốn và chiến lược tốt thì đây là năm để thu mua, đầu tư trung dài hạn, mua được vị trí đất tốt để "gối đầu" cho các năm sau.

Nói về sự thay đổi của thị trường BĐS, vị chuyên gia này cho rằng, tác động của Covid-19 làm thay đổi cấu trúc nền kinh tế, từ đó thay đổi quan điểm về BĐS. Chẳng hạn, trước đây, nhà phố luôn lọt top yên tâm về giá trị bền vững trong đầu tư vì sự hạn chế, và giá trị cho thuê cao. Thì sau Covid-19 người ta đã suy nghĩ lại vấn đề cho thuê kinh doanh theo một hướng khác chứ không như trước nữa.

Chia sẻ về phân khúc tiềm năng để đầu tư trong thời gian tới, ông Hiển cho rằng, có 2 phân khúc NĐT vẫn có thể tham gia đầu tư tốt trong bối cảnh thị trường hiện nay là căn hộ và đất nền. Những căn hộ đầu tư thụ động, đầu tư lâu dài để cho thuê vẫn khá tốt. Thời điểm này, người mua có thể chọn được căn hộ vị trí tốt, không lên giá nhiều, thậm chí giảm giá.

Còn đất nền, có thể chọn những vị trí đất nền có hiệu ứng về đầu tư hạ tầng tốt thì khả năng tăng giá vẫn khá tốt.

Chia sẻ về phân khúc BĐS công nghiệp, ông Hiển cho rằng, BĐS công nghiệp nhu cầu còn rất lớn nhưng để đầu tư phân khúc này không phải dễ. Bởi với các KCN thì diện tích thường trên 1ha, cụm KCN có thể phải chục ha trở lên, để tìm các diện tích này ở khu lân cận Tp.HCM không còn dễ dàng. Để tìm được đất phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE Việt Nam cũng chia sẻ, theo tình hình thị trường hiện tại nguồn cung suy giảm nhiều, dịch Covid -19 kéo dài đã ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường. Từ đầu đầu năm tới nay, lượng dự án căn hộ Tp.HCM ra thị trường rất ít. Trong khi đó, căn hộ tầm trung vẫn chiếm tỉ lệ cao trong các giỏ hàng ra thị trường.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/dua-nhau-san-dat-vung-ven-ndt-can-xac-dinh-ro-muc-dich-dau-tu-d83197.html

Bạn đang đọc bài viết Đua nhau 'săn' đất vùng ven, NĐT cần xác định rõ mục đích đầu tư tại chuyên mục Bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Bất động sản