Bài 8: Thấy gì từ việc Ngân hàng OCB phát hành khối lượng trái phiếu lớn?

DOANH NHÂN VN 11:48 09/10/2021

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu là do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Tại báo cáo thị trường trái phiếu tháng 8, Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) cho biết, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về khối lượng phát hành trái phiếu trong tháng 8 với giá trị phát hành là 10.854 tỷ đồng, chiếm 41,6% tổng giá trị phát hành. Trong đó bao gồm 2.324 tỷ đồng trái phiếu phát hành tăng vốn cấp 2 của BIDV, Vietinbank, VIB, MB và Viet Capital Bank.

Đáng chú ý, một số ngân hàng có khối lượng phát hành lớn bao gồm: VPBank (2.630 tỷ), OCB (2.000 tỷ), SHB (1.400 tỷ), đều là các trái phiều kỳ hạn 2 - 4 năm, lãi suất cố định 3,5% - 4,2%/năm.

Tại ngân hàng OCB có hơn 15.377 tỷ đồng trái phiếu lưu hành (chủ yếu là trái phiếu từ 12 tháng đến 5 năm), tăng 28% so với đầu năm, tương đương từ đầu năm đến hết tháng 6/2021, OCB đã có thêm 3.400 tỷ đồng trái phiếu lưu hành.

Bên cạnh việc phát hành trái phiếu, ngân hàng OCB cũng có kết quả kinh doanh khả quan khi tại báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021, OCB đạt 2.661 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của OCB đạt 4.249 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng tăng 21,6%, đạt 2.800 tỷ nhờ biên lãi suất NIM liên tục duy trì ở mức cao 3,86% theo định hướng bán lẻ, cho vay tiêu dùng và cơ cấu tài sản đầu tư chủ động phù hợp với diễn biến thị trường.

Thu thuần ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn 24% trên tổng thu ngoài lãi, tương đương 351 tỷ đồng nhờ tăng trưởng mạnh hoạt động bảo hiểm Bancas, thu từ phí thẻ và các hoạt động tư vấn khác.

Với những kết quả khả quan từ hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong nửa đầu 2021, mảng này duy trì đóng góp 57% thu ngoài lãi, tương đương 827 tỷ đồng.

Với những kết quả khả quan trên, nguồn thu của OCB được đa dạng hóa và tỷ lệ thu thuần ngoài lãi trên tổng thu thuần đạt 34,1%.

Về hiệu quả hoạt động, trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của OCB thuộc trong nhóm thấp nhất toàn ngành khi giảm còn 28,1% từ mức xấp xỉ 30% trong cùng kỳ năm ngoái nhờ năng suất lao động được tối ưu hóa do tăng cường đầu tư công nghệ.

Từ đó, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng tăng trưởng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.661 tỷ đồng và tương đương 48% kế hoạch năm.

Tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản OCB đạt 167.142 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu là do nhu cầu tăng vốn trung, dài hạn và tăng vốn cấp 2 để đảm bảo yêu cầu an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, một số ngân hàng đang thừa vốn, khó tăng trưởng cho vay, nên tìm đến các kênh đầu tư khác, trong đó có trái phiếu.

Chân dung ông chủ của OCB

Ông Trịnh Văn Tuấn sinh ngày 28/11/1965 tại Hòa Bình. Tốt nghiệp đại học Bách khoa Hà Nội loại giỏi, trở thành nghiên cứu sinh viện Bách khoa Warsaw (Ba Lan), ông có mặt tại Đông Âu đầu thập niên 1990, đúng thời điểm diễn ra các chuyển biến chính trị, kinh tế sâu sắc.

Nhận ra khoảng trống trên thị trường, ông đưa vải, quần áo từ Việt Nam sang bán tại Ba Lan. Ban đầu, việc kinh doanh nhỏ, hàng hóa được gửi qua đường bưu điện, sau tăng dần hàng hóa theo đường hàng không. Bán sỉ vẫn lời 2-3 lần, có chút vốn, ông đẩy nhanh tốc độ quay vòng, hàng hóa được vận chuyển bằng container.

Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, ông Tuấn mau chóng phất lên và tích lũy được một triệu đô la Mỹ đầu tiên vào năm 1993. Việc kinh doanh phát đạt, hàng hóa cũng dần đa dạng hơn, quần áo sản xuất ngoài Việt Nam còn nhập hàng từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào thị trường Đông Âu.

Giai đoạn 1994–1996, có năm cao điểm ông đã nhập đến 500 container hàng hóa. Hàng nhập trong kho ngoại quan, nhập vào Ba Lan thì đóng thuế, phần còn loại tỏa đi các nơi Moscow (Nga), Kharkov (Ukraina), Sofia (Bulgaria), Budapest (Hungary), Praha (Czech)…

Năm 1999, ông xây trung tâm thương mại rộng 6 héc ta dành cộng đồng người Việt kinh doanh, một trong các trung tâm thương mại lớn nhất thời điểm đó tại thủ đô Warszawa. Năm 1996, ông Tuấn góp vốn thành lập ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB).

Trong 6 năm là thành viên hội đồng quản trị nhà băng này, giống như các doanh nhân khác, ông chủ yếu kinh doanh ở Đông Âu, 2 – 3 tháng bay về Việt Nam họp hội đồng quản trị. Việc thiếu một linh hồn dẫn dắt khiến ngân hàng này phát triển èo uột. Sau nhiều lần họp bàn và phân công giữa các cổ đông sáng lập, năm 2002, ông Tuấn quyết định lãnh trách nhiệm gắn bó với VIB dù hoạt động kinh doanh ở Đông Âu đang tốt.

“Người Việt về Việt Nam là đúng. Kiếm tiền ở đâu cũng là kiếm tiền, quan trọng nhất làm nên một cái gì đó cho mình, cho gia đình mình và xã hội,” ông nói.

Vị đại gia gốc Hòa Bình gắn bó với VIB từ ngày đầu, trực tiếp tham gia HĐQT 5 khóa đầu tiên, trong đó có có 6 năm giữ vị trí Chủ tịch (từ 2002 - 2008). Đến ĐHĐCĐ lần thứ 12 năm 2008 của VIB, ông Tuấn tiếp tục được tín nhiệm bầu tham gia HĐQT khóa V (2008-2013), nhưng không còn làm Chủ tịch HĐQT, nhường lại vị trí Tổng Giám đốc Hàn Ngọc Vũ thay thế.

Trong thời gian đó từ ngân hàng nhỏ chưa có tên tuổi, VIB lột xác trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vị thế. Các hoạt động kinh doanh tại Ba Lan giảm dần theo thời gian, ông bán tài sản cho các đối tác. Ông nói: “Quan điểm của tôi làm cái gì cũng phải tập trung. Không tập trung thì mức cạnh tranh xuống thấp, xuống một mức nào đó thì phải cắt bỏ.”

Theo tìm hiểu, ông Tuấn lập gia đình với bạn gái cùng khóa, người theo ông sang Ba Lan từ đầu những năm 1990. Khi về Việt Nam họ chọn sống ở TP.HCM nhưng trụ sở VIB đặt tại Hà Nội. Trong tám năm trời, ông Tuấn bay đi bay về giữa Hà Nội – TP.HCM hằng tuần.

Duyên nợ của ông Tuấn với VIB chấm dứt vào năm 2010. Sự mệt mỏi cộng với quan điểm khác biệt với cổ đông lớn khác về hướng phát triển VIB, ông Tuấn quyết định thôi vai trò điều hành tại nhà băng này, bất chấp việc ông từng sở hữu 23% cổ phần (tại thời điểm quy định cho phép). Số cổ phần của ông được bán rải rác và phần lớn được thoái ở giai đoạn 2017–2018 khi VIB giao dịch trên sàn UPCoM.

Sau lần “chinh đông” đầu tiên – khởi nghiệp kinh doanh thành công ở Đông Âu, 20 năm sau ông Tuấn có cuộc “chinh đông” lần thứ hai khi tham gia điều hành OCB. Cuộc chinh “đông” lần này không dễ dàng. Ngoài việc lèo lái đưa ngân hàng vượt qua khủng hoảng hệ thống, xây dựng nền móng, tạo đà phát triển ông Tuấn còn phải giải quyết nhiều bài toán khó phát sinh, trong đó có vấn đề cổ đông chiến lược.

Ông lần lượt trải qua các chức Phó Chủ tịch ngân hàng vào năm 2011, sau đó đến tháng 5/2012 ông Tuấn trở thành Chủ tịch HĐQT, cương vị cao nhất tại OCB cho đến thời điểm hiện tại.

OCB dưới thời ông Trịnh Văn Tuấn tuy chưa phải nhà băng cỡ "khủng" nhưng được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất trong những năm gần đây. Lợi nhuận trước thuế năm ngoái của ngân hàng đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận bình quân ROAA và ROEA đạt 2,61% và 24,42%. Ngân hàng theo đó nằm trong top 10 các NHTM cổ phần về lợi nhuận và nằm trong top 4 ngân hàng hiệu quả nhất Việt Nam được chứng bởi tạp chí Forbes.

Trước đó, cuối năm 2018, OCB từng gây bất ngờ khi được ngân hàng Nhà nước công nhận là một trong ba ngân hàng đầu tiên hoàn thành các hạng mục quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Tuân theo định hướng phát triển đặt nặng về an toàn, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của OCB đạt 11,2%, cao thứ hai trong danh sách. Tỉ lệ nợ xấu đạt 1,46%, tương đương với mức bình quân chung.

Ngân hàng đã được xếp hạng tín dụng ở mức Ba, thuộc hàng tốt nhất trong các nhà băng tại Việt Nam hiện nay. Các tiêu chí được Moody's - một trong những tổ chức uy tín nhất thế giới đánh giá về OCB.

Tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.128 tỷ, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019.

Kết quả kinh doanh ấn tượng đang tạo tiền đề để OCB niêm yết vào ngày 28/1/2021 trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE). Giá chào sàn của OCB là 22.900 đồng, tương đương mức vốn hóa thị trường của ngân hàng vào khoảng 25 nghìn tỷ đồng.

Trong Đại hội đồng cổ đông vừa qua, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.500 tỉ đồng, cao hơn 25% so với kết quả năm trước. Ông Trịnh Văn Tuấn cam kết trước HĐQT và cổ đồng rằng ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao như nhiều năm vừa qua và tiếp tục giữ phong độ trong nhóm đầu về hiệu suất sinh lời.

Hiện OCB vẫn đang nỗ lực để hoàn thiện và phát triển hơn nữa, bởi trong một lần trả lời phỏng vấn trước báo giới, vị Chủ tịch HĐQT của ngân hàng thừa nhận: "Quy mô của OCB còn khá khiêm tốn, đây là sự trăn trở rất lớn của hội đồng quản trị".

Ngoài lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp liên quan đến gia đình ông Tuấn cũng để lại dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản thông qua công ty Hướng Việt với dự án the Metropole Thủ Thiêm – một trong những dự án đẹp nhất tại KĐT Thủ Thiêm, tổng diện tích khoảng 7,6 ha với mức đầu tư 7.300 tỷ đồng.

Liên quan đến việc phát hành trái phiếu, mới đây, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) đã đưa ra thông báo với các nhà đầu tư về rủi ro của các trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Trái phiếu cần được đánh giá, phân tích trên các khía cạnh về lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, mục đích sử dụng vốn, chất lượng tài sản đảm bảo cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Đặc biệt, trong trường hợp “lách” quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng hình thức mua trái phiếu thông qua các hợp đồng đầu tư với công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ không phải là chủ sở hữu trái phiếu và không được bảo đảm các quyền lợi đối với trái phiếu theo các cam kết của doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, tuân thủ pháp luật và nắm rõ thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư là cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/bai-7-thay-gi-tu-viec-ngan-hang-ocb-phat-hanh-khoi-luong-trai-phieu-lon.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 8: Thấy gì từ việc Ngân hàng OCB phát hành khối lượng trái phiếu lớn? tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Tài chính - Ngân hàng
Tin tức mới nhất