EVN sắp bị phế độc quyền
Báo cáo về thị trường điện cạnh tranh, Bộ Công Thương cho hay "đang triển khai theo đúng lộ trình đã được phê duyệt".
Cụ thể, thị trường phát điện cạnh tranh đã được chính thức vận hành từ tháng 7.2012 và đang ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định.
Nếu như năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy với tổng công suất 9.200 MW tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thì đến ngày 31/3/2020 đã có 98 nhà máy điện trực tiếp tham gia cạnh tranh trên thị trường với tổng công suất 26.895 MW.
Tới đầu năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành. Từ đây, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất như trước đây mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Đây cũng là một trong các giải pháp để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ độc quyền như phát điện, kinh doanh bán lẻ điện… Cùng với đó, giá khâu phát điện, mua buôn điện được xác định theo cơ chế thị trường, phản ánh cân bằng cung cầu điện tại các thời điểm, phản ánh biến động của các chi phí nhiên liệu đầu vào.
Đáng chú ý, về thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, báo cáo cho biết, ngày 9/6/2020, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đến ngày 7/8, Bộ Công thương đã ban hành quyết định phê duyệt đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 (từ 2022 đến 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay. Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
|
Nhiều vấn đề lớn xoay quanh Công ty Tài chính Điện lực
Công ty Tài chính cổ phần Điện lực vừa tổ chức thành công ĐHĐCĐ năm 2020 với nhiều nội dung đáng chú ý, tập trung vào vấn đề nhân sự, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của công ty hậu thoái vốn của Tập đoàn điện lực (EVN).
ĐHĐCĐ lần này của EVNFC đặc biệt nóng về vấn đề nhân sự. Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan tới vấn đề này, HĐQT EVNFC cho biết: Về vấn đề thành viên HĐQT là đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ năm 2017 EVN đã không cử đại diện tham gia HĐQT công ty.
Các thành viên HĐQT là do ĐHĐCĐ đề cử, ứng cử, bầu cử theo quy định của điều lệ công ty và quy định của pháp luật liên quan. HĐQT hiện nay (nhiệm kỳ 2018-2023) được ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 bầu chọn. Các thay đổi về nhân sự giữa nhiệm kỳ (nếu có) do ĐHĐCĐ quyết định thông qua.
Trước đó, theo phản ánh trên báo chí, vào năm 2018 một nhóm cổ đông đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu hoãn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm đó để làm rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của EVNFC liên quan tới vấn đề nhân sự.
Cụ thể, nhóm cổ đông này cho rằng, HĐQT EVNFC đã cố tình che giấu thông tin về việc thông báo ứng cử người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát khóa 2018-2023 khi không gửi thông báo trực tiếp đến các cổ đông. Các cổ đông cho rằng việc làm này là nhằm mục đích ngăn cản quyền tham gia ứng cử của các cổ đông, tạo điều kiện bất hợp pháp cho các thành viên HĐQT cũ và ban điều hành đề cử lẫn nhau vào HĐQT và BKS.
Với cơ cấu đề xuất HĐQT 2018-2023, Ban Giám đốc công ty sẽ có 3 người tham gia, 2 người khác của EVNFC từng tham gia Ban Giám đốc và hiện nhận lương trực tiếp tại công ty, chỉ có 1 thành viên độc lập. "Việc có tới 5 ứng viên HĐQT đều hiện đang hưởng lương hàng tháng tại EVNFC, trong đó có 3 thành viên trong Ban giám đốc, dẫn tới việc triệt tiêu vai trò của BKS. Đây là một mô hình quản trị rất dễ tạo ra lợi ích nhóm".
Ông Hoàng Văn Ninh – Chủ tịch HĐQT EVNFC hiện nay là người đại diện phần vốn của EVN (trước khi là người đại diện phần vốn EVN do ông là Phó trưởng Ban tài chính kế toán EVN). Do đó về mặt thủ tục, ông Hoàng Văn Ninh cần công khai vấn đề đại diện phần vốn EVN và thực hiện các thủ tục cần thiết có liên quan.
Nhóm cổ đông cũng đề nghị làm rõ vai trò của ông Hoàng Mạnh Hải (Phó tổng giám đốc EVNFC, thành viên HĐQT) liên quan đến vụ án xảy ra tại Oceanbank. Đó là việc EVNFC đã nhận tiền gửi 240 tỷ đồng của Ngân hàng OceanBank do ông Hà Văn Thắm làm Chủ tịch vào tháng 10/2014. Cùng với đó HĐQT EVNFC đã ra nghị quyết về việc mua có điều kiện 240 tỷ đồng cổ phiếu OCH của Tập đoàn OCG sau khi nhận tiền gửi của Ngân hàng Oceanbank. Việc này được cho rằng đã tạo điều kiện để ông Hà Văn Thắm chiếm đoạt số tiền 240 tỷ đồng của EVNFC thông qua hợp đồng đặt cọc mua cổ phần này.
Đáng chú ý, nhóm cổ đông này tố cáo, năm 2014 EVNFC đã ký hợp đồng đặt cọc mua trái phiếu với Công ty Chứng khoán An Phát và công ty đã chuyển số lượng tiền rất lớn cho An Phát sử dụng vào việc riêng không lấy lãi, đã gây thất thoát lớn.
Ngoài ra, công ty còn tiếp tục ký nhiều hợp đồng đặt cọc môi giới tương tự với nhiều công ty sân sau khác nhằm rút tiền sử dụng vào các mục đích khác nhau. Các khoản mục này đều được đưa vào mục phải thu khác và không được kiểm soát. Bên cạnh đó, công ty đã giải ngân tín dụng số tiền rất lớn cho các công ty sân sau như: Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ Tam Ba, Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi, Công ty Mesa… Các công ty này có chủ sở hữu, người đại diện là những cổ đông cá nhân, sở nhiều cổ phần tại EVNFC hoặc là thành viên Ban giám đốc công ty, bao gồm: Bà Lưu Thị Tuyết Mai (nắm giữ 10,2 triệu cổ phần EVNFC - người đại diện theo pháp luật của Thạnh Mỹ Lợi, thành viên HĐQT của Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà); Bà Lưu Thị Tuyết Hương - người nắm giữ 10 triệu cổ phần EVNFC; Bà Đỗ Hồng Thủy (nắm giữ 6,25 triệu cổ phần của EVNFC.
Ngay sau ĐHĐCĐ thường niên 2020, EVNFC đã có quyết định bổ nhiệm 2 vị trí quan trọng là Phó Tổng giám đốc và Giám đốc tài chính với ông Hoàng Thế Hưng và ông Mai Danh Hiền với thời gian bổ nhiệm là 5 năm kể từ ngày 15/6/2020.
Theo giới thiệu, ông Mai Danh Hiền từng là Phó trưởng phòng tổ chức - kiểm soát viên trưởng của Công ty CP Đèo Cả từ năm 2010-2011. Từ 2011 đến nay ông Hiền về EVNFC, đi lên từ vị trí chuyên viên Phòng Kế toán.
ĐHĐCĐ cũng thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Hoàng Mạnh Hải và ông Bùi Xuân Dũng; bầu bổ sung ông Lê Mạnh Linh. Được biết, ông Lê Mạnh Linh từng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP bánh kẹo Hải Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý Quỹ Amber.
Như vậy cho đến thời điểm hiện tại, HĐQT EVNFC gồm 5 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Ông Hoàng Văn Ninh vẫn là Chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Hoàng Hải là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc EVNFC. Ông Hoàng Mạnh Hải đã được miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhưng vẫn là Phó Tổng giám đốc của EVNFC.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ