Ngộ nhận về chuyển đổi số
Trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ như một nhu cầu tự nhiên nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Chuyển đổi số được ví như “cây đũa thần” giúp doanh nghiệp đi trên một con đường cao tốc nhanh nhất khi buộc phải tái cấu trúc và chuyển đổi chiến lược sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp từng bước chuyển đổi số thành công và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Tuy nhiên, nhìn nhận về thực tế quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia kinh tế, chiến lược cách mạng 4.0 cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đã ít nhiều có những những động thái trong chuyển đổi số song quá trình này theo đánh giá là chưa thực chất.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, cơ quan mới số hóa được một phần nhỏ nhưng đã ngộ nhận đã chuyển đổi số thành công. Các doanh nghiệp Việt thường đợi áp lực từ trên mới bắt đầu chuyển đổi số, rất ít khi chủ động tìm hiểu để chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình.
“Có không ít người nhầm lẫn 2 khái niệm chuyển đổi số và số hóa. Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Ví dụ như việc thay vì quản lý hồ sơ nhân viên bằng file cứng thì nay bộ phận nhân sự các doanh nghiệp đã có thể nhập liệu lên file excel và quản lý trên đó bằng các phần mềm. Còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu đã được số hóa, con người phải sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, big data... để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra nhiều giá trị khác nên đây là mức độ cao cấp hơn số hóa”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cần những giải pháp thực chất
Có thể nói, chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang triển khai đang đẩy mạnh triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Theo đó, trong năm 2022, chương trình sẽ tập trung vào 3 gói chính. Gói thứ nhất là hỗ trợ bắt đầu chuyển đổi số cho có quy mô nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu chuyển đổi số, ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 đến 50 triệu đồng/năm;
Gói thứ 2 là tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa; Gói thứ 3 là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Doanh nghiệp sẽ tìm đến các cơ quan hỗ trợ, trong đó có Cục Phát triển doanh nghiệp để tiếp tục là đề xuất chương trình chuyển đổi số, cũng như là các nhu cầu hỗ trợ của mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam ((VCCI) để triển khai các nội dung hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới. Với những nỗ lực của toàn bộ hệ thống từ Chính phủ cho đến các cơ quan các doanh nghiệp ta sẽ sớm khôi phục được để có thể là duy trì tồn tại và bứt phá phát triển trong thời gian tới".