Chủ tịch FLC: Nền kinh tế không đứt gãy thì chúng ta mới đủ sức chống dịch

DOANH NHÂN VN 09:45 12/09/2021

Theo ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC, trong trường hợp dịch có thể còn kéo dài, việc sớm tìm ra các giải pháp để vừa chống dịch, vừa duy trì nguồn lực kinh tế là vô cùng cần thiết.

Kinh tế nguồn lực lâu bền chống dịch

Covid-19 có thể trở thành một phần "tất yếu" của cuộc sống. Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh chết người này không ngừng biến đổi và thách thức mọi nỗ lực của con người, khiến những hy vọng trước đây về việc xóa sổ hoàn toàn đại dịch đang dần phai nhạt.

Ngày 8/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận rất khó xóa bỏ dịch Covid-19, virus đã thâm nhập sâu trong cộng đồng và sẽ tồn tại lâu dài. Như vậy, WHO đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với Covid-19”. Trên thực tế, đang ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ xoay trục chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng này.

Phát biểu mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng nhấn mạnh, phải nhận thức rõ tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh.

"Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên", Thủ tướng nêu rõ.

Chia sẻ trên trang trang mạng xã hội cá nhân của mình về vấn đề này, Chủ tịch FLC, Trịnh Văn Quyết cho rằng, trong trường hợp dịch có thể còn kéo dài, cá nhân ông nghĩ rằng việc chúng ta sớm tìm ra các giải pháp để vừa chống dịch, vừa duy trì nguồn lực kinh tế lúc này là vô cùng cần thiết.

Phủ vắc xin bằng tất cả giải pháp nhanh nhất có thể, bằng tất cả các loại vắc xin đã được Nhà nước phê chuẩn, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn, nhằm giảm thiểu nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng: "Vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất!".

Bên cạnh đó, sớm đưa ra một hệ thống các tiêu chí hoạt động có tính khoa học và định lượng, để doanh nghiệp nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung có thể căn cứ vào "hành lang" rành mạch và rõ ràng đó để nỗ lực hoạt động an toàn trong hoàn cảnh còn dịch. Bởi khi chống dịch là lâu dài, thì chỉ với nền kinh tế không đứt gãy, chúng ta mới có đủ nguồn lực lâu bền chống dịch.

Doanh nghiệp đồng lòng chống dịch

Trong bối cảnh hàng loạt ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, sự đồng hành của các doanh nghiệp đã trở thành một trong những bệ đỡ quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Đơn cử như FLC, tính riêng trong hơn một năm trở lại đây, doanh nghiệp này đã hỗ trợ hàng loạt tỉnh thành, địa phương trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh, bão lũ, thiên tai… như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Giang, Quảng Bình, Phú Thọ, Bình Định, Quảng Trị, Bến Tre… Ước tính FLC hỗ trợ hơn 150 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, vật tư chống dịch; ủng hộ các tỉnh miền Trung chống lũ; đóng góp xây dựng đường xá, trao học bổng và ủng hộ các quỹ khuyến học, quỹ xây dựng nhà tình nghĩa… trên cả nước.

“Sự hỗ trợ quý báu của các tập đoàn, doanh nghiệp thực sự hiệu quả, góp phần vào thành công cho cuộc chiến phòng chống dịch ở nước ta. Chúng tôi mong muốn các đơn vị tiếp tục đồng hành với ngành y tế và cả nước trong cuộc chiến chống Covid-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Ở lĩnh vực công nghệ, năm 2020, FPT đã hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam xây dựng Trợ lý ảo nCov, giúp tự động giải đáp hơn 1 triệu câu hỏi về dịch bệnh của người dân; đồng thời hỗ trợ học sinh của 15.000 trường trên toàn quốc học tập trực tuyến miễn phí trong giai đoạn cách ly…

Hay Viettel, với hàng loạt giải pháp “thần tốc” như: Xây dựng App Sức khỏe Việt Nam chỉ trong vòng 6 ngày; xây dựng hệ thống “Tờ khai y tế điện tử” chỉ trong 2 ngày; hỗ trợ điều tra truy vết F0 theo số điện thoại; hoàn thành kết nối hệ thống Telehealth tới hơn 1.000 cơ sở y tế chỉ trong vòng 45 ngày….

Các hãng hàng không cũng là lĩnh vực đã có nhiều hành động thực tiễn để chung tay cùng cộng đồng trong thời gian qua với những cái tên đầu ngành như Vietnam Airlines, Bamboo Airways hay Vietjet… Đây đều là những đơn vị có các chính sách linh hoạt theo từng giai đoạn để hỗ trợ hành khách như hoàn huỷ vé; thực hiện giãn cách về chỗ ngồi, điều chỉnh về dịch vụ để đảm bảo an toàn tối đa theo khuyến nghị của cơ quan chức năng.

Quan trọng hơn, hàng ngàn chuyến bay hồi hương công dân mắc kẹt tại khắp thế giới cũng đã được ngành hàng không thực hiện thành công với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả chi phí và nguồn lực.

Đại diện Bamboo Airways cho biết, từ 2020, hãng đã vận chuyển gần 8.500 hành khách là các công dân nước ngoài (Litva, Séc, Anh, Ý, Hàn Quốc) và công dân Việt Nam (từ Philipines, Kuwait, Qatar, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn Quốc, Úc) hồi hương.

Bamboo Airways cũng đã chuyên chở gần 200 tấn hàng hóa vật tư y tế đến các nước Anh, Đức, Séc… Tại Việt Nam, hãng thường xuyên tiếp nhận và vận chuyển miễn phí các trang thiết bị y tế cũng như tài trợ hàng ngàn vé khứ hồi cho đội ngũ y bác sỹ, thiện nguyện…để chi viện cho các tỉnh thành ở nhiều thời điểm thiên tai hay dịch bệnh bùng phát.

Bên cạnh các chính sách cho khách hàng Việt Nam, một hãng bay khác là Vietjet còn gây chú ý với việc gửi tặng hàng triệu khẩu trang y tế tới nhiều điểm nóng về dịch bệnh như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… để góp phần chung tay với người dân thế giới trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27 tháng 11 năm 1975. Quê quán tại Vĩnh Phúc. Về trình độ học vấn, ông có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh và Cử nhân Luật.

Hiện nay, ông giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways. Ngoài ra, ông cũng là Thành viên HĐQT của Công ty TNHH Bất động sản SGInvest và là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Luật SMiC.

Về tài sản, năm 2019, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã có lúc lên trên 20,5 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam.

Hiện nay, là đại gia nổi tiếng trong ngành bất động sản, ông Quyết đang xếp thứ 33 trên TOP 200 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với 4,148.9 tỷ VNĐ. Trong đó, ông sở hữu các mã cổ phiếu như sau:

Mã cổ phiếu FLC với số lượng 215,436,257 và giữ tỷ lệ 30.34% tới thời điểm 03/03/2021, có trị giá lên tới 2,596.0 tỷ VNĐ.

Mã cổ phiếu GAB của Công ty Cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC với số lượng 7,050,000 và giữ tỷ lệ 51.09% tới thời điểm 06/11/2020, có trị giá lên tới 1,362.1 tỷ VNĐ.

Mã cổ phiếu ART của Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS với số lượng 3,156,000 và giữ tỷ lệ 03.26% tới thời điểm 31/12/2019, có trị giá lên tới 31.9 tỷ VNĐ.

Mã cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros với số lượng 23,717,556 và giữ tỷ lệ 04.18% tới thời điểm 10/06/2020, có trị giá lên tới 158.9 tỷ VNĐ.

Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch FLC: Nền kinh tế không đứt gãy thì chúng ta mới đủ sức chống dịch tại chuyên mục Góc nhìn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Góc nhìn
Tin tức mới nhất