Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 19/04/2024

Hà Nội sắp có chợ đầu tiên lắp điện mặt trời mái nhà

DTVN 09:15 26/02/2021

UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân.

Ảnh minh họa

Thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời trên mái chợ Đồng Xuân. Tổng số tấm pin lắp đặt trên mái khu chợ Đồng Xuân là 600 tấm, chiếm 18% tổng diện tích mái của chợ Đồng Xuân, công suất mỗi tấm 330Wp; tổng công suất lắp đặt của hệ thống là 198kWp.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, dự án này do Công ty TNHH phi lợi nhuận Engagement Global gGmbH/Trung tâm dịch vụ các địa phương trong một thế giới (SKEW) của Đức tài trợ với các nội dung chủ yếu như: Nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ, nhân viên của quận Hoàn Kiếm - đơn vị vận hành dự án sử dụng năng lượng tái tạo, vận hành, quản lý sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời; bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch.

Bên cạnh đó, dự án góp phần thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất điện năng tại Việt Nam; tăng cường an toàn cung cấp điện cho dân cư do thiết bị điện năng lượng mặt trời sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của thành phố, giảm lượng khí C02 thải ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và môi trường.

Dự án này có tổng giá trị hơn 274.000 Euro; trong đó, hơn 246.000 Euro do Công ty TNHH phi lợi nhuận Engagement Global gGmbH/SKEW tài trợ không hoàn lại. Còn lại gần 28.000 Euro do UBND quận Hoàn Kiếm huy động từ nguồn xã hội hóa của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn quận, bảo đảm đúng quy định pháp luật về quản lý tài chính. Dự án được thực hiện kể từ khi được phê duyệt đến hết ngày 30/11/2022.

Năng lượng mặt trời kết hợp lưu trữ sẽ là một đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, giảm chi phí phát điện đắt đỏ vào giờ cao điểm; đồng thời tiếp tục huy động được sự tham gia của xã hội vào phát triển thị trường điện mặt trời vốn có nhiều tiềm năng.

Thời gian qua, việc phát triển điện mặt trời ở nước ta đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời có nhiều tiềm năng ở nước ta, qua đó đảm bảo cung ứng điện, an ninh năng lượng.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW, trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12/2020 gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Do những yếu tố nêu trên, ngay từ tháng đầu năm 2021, EVN đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia, có thể gây lãng phí nguồn lực xã hội và tâm lý lo lắng, bức xúc của nhiều nhà đầu tư. Đã có nhiều phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương án EVN dự kiến cắt giảm phát nguồn năng lượng tái tạo trong năm 2021.

Với lợi thế là quốc gia có tiềm năng phát triển điện mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm là 1.400 – 3.000 giờ, thì việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà là một trong những giải pháp không những giúp các gia đình, doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí tiền điện mà còn giúp giảm áp lực cung ứng điện cho ngành điện, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Sau khi hoàn thành việc thử nghiệm lắp đặt tại chợ Đồng Xuân và đánh giá hiệu quả, Hà Nội sẽ triển khai diện rộng trên một số khu vực khác của quận Hoàn Kiếm.

Trả lời báo chí, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) cho rằng, với người tiêu dùng điện mặt trời mái nhà giúp giảm tiền điện, chủ động nguồn cung trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Còn với hệ thống điện giúp giảm phụ tải và áp lực về cung ứng điện cũng như xây dựng đường dây truyền tải mới.

Ông Sơn nói thêm, theo ông Sebatian Paust – đại diện Đại sứ quán Đức tại hội thảo khởi động Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam cuối tháng 7/2019, nước Đức có tới 70% công suất điện mặt trời đang vận hành là điện mặt trời mái nhà, điều này cho thấy vai trò quan trọng của loại hình nguồn điện tái tạo này trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-sap-co-cho-dau-tien-lap-dien-mat-troi-mai-nha-53227.html

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội sắp có chợ đầu tiên lắp điện mặt trời mái nhà tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước