Liên quan đến Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Bộ Tài nguyên và Môi trường mở cổng góp ý trực tuyến, theo đánh giá của Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) Dự thảo luật này còn nhiều điều mang tính lý thuyết, thiếu thực tiễn, chưa hiện thực hóa được các quy định về sự tham gia của người dân vào các vấn đề có liên quan.
Mặc dù có quy định người dân có quyền được biết thông tin về dự án và được tham gia quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên thực tế cho thấy số lượng người dân biết đến dự án trước khi xây dựng không nhiều, thậm chí chỉ các đơn vị quản lý mới có thông tin.
Bên cạnh đó, một số sự cố môi trường trong gần đây (năm 2019) ở Việt Nam như sự cố cháy nhà máy Rạng Đông, sự cố dầu thải bẩn làm ô nhiễm nước sông Đà, vấn nạn ô nhiễm không khí ở thành phố lớn…
Mặc dù ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng họ lại là đối tượng được biết thông tin sau cùng, khi sự cố xảy ra mới có cảnh báo và bản thân người dân cũng không biết nên gọi đến cơ quan, đơn vị nào để xác minh vấn đề.
|
Sự cố dầu thải bẩn làm ô nhiễm nước sông Đà. Ảnh: Internet |
Song song đó, thực tế cho thấy một số tổ chức nghiên cứu về chất lượng không khí khi thiếu thông tin đã có đề nghị được cung cấp thông tin từ cơ quan quản lý nhưng lại không nhận được phản hồi tiếp nhận hay không.
Dự luật này cũng có quy định hàng loạt thông tin môi trường phải được công khai, nhưng lại không quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, chưa quy định về trách nhiệm của các chủ thể liên quan nếu không công khai thông tin.
Lấy ví dụ về hệ quả khi vai trò của người dân bị xem nhẹ trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra, người dân đã phát hiện ra ống xả thải trực tiếp ra biển, cũng phát hiện việc chôn lấp chất thải rắn nguy hại trong khu dân cư.
Tuy nhiên, dù các ý kiến đã được phản ánh lên chính quyền, hoạt động ở Khu công nghiệp Vũng Áng vẫn diễn ra bình thường. Chỉ đến khi cá chết hàng loạt trên phạm vi rộng kéo dài 4 tỉnh vùng biển miền Trung, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.
|
Cá chết hàng loạt trên phạm vi rộng kéo dài 4 tỉnh vùng biển miền Trung do xả thải. Ảnh: Internet |
GreenID cũng cho rằng, trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đối với sự tham gia của người dân chưa có khung pháp luật chi tiết, chưa có cơ chế cụ thể để thực hiện. Hơn nữa, sự tham gia của dân có thể bị vô hiệu khi không có quy định kèm theo về trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Ví dụ cụ thể như trường hợp của Công ty CP Nicotex Thành Thái có trụ sở tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa chôn lấp hơn 1.000 tấn chất thải nguy hại từ thuốc bảo vệ thực vật tại trụ sở công ty, làm môi trường đất bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe người dân địa phương. Kể từ khi phát hiện (hành vi chôn lấp trái phép này từ năm 1999), người dân địa phương đã có ý kiến bằng lời cũng như văn bản gửi chính quyền các cấp nhưng không có trả lời. Mãi tới năm 2013, khi một người dân địa phương dũng cảm đứng đơn tố cáo cùng với sự hỗ trợ rất mạnh của báo chí thì UBND tỉnh Thanh hóa mới vào cuộc và xử lý vi phạm hành chính, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh cũng đã đưa ra một số điểm tồn tại trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đó là: Dự luật hiện hành chưa hiện thực hóa được các quy định về sự tham gia của người dân cho các vấn đề có liên quan. Hiện vẫn chỉ mang tính lý thuyết, thực thi chưa hiệu quả.
Cụ thể: Điều 17, khoản c Dự luật quy định: “Việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án quy định tại điểm b khoản này được tiến hành dưới hình thức họp cộng đồng dân cư do chủ dự án và Ủy ban nhân dân các xã nơi thực hiện dự án đồng chủ trì với sự tham gia của những người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ dân phố, thôn, bản. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp cộng đồng”.
Khoản này được hiểu rằng tham vấn do UBND và các người đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội chủ trì. Trong thực tế tham vấn, người dân hoàn toàn không hiểu hoặc không nắm được thông tin gì về dự án đang xây dựng và tác động của dự án như thế nào. Các cán bộ xã cùng mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cũng không nắm được ngoài những lời hứa của Chủ Đầu tư. Nói chung việc tham vấn chỉ là hình thức để thông qua ĐTM.
Chính vì vậy, GreenID đã có thư kiến nghị đề xuất “Tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác xây dựng, quản lý và thực thi các quy định pháp luật” đối với Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi): “Cần phải có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội hoặc cần một cơ chế khác làm cho người dân nắm rõ được các thông tin cần thiết trong Đánh giá Tác động Môi trường (ĐTM).
Bởi người dân là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của các dự án đầu tư nhưng họ lại bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ/các nhóm công tác xã hội lại có nhiều thông tin, có phân tích, học tập kinh nghiệm quốc tế nên hoàn toàn chủ động cung cấp thông tin và đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong các vấn đề được tham vấn ĐTM”.
Theo K.An/Môi trường Đô thị