Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Sai phạm ở dự án I – Tower Quy Nhơn: Tiền lệ xấu cần phải xử lý nghiêm!

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 12:00 08/04/2021

Dự án I – Tower Quy Nhơn chính thức được cấp giấy phép xây dựng sau nhiều lùm xùm. Đây là một tiền lệ xấu mà cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận để xử lý nghiêm tránh tái diễn

Phạm luật trước rồi xin giấy phép sau: Tiền lệ xấu

Sở xây dựng tỉnh Bình Định đã có quyết định cấp phép cho dự án D ự án I – Tower Quy Nhơn do Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản Đô Thành (Công ty Đô Thành) làm chủ đầu tư.

--

Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Thanh Tuyên – Tổng Giám đốc Công ty Đô Thành cho biết: “Chúng tôi cam kết thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Dưới sự nỗ lực của chủ đầu tư, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Bộ Xây dựng… hiện tại dự án đã được hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý”.

Tuy nhiên điều này đã tạo ra tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác khi mà chủ đầu tư đã ồ ạt xây dựng trước dự án khi chưa có giấy phép. Điều này gây ra nhiều hệ lụy sau này cho các cơ quan chức năng cũng như tạo tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp gây bức xúc cho dư luận.

Bởi trước đó, khoảng 1 tháng trước, cũng lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định xác nhận, Thanh tra sở này đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 triệu đồng đối với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển bất động sản Đô Thành (gọi tắt là Công ty Đô Thành) về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình Trung tâm thương mại – Dịch vụ Căn hộ I-Tower Quy Nhơn (I-Tower Quy Nhơn) khi chưa có có giấy phép xây dựng.

Công trình xây dựng không phép của dự án I-Tower Quy Nhơn nằm trên khu “đất vàng” ngay giữa lòng TP Quy Nhơn với diện tích trên 10.000m² thuộc thửa đất số 229, tờ bản đồ số 28, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn.

Qua kiểm tra hiện trường, ngành chức năng phát hiện Công ty Đô Thành (người đứng tên đại diện là ông Lê Công Thật làm giám đốc công ty) đã thi công xây dựng xong 503 cọc khoan nhồi gồm D800 và D1600 với chiều sâu mỗi cọc từ 68m đến 69m; tường vây quanh công trình bằng bê tông cốt thép…

Ngoài ra, Sở Xây dựng Bình Định buộc doanh nghiệp tạm dừng thi công trong thời hạn 60 ngày, ông Lê Công Thật phải hoàn tất thủ tục pháp lý đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Định, đối với dự án I-Tower Quy Nhơn, hiện Bộ Xây dựng vẫn đang trong quá trình thẩm định dự án đầu tư. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản chưa phê duyệt dự án, nhưng Bộ này có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp lại giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Đô Thành theo Luật Đầu tư mới. Hiện dự án vướng ở chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư mới nên Bộ Xây dựng vẫn chưa thể xuất kết quả thẩm định được.

Căn cứ theo Luật Xây dựng mới, Bộ Xây dựng sẽ xuất kết quả thẩm định cho dự án I-Tower Quy Nhơn theo 2 hướng: Nếu doanh nghiệp trình được tất cả các hồ sơ liên quan như: giấy chứng nhận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Bộ sẽ tích hợp trong văn bản thẩm định để miễn giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp.

Trong trường hợp, nếu doanh nghiệp chưa cung cấp được những hồ sơ trên, Bộ Xây dựng sẽ ra kết quả thẩm định phần thiết kế cho dự án. Hiện dự án I-Tower Quy Nhơn hiện mới chỉ có thiết kế cơ sở, đang thiết kế bản vẽ thi công.

Chủ đầu tư là ai mà coi thường pháp luật?

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển bất động sản Đô Thành (Bất động sản Đô Thành) được thành lập vào ngày 10/8/2015, trụ sở chính ở số 2 Trường Chinh, phường Lý Thường Kiệt, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, được sáng lập bởi 3 cổ đông là ông Lê Công Thật, sinh năm 1991 (sở hữu 20% vốn), bà Lê Thị Tuyết, sinh năm 1976 (sở hữu 50% vốn) và ông Lê Công Tuấn Anh, sinh năm 1990, sở hữu 30% vốn còn lại.

Không chỉ cùng họ, 3 cổ đông sáng lập nêu trên đều đăng ký địa chỉ thường trú ở xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Hiện nay, bà Tuyết giữ ghế chủ tịch HĐQT, còn ông Thật là tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Bất động sản Đô Thành.

Kết quả kinh doanh những năm vừa qua cho thấy, doanh nghiệp này không phát sinh bất kỳ doanh thu nào và chỉ báo lỗ vài trăm triệu đồng mỗi năm, cá biệt năm 2017 lỗ cao nhất là 1,3 tỷ đồng do các chi phí vận hành. Như vậy, pháp nhân này của bà Tuyết chỉ tập trung đầu tư và phát triển dự án I-Tower Quy Nhơn và không có hoạt động kinh doanh nào khác.

Cuối năm 2019, tổng tài sản của Bất động sản Đô Thành đạt hơn 260 tỷ đồng. Đối ứng bên nguồn vốn, nợ phải trả chỉ chiếm 14,5 tỷ đồng, còn lại là vốn chủ sở hữu 247 tỷ đồng. Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 11/2020, doanh nghiệp dự án I-Tower Quy Nhơn đã nâng vốn điều lệ lên mức 850 tỷ đồng.

Một điểm đáng lưu tâm nữa là trước khi về tay Bất động sản Đô Thành, đầu năm 2015, dự án I-Tower Quy Nhơn đã được UBND tỉnh Bình Định giao cho Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Quốc tế (Nông sản Quốc tế) làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Lê Công Tuấn Anh, một trong những cổ đông sáng lập của Bất động sản Đô Thành và sở hữu 30% vốn.

Nông sản Quốc tế được thành lập vào tháng 7/2010, trụ sở chính đặt tại ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vải, hàng may sẵn, giày dép.

Tính đến tháng 5/2018, Nông sản Quốc tế có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, trong đó ông Tuấn Anh nắm giữ 96% vốn, 4% vốn còn lại thuộc sở hữu của bà Huỳnh Thị Liên.

Hiện nay chủ tịch HĐQT và cũng là cổ đông lớn nhất chiếm 50% vốn - bà Lê Thị Tuyết cũng đang sở một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Tân Thu Tuyết, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Lê Thu Tuyết, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu VAB, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông sản Quốc tế...

Hầu hết các doanh nghiệp này đều đang "đóng băng" hoặc đang làm thủ tục giải thể, duy nhất chỉ có Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Nông sản Quốc tế còn hoạt động.

Pháp nhân có tên gợi mở về doanh nghiệp của ông Tuấn Anh nêu trên có vốn điều lệ 50 tỷ đồng (cuối năm 2019), được thành lập ngày 9/10/2013 và đặt trụ sở chính tại số 8 Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM.

Những năm gần đây doanh nghiệp này đã ngưng hoạt động kinh doanh, còn giai đoạn trước đó thì liên tục gánh lỗ. Cụ thể, năm 2016 doanh nghiệp ghi nhận doanh số 1,2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 48 triệu đồng; năm 2017 doanh thu giảm mạnh còn 189 triệu đồng, lỗ sau thuế 56,6 triệu đồng.

Từ năm 2018, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, song vẫn lỗ đều đặn do các chi phí vận hành.

Cần xử nghiêm

Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành thực thi nhiều giải pháp nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng.

Cụ thể, ngày 27/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, trong đó quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng như: Thi công sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng không đúng với thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt…

Ngày 01/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tăng cường chấn chỉnh trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Thủ tướng yêu cầu “Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng. Xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương”.

Bên cạnh đó, Bộ này cũng cho biết thời gian tới sẽ triển khai Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu Nghị định để thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh tra, kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

"Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm" - Bộ Xây dựng khẳng định.

Chúng tôi tiếp tục thông tin tới dự án I – Tower Quy Nhơn này về tình trạng pháp lý cũng như nguồn gốc đất.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sai-pham-o-du-an-i-tower-quy-nhon-tien-le-xau-can-phai-xu-ly-nghiem-d93547.html

Bạn đang đọc bài viết Sai phạm ở dự án I – Tower Quy Nhơn: Tiền lệ xấu cần phải xử lý nghiêm! tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị