Delta trở thành mối quan tâm lớn hiện nay với khả năng lây truyền chưa từng có từ khi đại dịch càn quét thế giới. Lần đầu tiên sau hơn một năm, thế giới cảm thấy có chút hy vọng — hoặc ít nhất là sự lạc quan thận trọng — rằng đại dịch có thể lùi dần về phía sau.
Nhưng các chuyên gia y tế đang muốn chúng ta biết rằng, tình hình vẫn còn "rất đáng lo ngại" về những đột biến mới của virus, có thể khiến dịch bệnh nhanh chóng quay trở lại và nó có thể còn "kinh hoàng" hơn trước.
Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ đã nhận diện được 8 biến đổi trong protein gai của biến thể Delta (B.1.617). Đại học Hoàng gia London (Anh) trong khi đó đánh giá biến thể Delta có khả năng lây truyền nhanh hơn Alpha từ 20-80%.
|
Vaccine Covid-19 chống chọi biến thể Delta như thế nào? |
Delta còn có thể “qua mặt” hệ miễn dịch của người từng mắc COVID-19 đã khỏi hoặc người từng tiêm vaccine. Nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London cho thấy vaccine của BioNtech/Pfizer và AstraZeneca có thể giảm hiệu quả trong bảo vệ người tiêm trước biến thể Delta. Dù vậy, tiêm vaccine vẫn được đánh giá là biện pháp tốt để giảm tỷ lệ lây nhiễm của các biến chủng.
Các loại vaccine được thiết kế nhắm vào gai protein của virus SARS-CoV-2. Gai protein là bộ phận trồi lên từ bề mặt của virus, một đặc điểm nhận diện của virus SARS-CoV-2, đồng thời là công cụ để virus xâm nhập tế bào người.
Giống như mọi loại vaccine khác, vaccine Covid-19 hoạt động nhằm kích thích khiến cơ thể tin rằng virus đã xâm nhập, huấn luyện hệ miễn dịch làm quen, sẵn sàng chống lại dịch bệnh khi con người thực sự nhiễm virus.
Vaccine tạo ra kháng thể trung hòa, ngăn không để virus xâm nhập các tế bào và tự nhân bản. Kháng thể được tạo ra sẽ bám vào các gai protein của virus, khiến chúng không thể tấn công tế bào khỏe mạnh của con người.
Khi virus đột biến, các bộ phận trên gai protein cũng biến đổi theo. Những đột biến như vậy khiến kháng thể mà vaccine giúp tạo ra khó bám dính vào gai protein hơn, bởi kháng thể có nguy cơ không nhận ra những phần gai protein đã biến đổi.
Các loại vaccine nhắm tới phần lớn gai protein, vì vậy tới nay, các biến chủng trong đó có Delta chưa đột biến đủ nhiều để loại bỏ hoàn toàn khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch tạo ra nhờ vaccine.
Trên người đã tiêm đủ liều vaccine, số lượng kháng thể tạo ra ở mức cao giúp có đủ số kháng thể bám dính vào gai protein, ngăn chặn virus xâm nhập tế bào người.
Các nhà khoa học cho biết tiêm đủ hai liều là cần thiết, bởi kháng thể trung hòa không hoạt động đủ mạnh sau liều đầu tiên.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo