Cơ hội lớn thách thức nhiều
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ gió và nắng khi có vị trí địa lý thuận lợi được định hình bởi đường bờ biển dài hơn 3.000 km. 39% lãnh thổ nước ta có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương tiềm năng sản lượng điện gió 513 GW. Đặc biệt, khoảng 10% trong số đó, được coi là có tiềm năng năng lượng điện gió rất lớn nằm tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gia nhập lĩnh vực tiềm năng sinh lợi cao này như Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn BIM, Tập đoàn Xuân Cầu, Công ty Paci c, Công ty FECON, Tập đoàn Thành Công Group, Tập đoàn T&T Group, BCG Bamboo Capital, Tập đoàn Trường Thành hay Tập đoàn Hà Đô... Đây đều là những tên tuổi lớn, đã khá quen thuộc trong các lĩnh vực bất động sản, hàng không.
Sở dĩ các nhà đầu tư đổ xô vào điện gió, điện mặt trời bởi mức giá hấp dẫn. Với điện mặt trời, các dự án vận hành thương mại trước tháng 7/2019 được hưởng giá ưu đãi lên đến 2.100 đồng/kWh trong vòng 20 năm. Nếu so với giá mua điện từ các nguồn điện như thủy điện (1.000 đồng/kWh), nhiệt điện (1.500 đồng/ kWh), đó là mức giá rất cao, chỉ xếp sau điện khí và điện chạy dầu.
Khi giá ưu đãi cho điện mặt trời hết thời hạn thì đến giai đoạn cao trào của điện gió. Tương tự như điện mặt trời, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô vào đầu tư nguồn điện này. Mức giá ưu đãi lên tới gần 2.000 đồng/kWh quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là lực hút doanh nghiệp đầu tư. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được quy định tại Quyết định 37/2011/QĐ-TTg từ năm 2011 (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 cent).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch điện gió như đề xuất của Bộ Công Thương. Cụ thể là đồng ý bổ sung 7.000 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện nay; đồng thời xem xét kéo dài thời gian áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió tới hết ngày 31/12/2023. Nghĩa là giá mua điện trên sẽ áp dụng với dự án vận hành thương mại trước ngày 31/12/2023 thay vì đến 1/11/2021 theo quy định trước đó và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.
Lý do được Bộ Công thương đưa ra để có đề xuất này là các dự án điện hiện có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khiến việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện giai đoạn 2021-2025 gặp nhiều khó khăn. Dự báo năm 2023 có thể thiếu trên 13 tỷ kWh điện, trong khi đã phải phát dầu gần 11 tỷ kWh. Đáng nói là, trước 7.000 MW điện gió được đề nghị bổ sung như trên, các cơ quan chức năng đã bổ sung tới 4.800 MW điện gió vào quy hoạch điện hiện hành.
|
Lãi ngay hàng trăm tỷ mỗi năm
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây ban hành Quy trình thử nghiệm và công nhận "Ngày vận hành thương mại - COD" cho các dự án điện tái tạo. Tài liệu quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai, trách nhiệm từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.
Các chủ đầu tư nay đã có đầy đủ dữ kiện để có thể chủ động triển khai dự án, nhằm cán đích đúng tiến độ (vận hành thương mại trước 31/12/2020) qua đó có thể hưởng mức giá mua ưu đãi theo Quyết định của Chính phủ. Đây là điểm then chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với tính hiệu quả của các dự án.
Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN, từ nay đến cuối năm 2020 còn khoảng 36 nhà máy sẽ đóng điện và vận hành thương mại.
Năm ngoái, EVN cho biết đã công nhận COD cho 86 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 để nhận ưu đãi. Tổng công suất phát của các nhà máy đạt gần 5.400 MWP.
Thời hạn giá ưu đãi đẩy các chủ đầu tư vào một cuộc đua hấp dẫn, như "củ cà rốt và con lừa". Dữ liệu của chúng tôi về kết quả kinh doanh của nhiều dự án điện mặt trời cho thấy đây thực sự là vùng đất màu mỡ và sơ khai với các doanh nghiệp. Nhất là khi đặt trong bối cảnh ưu đãi lớn từ Chính phủ và Việt Nam được dự báo thiếu điện trong nhiều năm tới.
Trên 10 dự án điện mặt trời quy mô lớn top đầu của Việt Nam đều đồng loạt báo lãi trong năm vừa rồi. Trong số này, có những dự án mới chỉ đi vào vận hành thương mại được vài tháng đến nửa năm.
Dự án điện mặt trời Dầu Tiếng (Tây Ninh) công suất tối đa 420 MWP lớn nhất Đông Nam Á của liên doanh Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) đạt doanh thu 807 tỷ đồng, lãi sau thuế tới 456 tỷ đồng.
Điều đáng nói là Dầu Tiếng cũng mới chỉ khánh thành vào đầu quý IV năm ngoái, tức chưa đầy một quý. Nếu chạy full tải cả năm, dự án này có thể chạm mốc doanh thu ước lượng 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận 1.800 tỷ đồng chưa thuế. Đây thực sự là con số ấn tượng xét trên khía cạnh hiệu quả đầu tư.
Số liệu của BIM Renewable Energy cho thấy trường hợp của Dầu Tiếng không phải là ngẫu nhiên. Liên doanh của BIM Group và AC Renewables là chủ đầu tư cụm 3 nhà máy điện tại Ninh Thuận (BIM 1, BIM 2, BIM 3) công suất 330 MWP, khánh thành cuối tháng 4/2019. BIM Renewable Energy đạt doanh thu 703 tỷ đồng, lãi sau thuế 344 tỷ đồng.
Trung Nam Solar Power của Tập đoàn Trung Nam vận hành nhà máy Trung Nam Ninh Thuận công suất 258 MWP cũng đạt doanh thu trên 500 tỷ đồng, lãi ròng 131 tỷ đồng. Trung Nam Trà Vinh sở hữu nhà máy công suất 165 MWP doanh thu 275 tỷ đồng, lãi 94 tỷ.
Dự án TTP Phú Yên (Hòa Hội) 257 MWP do CTCP Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên doanh với tập đoàn B.Grim (Thái Lan) khánh thành cuối tháng 6/2019, nhưng báo doanh thu 407 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng.
Các dự án lớn khác là Hồng Phong 1A – 1B của chủ đầu tư Tổng công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) tại Bình Thuận đem về 393 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 200 tỷ đồng. Hồng Phong 2 doanh thu 264 tỷ đồng, lãi ròng 70 tỷ đồng.
Hay như dự án của Tập đoàn Sunseap Việt Nam công suất 168 MW doanh thu 314 tỷ đồng, lãi sau thuế 59 tỷ đồng...
Tại tất cả các dự án kể trên, biên lợi nhuận gộp dao động trong khoảng 65% - 75%, đồng thời hầu như không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ