Đây là một trong những sự kiện hướng tới Hội nghị theo Mô hình Liên hợp quốc năm 2021 (Vietnam Model United Nations 2021) nhằm phổ biến kiến thức, giáo dục, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, sinh viên, và toàn thể cộng đồng xã hội theo quy định tại Điều 5, Điều 148, Điều 153, Điều 154, Điều 164, Điều 166, và Điều 168 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh toàn cầu.
Tới dự hội nghị có các đại biểu là học sinh từ các câu lạc bộ Mô hình Liên hợp quốc (MUN) và các trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trường THPT Nguyễn Siêu, Trường THPT Yên Hòa, Trường THPT Lương Thế Vinh, Vinschool the Harmony, Vinschool Times, St Paul American School (Trường Quốc tế Mỹ Hà Nội), Waterford, International School of Vietnam (Trường Quốc tế Việt Nam), British International School (BIS, Trường Quốc tế Anh Hà Nội), British Vietnamese International School (BVIS, Trường Quốc tế Việt - Anh) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, bạn Nguyễn Đình An, Chủ tịch CLB Trường học xanh Việt Nam cho biết Mô hình Liên hợp quốc, còn được gọi là Mô hình UN hoặc MUN là mô hình mô phỏng hội nghị của Liên hợp quốc nhằm giáo dục học sinh, sinh viên về kỹ năng ngoại giao, đàm phán, thuyết phục để giải quyết một vấn đề cụ thể mang tính toàn cầu. Tại hội nghị MUN Việt Nam 2021, học sinh, sinh viên đảm nhận vai trò của một quốc gia, một tổ chức hoặc một cá nhân thảo luận và cộng tác với các đại biểu khác từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết vấn đề về thúc đẩy Mô hình Kinh tế Tuần hoàn theo quy định của Điều 54, Điều 55 và Điều 142 Luật Bảo vệ Mô trường năm 2020 trong lĩnh vực rác thải điện, điện tử.
|
Em Nguyễn Đình An, Chủ tịch CLB Trường học xanh Việt Nam. |
Phiên họp được điều hành bởi Hà Phương Anh, Trần Thị Quỳnh Trâm, và Lê Minh Khuê. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi các nội dung về Mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện, điện tử. Tốc độ phát triển công nghệ và tốc độ tiêu thụ các thiết bị điện không ngừng tăng nhanh, Rác thải Thiết bị Điện và Điện tử (WEEE), hay còn gọi là Rác thải điện tử, đã trở thành một trong những dòng chất thải phát triển nhanh nhất. Do sự đa dạng của các sản phẩm và hỗn hợp phức tạp của các nguyên liệu của mỗi sản phẩm, quản lý chất thải cho WEEE có thể được coi là một trong những công việc phức tạp nhất. Các đại biểu sẽ đại diện cho các Quốc gia thành viên trong Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc để giải quyết các thách thức và giải pháp liên quan đến quản lý Chất thải điện tử thông qua thực thi Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 về thúc đẩy Kinh tế Tuần hoàn và thực hiện Trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng (EPR).
Thảo luận sẽ tiếp tục diễn ra trong sáng ngày 17/10/2021 để thống nhất dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy Mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện, điện tử. Chiều ngày 17/10/2021, Hội nghị sẽ thống nhất và ra tuyên bố chung về Nghị quyết thúc đẩy Mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện, điện tử.
|
Các đại biểu thảo luận sôi nổi các nội dung về Mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong lĩnh vực rác thải điện, điện tử. |
|
Mô hình Liên hợp quốc năm 2021 (Vietnam Model United Nations 2021) do Trường học xanh Việt Nam (Green School Vietnam) tổ chức trong khuôn khổ dự án “Giáo dục lối sống bền vững cho học sinh Việt Nam” được Tổ chức Môi trường Liên hợp Quốc và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tài trợ tập trung vào nội dung thúc đẩy Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo quy định tại Điều 54, Điều 55 và Điều 142.
Mô hình Liên hợp quốc bắt đầu như một loạt các mô phỏng Mô hình Quốc Liên (Model League of Nations ) do sinh viên lãnh đạo. Các mô phỏng đầu tiên được gọi là “Hội đồng quốc tế”, lần đầu tiên được tổ chức tại Đại học Oxford vào tháng 11 năm 1921. Sau một số hội nghị mô phỏng ở Oxford, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Quốc tế Oxford, Mir Mahmood, đến Harvard vào năm 1922 để giúp truyền bá ý tưởng tổ chức Mô hình Quốc Liên, được tổ chức lần đầu tiên tại Đại học Harvard vào năm 1923.
Green School Việt Nam được thành lập nhằm tuyên truyền, phổ biến, giúp học sinh Việt Nam tiếp cận với chuẩn mực Giáo dục Công dân Toàn cầu (GCED) của UNESCO. Green School Việt Nam trao quyền cho học sinh trở thành 'công dân toàn cầu', có khả năng đảm nhận các vai trò tích cực, ở cả địa phương và toàn cầu, đối mặt và giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời đóng góp tích cực vào một thế giới công bằng, hòa bình, khoan dung, hòa nhập, an toàn và bền vững. Trường học Xanh Việt Nam thúc đẩy Tiêu dùng và Sản xuất Bền vững theo Khung Chương trình 10 Năm về Tiêu dùng và Sản xuất bền vững (10YFP), thực hiện Lối sống và Giáo dục Bền vững (SLE) để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững tại các trường học trên khắp hành tinh của chúng ta.
Giáo dục bền vững đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc nâng cao nhận thức, đào sâu kiến thức và xây dựng năng lực hướng tới cuộc sống bền vững ở cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương. Ngày càng có nhiều chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hoặc chương trình giáo dục môi trường để phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường đã cụ thể hóa nội dung về Giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng về bảo vệ môi trường tại Điều 153, và Truyền thống, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường tại Điều 154. Nhiều sáng kiến cũng đã được xây dựng với hy vọng thu hút giáo viên và học sinh, sinh viên tìm hiểu sâu hơn và thực hành về lối sống bền vững, coi đây là một phần cốt lõi của cuộc sống hàng ngày.
Trong khi việc thực thi các khuôn khổ pháp luật hoặc chiến lược thay đổi lối sống theo hướng bền vững và bao trùm vẫn còn là một thách thức, các cuộc thảo luận theo Mô hình Liên hợp quốc và phát triển năng lực mang đến cơ hội tiếp thêm sinh lực để thu hút tập thể sư phạm tại các trường phổ thông, đại học và toàn thể cộng đồng xã hội hướng tới việc xanh hóa môi trường giáo dục và học tập.
Với dân số trẻ và đang gia tăng, Việt Nam cần đảm bảo rằng học sinh, sinh viên hiểu và có lối sống bền vững. Mặc dù Việt Nam đã đưa giáo dục môi trường vào chương trình giảng dạy ở trường học, nhưng chìa khóa để nâng cao nhận thức hơn nữa về cốt lõi của phát triển bền vững là đưa học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động thực tiễn sử dụng sự sáng tạo của họ trong khi thay đổi hành vi của bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội. Hội nghị theo Mô hình Liên hơp quốc 2021 là một phần của chiến dịch nâng cao nhận thức được phát triển và thực hiện nhằm khuyến khích nhiều học sinh và cộng đồng tham gia vào Green School Việt Nam và đưa lối sống bền vững vào cuộc sống hàng ngày của các em.