ACV đang chia sẻ khó khăn ở những hạng mục dịch vụ nào?
Đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới suốt mấy tháng gần đây đã ảnh hưởng rất lớn tới thị trường hàng không, điều này khiến hoạt động của nhiều hãng hàng không bị đình trệ, hàng loạt chuyến bay và đường bay phải dừng khai thác, doanh thu giảm sút đột ngột. Thiệt hại ban đầu của việc dừng khai thác nhiều đường bay được các hãng hàng không Việt Nam tính toán sơ bộ lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.
Trong bối cảnh trên, để chia sẻ với doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã có chủ trương giảm giá dịch vụ cho tất cả các hãng bay đang sử dụng các dịch vụ tại 21 cảng hàng không mà đơn vị này đang quản lý, khai thác.
|
Cụ thể, ACV quyết định giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không.
ACV sẽ giảm 50% dịch vụ dẫn tàu bay, 10% dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất, giảm 10%. Còn đối với dịch vụ thuê văn phòng đại diện, các hãng hàng không dừng bay sẽ được miễn 100%, các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của nhà nước là 30%. Chính sách giảm giá này dự kiến áp dụng trong 6 tháng (từ tháng 3 đến hết tháng 8).
Đối với các hoạt động phi hàng không, ACV đang nghiên cứu xây dựng các kịch bản và phương án hỗ trợ theo diễn biến.
Trong bối cảnh ngành hàng không đang chịu sự tàn phá dữ dội của đại dịch, việc đưa ra chủ trương giảm giá dịch vụ sân bay của ACV được hiểu là đơn vị này muốn chia sẻ khó khăn và thiệt hại mà các hãng hàng không đang phải đau đầu gánh chịu. Trên thực tế, việc làm của ACV được thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trước đó.
Những tưởng ACV sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận. Thế nhưng, sau khi thông tin này được đăng tải, bất ngờ có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế và chuyên gia giao thông cho rằng, sự hỗ trợ này chỉ mang tính hình thức và không mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Quyết định giảm giá 7 dịch vụ của ACV chỉ mang tính hình thức?
Đáng chú ý, quyết định giảm giá dịch vụ đối với các hãng hàng không của ACV được đưa ra trong bối cảnh tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của doanh nghiệp này năm 2020 dự kiến sẽ sụt giảm tới 40% so với năm 2019; trong đó khách quốc tế giảm khoảng 70%.
Trao đổi về câu chuyện ACV chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc giảm giá 7 dịch vụ cho tất cả các hãng hàng không, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ với VTC News rằng họ được lợi không đáng kể từ việc giảm giá 7 loại dịch vụ này.
|
Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ được lợi không đáng kể từ việc giảm giá 7 loại dịch vụ này. |
Bởi với tình trạng đình trệ do lượng hành khách sụt giảm, bị thắt chặt do dịch bệnh. Thì phí dẫn tàu bay tuy giảm 50% nhưng các hãng sẽ tiết kiệm không đáng kể, do phí này thấp và hầu hết máy bay hiện nằm sân do các chuyến bay bị cắt, huỷ chuyến. Trái lại, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất chiếm đáng kể trong chi phí của hãng lại chỉ được giảm 10%.
Phí thuê mặt bằng làm văn phòng đại diện được giảm 30% cũng không mang nhiều ý nghĩa bởi trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu về diện tích thuê làm văn phòng đại diện ở các nhà ga của các hãng bay đã được tiết giảm đáng kể.
Thêm vào đó, trường hợp hãng hàng không dừng bay thì việc miễn 100% dịch vụ thuê văn phòng đại diện là....đương nhiên, vì hoạt động của doanh nghiệp khi đó gần như “đóng băng”. Với hãng tiếp tục duy trì hoạt động vận chuyển, số chuyến cũng không nhiều do nhiều sân bay đóng cửa, khi đó nhu cầu mặt bằng cũng không lớn. Trong khi các loại phí thấp được giảm thì những gánh nặng thật sự lại không được gỡ bỏ.
Có thể kể đến là dịch vụ đỗ máy bay ở sân. Hiện, ACV thu phí dịch vụ sân đỗ 32.000 đồng/tấn/ngày, trọng lượng máy bay từ 77 - 200 tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay. Dịch vụ đầu cuối cũng “ngốn” của các hãng hàng không hàng cũng không được cho vào danh sách giảm.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhìn nhận, động thái giảm giá 7 loại dịch vụ của ACV chỉ mang tính hình thức cho có: “ACV giảm giá dịch vụ kiểu hình thức và đối phó, thực chất không có nhiều tác dụng tích cực với các hãng hàng không”.
PGS.TS phân tích: “ACV thu nhiều loại phí dịch vụ, nhiều khoản trong đó rất cao thì không chịu giảm. Trong bối cảnh hãng hàng không đang tím tái, những phí nào thuộc thẩm quyền, ACV phải nhanh chóng giảm tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Theo ông Long, ACV thực chất không muốn giảm nguồn thu của mình mà chỉ nhằm đối phó với chỉ đạo của Chính phủ: “Tôi cho rằng ACV cần ngay lập tức giảm các loại phí dịch vụ đậu tàu bay, dịch vụ đầu cuối… đó mới là cái liên quan sát sườn đến hãng hàng không”. Với các phí dịch vụ khác như điều hành bay, cất cánh… ông Long cho rằng Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cần hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không bằng cách cho chậm thanh toán và giảm giá.
Đi sâu vào tình trạng khó khăn hiện tại của các hãng hàng không, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải thấy các hãng hàng không đang phải gồng mình lên trong đại dịch để vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa làm tròn nhiệm vụ chính trị mà Nhà nước giao phó.
“Hàng không vốn là lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất từ Covid-19. Không những thế, hàng không còn đang tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, đó là chở công dân Việt Nam từ những nơi có dịch hồi hương. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Nhà nước giao phó chứ không phải là hoạt động kinh doanh. Việc làm này là vô cùng đáng trân trọng trong bối cảnh chính các hãng hàng không đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh” - PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.
Trong bối cảnh các hãng hàng không bị thiệt hại như thế, Chính phủ đã có chủ trương yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp vận tải hàng không. Với cách làm như hiện nay của Bộ GTVT và ACV, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng là mang tính chất đối phó và chia sẻ theo kiểu “muỗi đốt thân cây”: “ACV bị áp lực bởi chủ trương của Chính phủ, buộc ông phải làm nhưng ông làm theo kiểu hình thức, làm cho có mà thôi”.
Giải pháp nào gỡ gánh nặng cho doanh nghiệp?
Cục Hàng không Việt Nam đưa ra hai kịch bản, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, tổng khách của thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15% so với năm 2019. Trường hợp xấu hơn, quý II mới kiểm soát được dịch bệnh, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6 % so với 2019. Với kịch bản nào, doanh nghiệp vận tải hàng không cũng đều thiệt hại ghê gớm.
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng kịch bản xấu nhất xảy ra là dịch Covid-19 kéo dài, các hãng bay sẽ bị đẩy đến bờ vực phá sản nếu không được tiếp sức: “Thiệt hại là cực lớn. Doanh nghiệp sẽ không đủ sức chống chọi nếu không được hỗ trợ kịp thời”.
|
PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng kịch bản xấu nhất xảy ra là dịch Covid-19 kéo dài, các hãng bay sẽ bị đẩy đến bờ vực phá sản nếu không được tiếp sức. |
Tuy vậy, theo ông Long, đáng lo ngại nhất là hiện nay các giải pháp đưa ra đang quá chậm. “Từ đầu tháng 3, Thủ tướng đã có chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đây được coi là cứu thoát cho doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay.
Nhưng nhiều Bộ phản ứng quá chậm. Bộ Giao thông Vận tải cũng mới có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng cho phép giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay với các chuyến nội địa…”, ông Long nói.
Không những thế, chuyên gia tài chính kinh tế này cho rằng các mức hỗ trợ mà Bộ Giao thông Vận tải đề xuất chưa đánh giá hết thiệt hại mà các hãng đang gồng mình gánh chịu. “Bộ Giao thông vận tải là nơi nắm rất rõ thiệt hại ghê gớm của các hãng hàng không. Nhưng những giải pháp Bộ đề xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lại rón rén, cầm chừng, nhiều nội dung thiếu thực chất”, ông Long nhìn nhận.
Ngoài Bộ Giao thông Vận tải, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng Bộ Tài chính cần khẩn trương trình văn bản miễn giảm thuế, phí để cấp cứu kịp thời doanh nghiệp hàng không – vốn là nguồn thu ngân sách, là mũi nhọn, là bệ đỡ cho nền kinh tế.
Chung nỗi lo "giải cứu" doanh nghiệp trong tình thế cấp bách như hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũngcho rằng, Chính phủ coi chống dịch như chống giặc, vì thế, việc chậm triển khai hoặc vì lợi ích nhóm mà không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, thì cần xử như quân luật.
"Chúng ta cần phải tăng chi viện, tăng nguồn lực và cần có chế tài mạnh như quân luật trên mặt trận hàng không nói riêng và mặt trận kinh tế nói chung. Nếu không, chúng ta không phát huy được thắng lợi trên mặt trận phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe nhân dân và sẽ thua trên mặt trận kinh tế", ông Thiên nói.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ