'Khi sự việc xảy ra, ngân hàng chưa có động thái nào'
Liên quan tới sự việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) thừa nhận "vỡ trận", dừng chi trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng từ ngày 1/1/2020, dư luận đang đặc biệt quan tâm tới TS. Toán học Mai Huy Tân - Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt và cũng chính là vị khách hàng từng bỏ 600 tỷ đồng mua các sản phẩm bất động sản của Thành Đô (Empire Group) tại Cocobay Đà Nẵng.
Trao đổi trên vnexpress, ông Mai Huy Tân, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức cho biết cụ thể rằng năm 2016, công ty ông mua 24 toà Boutique Hotel cao 7 tầng, giá 12-19 tỷ đồng, được cam kết lợi nhuận là 12,5% mỗi năm và 8 biệt thự có giá 24 tỷ đồng mỗi căn nằm trong khu Nam An, được cam kết lợi nhuận 10% mỗi năm. Ngoài ra còn 10 căn condotel có giá 1,3-1,4 tỷ đồng với mức cam kết được chủ đầu tư quảng cáo khi bán hàng là 12%.
|
Ông Mai Huy Tân, Nhà sáng lập xúc xích Đức Việt, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức. |
Trong số tiền 600 tỷ đồng đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng đó, ông Tân đã vay thêm 400 tỷ của ngân hàng SHB. Tại dự án này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là ngân hàng tài trợ vay vốn với chủ đầu tư triển khai dự án.
Ông Tân khẳng định, ông quyết định mua Cocobay vì ông tin vào hai người bạn là ông Nguyễn Đức Thành và ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ngân hàng SHB.
Trả lời trên tờ Trí Thức Trẻ vừa qua, ông Tân cũng cho biết: "Khi đó, anh Thành có nói tôi mua dự án đi, rất đảm bảo. Anh Thành cũng sắp xếp cuộc gặp 3 bên, với sự tham gia của Chủ tịch Ngân hàng SHB Đỗ Quang Hiển để thuyết minh đây là một dự án tốt, không có rủi ro. Ông Hiển cũng trấn an tôi rằng đã ngân hàng sẽ giữ hộ tài sản. Tuy nhiên, đến giờ khi sự việc xảy ra, phía ngân hàng chưa có động thái nào.
Giám đốc HĐQT Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức cũng nêu trách nhiệm của Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) khi khẳng định rằng: "Nếu mọi thứ trôi chảy, tôi tin rằng, quyết định đầu tư của tôi là đúng đắn. Nhưng đứt gánh giữa chừng, Thành Đô và SHB phải có nghĩa vụ cùng giải quyết", TS Mai Huy Tân bày tỏ quan điểm.
Thế nhưng mâu thuẫn ở chỗ ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch Empire Group lại khẳng định chính ông Mai Huy Tân mới là người đến tìm ông để xin được đầu tư vào dự án Cocobay Đà Nẵng thông qua một đại lý bán hàng.
"Tôi có nói với ông Tân rằng với danh nghĩa là một người em quen biết từ lâu thì tôi cam kết rằng nếu đầu tư vào Cocobay thì ông sẽ không mất tiền, nếu mất tôi đền. Sau đó, ông Tân có nhờ tôi đưa lên gặp ông Hiển để xin vay vốn ngân hàng và cũng nhờ tôi tác động để được vay với lãi suất tốt nhất đến nỗi ngân hàng gần như không có lãi", ông Thành nói.
Trả lời với báo chí, ông Thành khẳng định mình đã thông tin đầy đủ cho ông Tân về các phương án giải quyết với trường hợp của ông Tân khi Cocobay 'vỡ trận'. Ông Thành cho biết khi đưa ra phương án thanh lý hợp đồng, ông Tân quyết định không thanh lý mà thay vào đó sẽ nhận tài sản và tự tổ chức kinh doanh. Vì vậy, ông Thành không hiểu tại sao ông Tân lại phát ngôn như vậy?
Trong khi đó, theo tờ Nhịp Sống Kinh Tế, ông Mai Huy Tân tiếp tục thông tin rằng Chính chủ tịch Thành là người sắp xếp cho ông gặp chủ tịch SHB. Cuộc gặp giữa ông - chủ tịch Thành – chủ tịch SHB diễn ra tại trụ sở ngân hàng số 77 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Vị khách 600 tỷ đồng này cho rằng, đã mất 3 lần thông qua thư ký của ông Thành để xin lịch gặp thì đến 20/11 anh Thành mới tiếp.
"Cuộc gặp rất ngắn ngủi và anh Thành chỉ trả lời là "Thôi bây giờ thanh lý hợp đồng đi anh". Anh ấy không tôn trọng một người già hơn 70 tuổi và cũng là người đã góp hơn 600 tỷ vào năm 2016 để mua 42 bất động sản ở Cocobay Đà Nẵng", ông Tân nói.
Sau cuộc gặp ngày 20/11, hai bên đã cam kết sẽ có thông báo bằng văn bản vào ngày 22/11. Tuy nhiên, ông Tân nói rằng đến tận ngày 25/11 mới nhận được thông báo số 233 về việc chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết 12%. Nhà sáng lập xúc xích Việt Đức bức xúc cho rằng đấy là biện pháp đơn phương, áp đặt một chiều.
Phía ngân hàng SHB phản hồi gì?
Từ năm 2016, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn The Empire và trở thành Ngân hàng độc quyền cho vay mua Bất động sản dự án CocoBay Đà Nẵng. Như vậy, khách hàng muốn vay mua sản phẩm của CocoBay Đà Nẵng hầu như sẽ tìm đến SHB.
Chia sẻ với VnExpress, với tư cách là đơn vị tài trợ vốn cho dự án, phía Ngân hàng SHB cho biết, theo Luật nhà ở, các dự án khi triển khai bán hàng phải được nhà băng bảo lãnh bàn giao nhà. SHB là ngân hàng bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà của dự án này và đến nay các căn hộ đã được bàn giao theo đúng tiến độ của hợp đồng mua bán.
Đơn vị này cũng khẳng định, quyền kinh doanh là của chủ đầu tư. Thỏa thuận giữa Empire Group với khách hàng cũng như quyền kinh doanh của chủ đầu tư đều thực hiện theo Luật doanh nghiệp và Luật Dân sự.
Do đó, theo đại diện SHB, việc giải quyết các vấn đề khúc mắc, các thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của hai bên. Tuy nhiên, đơn vị này cũng sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Tuy nhiên trước đó, chia sẻ với Infornet, ông Nguyễn Hải Long, người đã bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào Cocobay Đà Nẵng, hiện đang là đại diện cho gần 700 chủ sở hữu phản ánh rằng hiện nay các chủ sở hữu đang phải trả lãi vay ngân hàng từ 13,4 – 13,7%/năm, thậm chí có trường hợp cao hơn và đây thực tế đây là mức lãi suất khá cao.
Trong khi đó, một phần rất lớn các chủ sở hữu đã vay SHB để mua căn hộ tại Cocobay, khi nộp đủ tối thiểu 95% tổng giá trị hợp đồng, họ sẽ đủ điều kiện được chủ dự án chi trả khoản thu nhập cam kết về lợi nhuận 12%/năm khi cho thuê lại chính tài sản đã mua từ chủ đầu tư. Nhưng hiện tại, Cocobay "vỡ trận", lợi nhuận cam kết dừng chi trả trong khi khách hàng vẫn phải trả lãi ngân hàng khiến các chủ sở hữu lao đao.
“Khi luồng tiền không đáp ứng, tôi đã đại diện cho các chủ sở hữu gửi công văn tới Ngân hàng SHB từ ngày 18/9 để đề nghị cùng nhau đưa ra giải pháp đối với các khoản vay nợ nhưng ngân hàng vẫn chưa có phản hồi nào”, ông Long thông tin thêm.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ