Trong khi hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid 19 gửi Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã lấy ý kiến các bộ về vấn đề này, song nhiều vấn đề chưa có được sự đồng thuận của Bộ Tài chính.
Cụ thể các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp hiện đang đề xuất miễn giảm các loại thuế gồm: Thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; thuế suất thuế GTGT (VAT) mặt hàng nhiên liệu bay, thịt heo tươi...
Cùng với đó còn có đề xuất miễn giảm nhiều loại phí khác (phí trước bạ, phí cho ngành GTVT...); đề nghị giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tập trung vào thuế xuất khẩu và thuế TTĐB đối với ô tô lắp ráp sản xuất trong nước đến hết năm 2020.
Song, Bộ Tài chính không đồng ý giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong năm 2020 vì cho rằng nội dung này có trùng lắp với một số chính sách dự kiến áp dụng.
|
Bộ KHĐT kiến nghị giữ lại đề xuất miễn giảm này, để có cơ sở cho Chính phủ quyết nghị phương hướng thực hiện cụ thể, sau đó giao lại cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát.
Bộ Tài chính cũng không chấp thuận đề xuất giảm 50% thuế VAT (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các doanh nghiệp vì cho rằng đây là thuế gián thu, người tiêu dùng trả thuế.
Đối với doanh nghiệp, toàn bộ thuế VAT đầu vào được khấu trừ với thuế VAT đầu ra khi xác định thuế VAT phải nộp, không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp.
Bộ KHĐT tiếp thu ý kiến này và quy định chỉ cho phép giãn thuế VAT đến tháng 9/2020 đối với nguyên vật liệu hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này có thêm nguồn vốn lưu động để tiếp tục đầu tư vào các hoạt động sản xuất khác trong thời gian chưa tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ đầu ra.
Bộ Tài chính cũng không chấp thuận giảm 50% thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, trừ giảm thuế cho nhiên liệu bay để cứu ngành hàng không vì ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Riêng các ngành khác, Bộ Tài chính cho rằng Luật Bảo vệ môi trường không quy định việc miễn, giảm thuế BVMT. Do đó, đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết. Các ngành vận tải khác không được miễn giảm thuế do giá xăng dầu giảm mạnh.
Còn về việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước hết năm 2020 và áp dụng các chính sách ưu đãi khác, Bộ Tài chính cũng không thông qua vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ