Như đã thông tin trước đó, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (gọi là Công ty Thiên Phúc) ban hành văn bản thông báo đến người dân yêu cầu tháo dỡ công trình; tự ý tổ chức cưỡng chế công trình của người dân trong hai ngày 24-25/7/2019 gây thiệt hại cho người dân ước tính gần 100 triệu đồng.
Trả lời báo chí, ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) khẳng định phía Công ty Thiên Phúc không có thẩm quyền ban hành văn bản thông báo nội dung yêu cầu người dân tháo dỡ công trình. Việc ra văn bản thông báo, tổ chức phương tiện, nhân công đến công trình của hộ dân để tháo dỡ khi không có quyết định cưỡng chế; không được giao nhiệm vụ là trái luật.
Quyền lợi của nhân dân bị xâm phạm nghiêm trọng nhưng đến nay, trách nhiệm của cá nhân, đơn vị làm trái thẩm quyền vẫn chưa được xem xét thấu đáo. Vì vậy, người dân bày tỏ ý nghi ngờ có hay không sự bao che, “tiếp tay” cho sai phạm của doanh nghiệp?
“Câu trước…”
Trước đó, PV đã có buổi làm việc, trao đổi với ông Nghiêm Sơn Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau về nội dung công dân có đơn phản ánh doanh nghiệp “vượt quyền” tổ chức cưỡng chế, có dấu hiệu hủy hoại tài sản công dân.
Suốt quá trình trao đổi, lãnh đạo thị trấn Trại Cau đã nhiều lần thay đổi nội dung câu trả lời, khi thì khẳng định nội dung văn bản thông báo là trái luật; hành vi tổ chức cưỡng chế, hủy hoại công trình của người dân là trái thẩm quyền. Khi lại phủ nhận cho rằng nội dung trong thông báo; tự ý tổ chức cưỡng chế công trình của người dân là không sai?
Đối với văn bản thông báo nội dung yêu cầu người dân tháo dỡ công trình, lãnh đạo thị trấn Trại Cau khẳng định đây là việc làm trái thẩm quyền, bên cạnh đó ông Hà cũng nhận định Công ty Thiên Phúc thiếu hiểu biết về luật pháp khi đưa nội dung giống như văn bản cưỡng chế vào thông báo để gửi chủ công trình; chính quyền địa phương.
“Công ty Thiên Phúc không có thẩm quyền. Phía công ty không hiểu gì về pháp luật, ký văn bản nội dung trong thông báo là không đúng, nội dung đó phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Chủ tịch thị trấn Trại Cau khẳng định.
Đối với hành vi tổ chức đưa phương tiện, nhân công đến hủy hoại công trình của người dân, ông Hà cũng nhận định là chưa đúng với quy định của pháp luật bởi doanh nghiệp không có thẩm quyền cưỡng chế, đây là nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Mặt khác, khi đó cũng chưa có văn bản quyết định cưỡng chế nào do cấp có thẩm quyền ban hành.
Về “danh tính” thửa đất, ông Hà cũng xác nhận, thửa đất do bà Hoàng Thị L. là chủ sở hữu, hiện chưa chuyển nhượng cho bất kì cá nhân, hộ dân nào. Việc ông Đỗ Khắc Th., Giám đốc Công ty Thiên Phúc khẳng định tại buổi cưỡng chế do người dân ghi lại cho rằng thửa đất có công trình xây dựng trái phép là của cá nhân ông Th. là không chính xác.
“… Đá câu sau”
Sau đó, cùng một nội dung “chất vấn” nhưng nội dung câu trả lời lại bị thay đổi 180 độ khi lãnh đạo thị trấn Trại Cau một mực phủ nhận cho rằng việc doanh nghiệp ra nội dung thông báo… “chả sao cả” cùng với đó là những lập luận thiếu thuyết phục.
“Văn bản thông báo ban hành là để biết, không mang tính quyết định. Thẩm quyền ra thông báo, xử lý thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan trọng thông báo này gửi đến cho cá nhân, nếu thấy văn bản do Công ty Thiên Phúc gửi đến trái quy định thì người dân có quyền kiện. Nó chả sao cả. Việc thông báo giữa một doanh nghiệp và một cá nhân thì cái nơi nhận là “báo cáo” để ủy ban biết”.
Nhận định hành vi tự ý tổ chức hủy hoại công trình hộ dân, ông Hà lập luận cho rằng khi nhận được thông báo, người dân đọc nhưng không trả lời, phản hồi thì tức là đồng ý, đồng tình để doanh nghiệp tháo dỡ công trình.
“Khi ra thông báo gửi đến người dân, người dân không phản hồi tức là đồng ý”, vị chủ tịch thị trấn nhấn mạnh.
Không đồng tình với ý kiến trên, hộ dân có công trình bị cưỡng chế đặt câu hỏi: “Văn bản thông báo của doanh nghiệp có ghi nơi gửi và nơi nhận, ở đây có gửi cho UBND thị trấn Trại Cau. Nội dung văn bản lãnh đạo địa phương đã nhận định là trái thẩm quyền nhưng vẫn im lặng và không có biện pháp ngăn chặn. Vậy theo cách diễn đạt của lãnh đạo thị trấn thì phải chăng chính quyền địa phương đồng ý để cho Công ty Thiên Phúc hủy hoại tài sản công dân?”
Điều dư luận thấy khó hiểu trong cách thông tin của lãnh đạo chính quyền địa phương khi liên tục thay đổi nội dung trả lời. Không những vậy, những lập luận, căn cứ lãnh đạo chính quyền địa phương đưa ra ở câu trả lời sau thiếu căn cứ, thuyết phục.
Việc xem xét, giải quyết phản ánh của công dân đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”, không có bất kì động thái xem xét nội dung công dân phản ánh cũng như có biện pháp xử lý (nếu có) đối với Công ty Thiên Phúc trong vụ việc bị “tố” cưỡng chế thay chính quyền, có dấu hiệu hủy hoại tài sản công dân.
Kính đề nghị huyện Đồng Hỷ, thị trấn Trại Cau xem xét để sớm có câu trả lời với công dân có phản ánh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.
Theo Sở hữu trí tuệ