Đại dịch Covid-19 được ví như bóng ma truy bức kinh tế toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp báo lỗ ngay quý I/2020. Có muôn nẻo lý do lỗ từ vì Covid – 19, do giá xăng dầu đến chứng khoán sụt giảm.
Theo thống kê của Vietstock, tính đến hết ngày 05/05/2020, có 933 doanh nghiệp trên sàn (chưa bao gồm ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm) đã công bố Báo cáo tài chính quý 1/2020. Trong đó, có 59% doanh nghiệp báo lãi đi lùi so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp để lại "dấu ấn" tệ nhất từ trước đến nay
Dữ liệu thống kê của Vietstock cho thấy, có 213 doanh nghiệp thua lỗ trong quý đầu năm 2020. Không những thế, kết quả kinh doanh quý 1/2020 của nhiều doanh nghiệp còn “đạt được” kỷ lục đáng nhớ.
Ngành hàng không được đánh giá là chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch Covid-19 khi lượng hành khách giảm sút trầm trọng. Vietnam Airlines (HoSE: HVN) được đánh giá là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
|
Vietnam Airlines (HoSE: HVN) được đánh giá là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. |
Theo báo cáo tài chính mới được công bố thì HVN chính thức báo lỗ 2.545 tỷ đồng cao hơn mức ước tính lỗ 2.400 tỷ đồng trong báo cáo gửi Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tháng 4. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 2.589 tỷ đồng.
Được biết, HVN chưa từng lỗ nặng như thế kể từ năm 2008. Kết quả này cũng khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HVN trong quý đầu năm 2020 âm đến hơn 3,800 tỷ đồng.
Không công bố con số cụ thể của mảng hàng không cũng như các mảng khác, FLC Group – sở hữu 52,11% cổ phần của Bamboo Airways - cũng báo lỗ trước thuế 1.887 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Kinh doanh dưới giá vốn, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 1.172 tỷ đồng. FLC cho biết hoạt động kinh doanh các mảng du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng hơn 8 năm, công ty của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết phải báo lỗ kinh doanh quý (kể từ sau quý 2/2011). Về tình hình tài sản, đáng chú ý khi lượng tiền mặt của FLC chỉ còn ghi nhận hơn 48.5 tỷ đồng (tại 31/03/2020), giảm mạnh so với con số gần 633 tỷ đồng hồi đầu năm.
Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) báo lỗ ròng kỷ lục 2.348 tỷ - là đơn vị ngành dầu khí đầu tiên báo thua lỗ giữa khủng hoảng Covid-19 và giá dầu. BSR cho biết trong kỳ giá dầu thô chứng kiến đà suy giảm mạnh mẽ, từ 67 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,8 USD/thùng bình quân, giảm 47%.
Với ông trùm Petrolimex (HoSE: PLX), là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho khiến PLX ước lỗ 572 tỷ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Cùng cảnh ngộ, PV OIL (UPCoM: OIL) ghi nhận lỗ ròng 538 tỷ quý đầu năm; trong đó lỗ thuộc về công ty mẹ là 423 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỷ đồng. OIL cho biết do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu thế giới làm cho sản lượng kinh doanh xăng nội địa giảm khoảng 11% so với cùng kỳ, sản lượng bán lẻ giảm 6%.
Dù không phải là lần đầu thua lỗ từ khi niêm yết như những đơn vị kể trên thì nhiều doanh nghiệp cũng kịp để lại “dấu ấn” trong quý đầu năm 2020 khi ghi nhận kết quả tệ nhất từ trước đến nay.
Chẳng hạn như MHC (HOSE: MHC) lỗ ròng gần 127 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2005.
Hay như Netland (HOSE: NRC), Masco (HNX: MAS), Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG)… cũng có quý thua lỗ lớn nhất từ khi lên sàn. Trong đó, DLG thua lỗ hơn 47 tỷ đồng vì các hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước đều đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Còn như Thép Việt Ý (HOSE: VIS), thua lỗ hơn 80 tỷ trong quý 1/2020 cũng đồng nghĩa đơn vị này lỗ quý thứ 8 liên tiếp.
Xuất hiện thêm những cái tên lần đầu báo lỗ
Cũng chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33 tỷ đồng. Theo giải trình của TLG, do dịch diễn biến phức tạp, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng.
Tại thị trường trong nước và quốc tế, do các trường học đóng cửa trong thời gian dài và giãn cách xã hội diễn ra ở nhiều nơi, nên việc tiêu thụ sản phẩm đã chậm lại đáng kể.
|
Tập đoàn Thiên Long (HOSE: TLG) báo lỗ gần 20 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 33 tỷ đồng. |
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp lần đầu báo lỗ như Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG), Everpia (HOSE: EVE), Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, HOSE: VNS).
Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ ròng 37 tỷ, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 58 tỷ đồng. Theo giải trình, do tình hình khó khăn chung của thị trường, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến doanh thu nên lợi nhuận sau thuế giảm mạnh.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 và quý I thường là quý thấp điểm của các công ty BĐS khiến Bất động sản Netland (HNX: NRC) kinh doanh thua lỗ - Đây cũng là quý đầu tiên kể từ khi niêm yết NRC báo lỗ.
Ảnh hưởng của dịch Covid – 19 cùng các nỗ lực giữ thị trường chăn ga và sự tăng lên của tỷ giá hối đoái đã khiến chi phí của Everpia (HoSE: EVE) tăng cao và chịu lỗ gần 12 tỷ đồng trong quý I. Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí vẫn ở mức cao khiến May Việt Tiến (UPCoM: VGG) lần đầu báo lỗ 22 tỷ đồng.
Vẫn tồn tại điểm sáng
Dù trải qua một quý kinh doanh đầy thách thức trước tác động đa chiều từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn lách qua khe cửa hẹp để phần nào làm hài lòng cổ đông.
Một số doanh nghiệp còn tận dụng được thời điểm này để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và gặt hái được thành quả tích cực, chẳng hạn như DNM hay LIX.
Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Tổng CTCP Y tế DANAMECO (HNX: DNM) đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm như khẩu trang, trang phục chống dịch. Kết thúc quý 1/2020, Công ty mẹ DNM ghi nhận doanh thu thuần hơn 127 tỷ đồng và lãi ròng 8.2 tỷ đồng, lần lượt gấp hơn 3.2 lần và 7.5 lần cùng kỳ.
Hay nhờ vào giá cả nguyên vật liệu đầu vào giảm nhẹ đã giúp cho lãi ròng Bột Giặt Lix (HOSE: LIX) tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 64 tỷ đồng.
Quý 1, vẫn có 5 doanh nghiệp ghi nhận lãi trên ngàn tỷ là Vinhomes (HOSE: VHM), Vinamilk (HOSE: VNM), Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS), Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) và Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG).
Một số doanh nghiệp cũng nằm trong top lãi trên trăm tỷ như FPT, VRE, PNJ, DBC …
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ