Theo phản ánh của nhiều hộ dân dùng điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng (tự hoà bằng công tơ một chiều), sau thời điểm ngày 31/12/2020 (thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam tạm ngừng mua điện mặt trời mái nhà) hiện điện mặt trời của họ không những không bán được mà khi dư thừa do vượt công suất, điện mặt trời sẽ nhảy ngược trở lại hệ thống điện lưới và họ phải trả tiền cho số điện dư thừa này.
Trao đổi với Báo Lao Động về vấn đề này, ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng cho biết: Tình trạng này xảy ra đối với những khách hàng không thông báo với điện lực nhưng tự lắp điện năng lượng mặt trời, đấu nối hoà vào lưới điện lực bằng công tơ một chiều.
Điều này dẫn đến, khi công suất điện mặt trời sinh ra lớn hơn công suất tiêu thụ của khách hàng thì sẽ có lượng điện phát ngược lên lưới điện lực, có khả năng gây quá tải lưới điện trong khu vực và mất an toàn vận hành lưới điện.
Đồng thời làm cho công tơ điện ghi nhận sản lượng điện phát ngược theo chiều xuôi, do công tơ đo đếm điện hiện hữu của khách hàng là loại công tơ một chiều xuôi.
|
Khi tự ý đấu nối điện mặt trời mái nhà vào lưới, với tính năng chống trộm, công tơ 1 chiều vẫn tiếp tục quay thuận chiều và cộng dồn vào số điện đã tiêu thụ. |
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng: Từ trước ngày 31/12/2020, tất cả các hộ dân lắp điện mặt trời mái nhà đều được EVN địa phương lắp đặt công tơ 2 chiều, ghi nhận sản lượng điện phát ngược lên lưới và thanh toán tiền mua điện với giá ưu đãi FIT2, mức hơn 1.900 đồng/kWh.
Tuy nhiên, sau ngày 31/12/2020 EVN đã dừng tiếp nhận các yêu cầu đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà do hết thời hạn hưởng giá mua điện ưu đãi FIT2 trong 20 năm cho đến khi có cơ chế giá mới.
Tức, hiện nay, người dân làm điện mặt trời mái nhà chưa được ngành điện ghi nhận sản lượng và trả tiền phát lên lưới.
Hơn nữa, nếu có lắp công tơ 1 chiều để người dân tự dùng thì ngành điện cũng có những bước kỹ thuật để không ghi nhận phần điện năng phát ngược lên lưới.
Do đó, việc “người dân phải trả tiền khi điện mặt trời mái nhà dư thừa nhảy ngược lại hệ thống điện lưới” là vô lý.
Hệ lụy của việc tự ý đấu nối lên lưới điện
Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia Lã Hồng Kỳ, thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực chia sẻ: Vào thời điểm đầu năm 2021, do điện mặt trời mái nhà vẫn đang phát triển nóng, có thể vì lợi nhuận bán thiết bị nên các nhà cung cấp đã không tư vấn sâu sát cho người dân trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Từ đó, dẫn đến chuyện bên cung cấp thiết bị cùng người dân tự ý lắp đặt và đấu nối vào hệ thống điện quốc gia mà không làm việc với các cơ quan chức năng quản lý điện lực để được hỗ trợ và đấu nối theo quy định.
Trong trường hợp này, khi lắp công tơ một chiều (mua điện) loại cũ, với chức năng chống trộm điện, nếu không có can thiệp kỹ thuật từ cơ quan chức năng thì khi điện mặt trời dư thừa phát ngược lên lưới, công tơ vẫn tiếp tục quay thuận chiều và cộng dồn vào số điện đã tiêu thụ.
“Vì vậy, nếu người dân tự ý đấu nối hệ thống điện mặt trời vào lưới điện quốc gia thì việc phải trả thêm tiền điện là điều đương nhiên”, vị chuyên gia bày tỏ.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Trung Hướng, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật năng lượng môi trường Bảo Gia Khang cho rằng: Các đơn vị lắp đặt điện năng lượng mặt trời nên tư vấn cho khách lắp đặt một thiết bị chặn lại không cho lên lưới khi điện năng lượng mặt trời sản xuất ra lớn hơn nhu cầu tiêu thụ của tải hiện hữu.
Giải pháp nữa dành cho những hộ dân có điều kiện là lắp một hệ lưu trữ, khi điện năng lượng mặt trời sản xuất ra nhưng chúng ta không dùng thì sẽ tự động nạp vào hệ lưu trữ kiểu như bình ắc quy. Tuy nhiên giải pháp này có nhược điểm là chi phí cao, tính hiệu quả không nhiều.
Về phía Điện lực, theo ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng: "Việc này còn liên quan đến tình trạng mạng tải lưới điện khu vực, các điều kiện về an toàn vận hành, nên tùy từng trường hợp cụ thể, Điện lực mới có thể tư vấn, hỗ trợ...".
Về những hộ dân muốn lắp điện mặt trời mái nhà để sử dụng vào thời điểm này, ông Trần Nguyễn Bảo An hướng dẫn: "Trước mắt, theo hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khách hàng có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự phục vụ nhu cầu của mình thì phải thông báo với Công ty Điện lực địa phương để được tư vấn lắp đặt công suất phù hợp, tránh gây quá tải lưới điện khu vực...".
Ngày 4/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số: 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020, giá mua điện mặt trời đã được giảm xuống. Theo đó, giá mua điện mặt trời nổi là 7,69 UScents/kWh (tương ứng 1.783 đồng), điện mặt trời mặt đất là 7,09 UScents/kWh (1.644 đồng) và điện mặt trời áp mái là 8,38 UScents/kWh (1.943 đồng). Với mức giá mua đã được điều chỉnh giảm từ 6,9-21,3% so với trước đây, nhà đầu tư vẫn tiếp tục có lãi. Tính đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời trên cả nước đạt khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có khoảng 8.000 MW là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MW điện mặt trời trang trại lớn. |
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường