Vắc xin Nano Covax ngừa COVID-19 là vắc xin đầu tiên của Việt Nam được cấp phép tiêm thử nghiệm trên người. Sau 72 giờ tiêm cho 3 tình nguyện viên đầu tiên, các chỉ số vaccine an toàn với người.
Chiều 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã nghe lãnh đạo Bộ Y tế, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) báo cáo về tiến độ thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax.
Sau 3 ngày tiêm thử nghiệm đầu tiên, 3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm thử đều có sức khỏe ổn định. 3 người gồm 2 nữ và 1 nam cho biết trong thời gian theo dõi đều ăn ngủ tốt, không gặp bất cứ phản ứng nào. Mũi tiêm thứ 2 được tiến hành sau mũi tiêm đầu tiên 28 ngày.
|
Nam sinh viên này là người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax |
Chiều cùng ngày Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tới thăm 3 tình nguyện viên đầu tiên tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 Nano Covax. Cả ba sau đó sẽ được đưa về theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú.
Vì 3 người đầu tiên không có phản ứng bất thường nên dự kiến ngày hôm nay 21/12, Học viện Quân Y tiếp tục tiêm thử nghiệm cho các tình nguyện viên khác.
Theo kế hoạch ban đầu, quá trình thử nghiệm sẽ trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ tiêm trên 60 người được chia làm 3 nhóm với 3 liều tiêm khác nhau (25 mcg- 50mcg-75mcg). Mục tiêu của giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn của vắc xin.
Tất cả người tham gia nghiên cứu giai đoạn 1 sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắc-xin khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Để bảo đảm tính an toàn cho người tham gia nghiên cứu, giai đoạn thu tuyển 60 người tham gia đánh giá an toàn theo thiết kế dò liều tăng dần.
Cụ thể, 3 tình nguyện viên đầu tiên được tiêm ở liều 25 mcg/mũi tiêm và theo dõi trong vòng 72 giờ. Sau 3 ngày nếu kết quả an toàn sẽ tiếp tục tiêm liều 50 mcg/mũi cho 3 người tiếp theo. 72 giờ sau đó tiêm liều 75 mcg/mũi tiêm cho 3 người lượt thứ ba.
Giai đoạn 2 sẽ tiêm sau khi giai đoạn 1 tiến hành an toàn, thành công, tiêm trên 400-600 người để xác định liều tiêm tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ tiêm trên ít nhất 1.500-3.000 người, có thể mở rộng ra 10.000 đến 30.000 người. Giai đoạn 3 mục tiêu phải đánh giá được tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực của vắc xin.
|
Một trong hai nữ tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin |
Sau kết quả thử nghiệm trên 3 tình nguyện viên đầu tiên, Bộ Y tế tạo mọi điều kiện tối đa để rút ngắn thời gian thực hiện các giai đoạn thử nghiệm so với điều kiện bình thường nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các bước, an toàn, khoa học.
Đến thời điểm hiện tại, đại diện Bộ Y tế, Học Viện Quân y cho biết các chỉ số cho thấy vắc xin an toàn với người. Đồng thời, qua quá trình rà soát hồ sơ, kết quả tiền lâm sàng tiêm trên chuột, khỉ, các nhà chuyên gia hy vọng sau khi tiến hành giai đoạn 2, giai đoạn 3, tính sinh miễn dịch của vắc xin sẽ được đánh giá đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc triển khai các giai đoạn thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 phải được tiếp tục với tinh thần tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, an toàn nhưng phải khẩn trương. "Nếu thử nghiệm thành công đây không chỉ là niềm tự hào của giới khoa học sức khỏe hay của ngành y tế mà thực sự là một công cụ phòng chống dịch hữu hiệu".
Từ kinh nghiệm sản xuất các bộ sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng đề nghị đơn vị nghiên cứu, sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ KH&CN cùng các đơn vị liên quan) cần bàn bạc, thảo luận kỹ trên tinh thần khoa học, cầu thị và "chạy đua với thời gian"; đồng thời cần tiếp tục chuẩn bị điều kiện cần thiết cho các bước tiếp theo khi thử nghiệm thành công. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tính đến cả trường hợp tốt lẫn tình huống xấu.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục liên hệ với các đối tác để có vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất theo phương án hoặc mua hoặc sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết hiện nay giá bán vắc xin trên thế giới rất cao, nguồn cung còn hạn chế, vì vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước là rất cần thiết.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam