Châu Á - xứ sở sương khói
Dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2018 cho thấy cứ mỗi 10 người trên thế giới thì có đến 9 người phải hít thở không khí ô nhiễm. Và không nơi đâu khan hiếm không khí sạch hơn châu Á - xứ sở sương khói, theo nghĩa kém lãng mạn nhất của từ này.
Theo “Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2020” công bố hồi tháng 3 của IQAir, Nam Á là khu vực ô nhiễm nhất trên thế giới, với 42/50 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan. Các quốc gia này cũng vì thế chiếm 3 vị trí đầu trong danh sách các nước có không khí ô nhiễm nhất của IQAir, thế chỗ Trung Quốc các năm trước.
|
Người chơi cricket giữa trời mù mịt ở Kolkata (Ấn Độ). (Ảnh: Reuters) |
Bangladesh chiếm vị trí đầu trong xếp hạng của IQAir một phần là do hàng ngàn lò gạch đỏ lửa quanh năm trên khắp đất nước này. Trong vòng 5 năm qua, chính phủ đã đóng cửa khoảng 560 lò gạch, nhưng đây là trận chiến họ sẽ nắm phần thua, bởi đóng cửa nơi này thì cơ sở khác sẽ mọc lên ngay lập tức, theo Ziaul Haque, giám đốc quản lý chất lượng không khí của Bộ Môi trường Bangladesh.
Trong khi đó, Pakistan là nước ô nhiễm thứ hai trên thế giới vì các nhà máy nhiệt điện than. Cho đến năm 2016, nước này chỉ có 1 nhà máy nhiệt điện than, theo Nikkei Asia. Nhờ Sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc, 10 nhà máy nhiệt điện than với tổng trị giá 10,8 tỉ USD ra đời. Một nửa trong số đó đã đi vào hoạt động.
Financial Times dẫn lời một cố vấn năng lượng của chính phủ cho biết đến năm 2025, khoảng 50% năng lượng của nước này sẽ đến từ nguồn năng lượng tái tạo. Nhưng trước mắt Pakistan không thể đóng cửa các nhà máy điện than gây ô nhiễm không khí vì còn nợ tiền Trung Quốc.
Sẽ còn phải kể đến Indonesia, nơi vấn nạn cháy rừng là nguồn gây ra ô nhiễm xuyên biên giới khủng khiếp ở Đông Nam Á; Thái Lan, nơi thành phố du lịch Chiang Mai có tên trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới vài tháng trong năm do thói quen đốt nương rẫy của người dân để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo; hay Việt Nam - vương quốc của hơn 50 triệu xe máy, nguồn phát thải khổng lồ không khó để hình dung, chưa kể chuyện nhà máy điện than, thói quen đốt đồng tương tự các nước nói trên.
|
Đốt nương rẫy ở Thái Lan. (Ảnh: IQAir) |
“Vì ô nhiễm không khí là một vấn đề kinh niên ở châu Á, nhiều người trong khu vực, bao gồm cả một số chính trị gia, đã quyết định sống chung với nó như một cái giá cần thiết để theo đuổi sự phát triển - nhưng thực tế không phải thế” - Nikkei Asia dẫn lời Kakuko Nagatani-Yoshida, điều phối viên khu vực của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về hóa chất, chất thải và chất lượng không khí.
'Sát thủ thầm lặng'
Vào đầu năm nay, The Guardianđưa tin một người đàn ông châu Á, 40 tuổi, mắc bệnh hen suyễn đã “thoát” được lệnh trục xuất khỏi nước Pháp. Luật sư của người này lập luận rằng anh ta có nguy cơ tử vong sớm nếu trở về quê hương ô nhiễm của mình - Bangladesh.
Vụ việc này đã góp thêm một viên gạch cho phong trào ủng hộ “quyền được sống trong một môi trường trong lành”, đặc biệt là ở các nước có Luật sức khỏe và Luật môi trường kém phát triển hơn.
Không nhiều người được may mắn như vậy. Mỗi năm, khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong sớm do tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, theo WHO. Không như Covid-19, ô nhiễm không khí là một “sát thủ thầm lặng”; nó từ từ tấn công ta từ bên trong, trở thành nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tử vong, và chẳng ai nhắc đến tay sát thủ này trên giấy chứng tử!
|
Những công nhân phải làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm nặng nề. |
Vì thế, giới nghiên cứu khắp nơi không ngừng nỗ lực tìm kiếm những manh mối thuyết phục hơn về tác động của không khí bẩn lên sức khỏe con người, đặc biệt là 3 đối tượng: Phụ nữ mang thai, trẻ em và người lớn tuổi.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health vào đầu tháng 1, phụ nữ mang thai ở Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan có nguy cơ hư thai và thai chết lưu tăng cao nếu tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Một nghiên cứu hồi tháng 2 trên tạp chí Nature Scientific Reports cho biết những đứa trẻ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, chẳng hạn như khói từ đám cháy rừng và khí thải ôtô, dù chỉ trong một ngày, có thể mang nguy cơ mắc bệnh tim và các bệnh khác ở tuổi trưởng thành cao hơn.
Cuối cùng, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Aging, sử dụng dữ liệu từ gần 1.000 nam giới với độ tuổi trung bình là 69, không khí kém chất lượng, dù là tạm thời, có thể làm giảm trí nhớ và tư duy ở người lớn tuổi. Các nhà khoa học nhận thấy khi số lượng bụi mịn tăng đột biến, dù trong thời gian ngắn, cũng có hại cho sức khỏe não bộ. “Những tác động ngắn hạn này có thể đảo ngược: khi không khí trong lành trở lại, não của chúng ta khởi động lại và bắt đầu hoạt động theo mức ban đầu. Tuy nhiên, những phơi nhiễm nghiêm trọng hơn này nếu xảy ra nhiều lần sẽ gây ra thiệt hại vĩnh viễn” - Andrea Baccarelli, tác giả của nghiên cứu và là giáo sư khoa học sức khỏe môi trường tại ĐH Columbia (Mỹ), giải thích với The Guardian.
Các lệnh phong tỏa vô tình góp phần cải thiện chất lượng không khí ở nhiều nơi và trong nhiều tháng. Dẫu vậy, dữ liệu ở nhiều đô thị lớn tại châu Á cho thấy những trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí vẫn nhiều hơn số nạn nhân Covid-19.
Hãy nhìn vào New Delhi. Tính từ đầu năm đến ngày 9/5, thủ đô Ấn Độ đã xác nhận hơn 8.500 ca tử vong do virus corona, theo dữ liệu từ Trung tâm Khoa học hệ thống và kỹ thuật của ĐH Johns Hopkins, Mỹ. Trong cùng khoảng thời gian đó, bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra thiệt hại to lớn về con người và kinh tế của thành phố này, ước tính khoảng 23.000 sinh mạng và 3,4 tỉ USD.
Đây là số liệu cập nhật theo thời gian thực của một công cụ trực tuyến được phát triển bởi Tổ chức môi trường Greenpeace Đông Nam Á và Công ty đo lường chất lượng không khí IQAir. Năm ngoái, New Delhi cũng được IQAir trao “danh hiệu” thủ đô ô nhiễm nhất thế giới lần thứ 3 liên tiếp.
Rất nhiều nguồn lực trên thế giới đã được chuyển hướng để phục vụ cho việc dập dịch, trong khi ô nhiễm không khí vẫn là câu chuyện muôn thuở. Nhưng một khi các chính phủ không kiểm soát được ô nhiễm không khí, có hàng triệu người dân đang tiến gần đến những thương vong vốn có thể tránh khỏi.
Có thể kể ra 4 nhóm chất ô nhiễm phổ biến trong không khí: Bụi mịn (PM2.5, PM10) có thể xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch của ta; cacbon monoxit (CO) có thể gây đau đầu, ngạt thở do “chiếm” huyết sắc tố trong máu; cuối cùng là oxit nitơ và oxit lưu huỳnh có hại cho hô hấp, đồng thời dẫn đến việc hình thành mưa axit.
Các nguồn phát thải “nhân tạo” chủ yếu gắn với việc đốt cháy các loại vật chất khác nhau. Cần nhớ rằng, vật chất hữu cơ (rơm rạ) luôn có cacbon, không khí quanh ta luôn có nitơ và nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu) luôn có lưu huỳnh. Nên khí độc hại từ quá trình đốt là không thể tránh khỏi. Nắm được bản chất này, lần sau, chúng ta có thể cân nhắc kỹ hơn việc đốt cháy một thứ gì đó.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường