Giá một số loại rau quả tăng giảm nhẹ so với tháng trước đó, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung dồi dào, nhưng tiêu thụ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát trong nước.
Đối với mặt hàng trái cây, tại các tỉnh phía Nam, giá bán lẻ một số loại trái cây giảm nhẹ so với tháng 1/2021 do nguồn cung dồi dào.
Cụ thể, sầu riêng giảm 10.000 đồng/kg còn 80.000 - 85.000 đồng/kg; xoài cát chu ở mức 15.000 - 25.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; dưa hấu giảm nhẹ 3.000 đồng/kg, còn 15.000 - 20.000 đồng/kg; cam xoàn giảm 3.000 đồng/kg, còn 25.000 đồng/kg.
|
Tiêu thụ khó khăn khiến giá sầu riêng, xoài cát chu, cam xoàn sụt giảm (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, một số loại tăng giá so với tháng trước như: vú sữa tăng 5.000 đồng/kg, lên 50.000 - 55.000 đồng/kg; bưởi da xanh tăng 5.000 đồng/kg, lên 55.000 - 60.000 đồng/kg; thanh long tăng 5.000 đồng/kg, lên 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh phía Bắc, giá bán lẻ một số loại trái cây tăng nhẹ trong dịp Tết, nhưng đến cuối tháng 2/2021, giá trái cây đã quay về mức giá tháng trước và vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2020.
Cụ thể, cam lòng vàng ổn định so với tháng 1/2021 ở mức 10.000 - 15.000 đồng/kg, nhưng giảm 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng 2/2020.
Bưởi ngọt là 15.000 - 28.000 đồng/quả; giá dứa ổn định ở mức 10.000 - 14.000 đồng/quả; ổi từ 15.000 – 20.000 đồng/kg; chuối từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; đu đủ từ 14.000 - 15.000 đồng/kg; táo xanh là 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Riêng giá một số loại trái cây từ miền Nam thì tăng nhẹ như: thanh long tăng 5.000 đồng/kg, xoài tăng 5.000 đồng/kg, dưa hấu tăng 2.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng rau, giá rau tại các tỉnh thành trên cả nước giảm mạnh so với tháng 1/2021 do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm tiêu thụ khó khăn hơn.
Trong khi đó, xuất khẩu rau quả tăng trở lại sau nhiều tháng liên tiếp giảm
Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt 309,62 triệu USD, tăng 12,8% so với tháng 12/2020 và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2021 đã tăng trưởng trở lại, sau khi giảm liên tiếp kể từ tháng 9/2020.
|
Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam năm 2019 - 2021 (ĐVT: triệu USD). Nguồn: Tổng cục Hải quan/Bộ Công Thương |
Theo thông lệ hàng năm, thời điểm trước Tết Nguyên đán Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu hàng rau quả để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng cao tại thị trường nội địa. Vì vậy, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong tháng 1/2021 đạt 182,92 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng 12/2020, tăng 5,4% so với tháng 1/2020.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có sự dịch chuyển rõ nét trong tháng 1 vừa qua khi giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm xuống còn 59,1%, từ mức 61,7% trong tháng 1/2020. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường như Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, thị trường Đài Loan… tăng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu triển vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn gặp nhiều khó khăn, mặc dù xuất khẩu trong tháng 1/2021 tăng trưởng khá.
Trong tháng 2/2021, dịp nghỉ lễ Tết nguyên Đán kéo dài làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng rau quả. Làn sóng tái bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.
Theo Kinh tế Chứng khoán