Mở tài khoản giao dịch cần người đại diện theo pháp luật đồng ý
Bộ tài chính vừa công bố dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo được đưa ra là nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản giao dịch tại Công ty chứng khoán bao gồm người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mở tài khoản giao dịch phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Trước đó theo Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán không quy định về độ tuổi được mở tài khoản chứng khoán. Thông tư quy định nhà đầu tư mở chứng khoán chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch. Tuy vậy, các CTCK thường quy định độ tuổi tối thiểu để mở tài khoản giao dịch là 18.
Dự thảo cũng đưa ra quy định chung về giao dịch chứng khoán, trong đó nhà đầu tư không được đặt các lệnh giao dịch vừa mua, vừa bán đồng thời cùng một loại chứng khoán trong cùng một đợt khớp lệnh định kỳ, trừ các lệnh đã được nhập vào hệ thống tại đợt giao dịch liên tục trước đó, chưa được khớp nhưng vẫn còn hiệu lực.
Nhà đầu tư khi đặt lệnh cùng mua, cùng bán cùng một mã chứng khoán trong ngày giao dịch không được để dẫn đến trường hợp các lệnh đối ứng cho cùng mã chứng khoán của nhà đầu tư đó khớp với nhau nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Cũng theo dự thảo, trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định điều chỉnh biên độ dao động giá. Sở giao dịch chứng khoán quy định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, UBCKNN quyết định việc áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường và/hoặc cơ chế biên độ dao động giá.
Về giao dịch ký quỹ, dự thảo quy định Chứng khoán được giao dịch ký quỹ là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán và đáp ứng các tiêu chí về thời gian niêm yết, đăng ký giao dịch; về quy mô vốn và kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành; về tính thanh khoản và biến động giá (nếu có); minh bạch thông tin và các tiêu chí khác theo hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trên cơ sở tiêu chí do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định, Sở giao dịch chứng khoán công bố danh sách chứng khoán được giao dịch ký quỹ hoặc chứng khoán không được giao dịch ký quỹ.
Nhiều ý kiến trái chiều
TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhận định việc cho phép người đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán nhằm đa dạng hóa đối tượng mở tài khoản. Nhưng cũng nên cân nhắc vì tài khoản chứng khoán không chỉ cần người đại diện pháp luật mở là được mà có cả giao dịch, không giống mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Bản chất của thị trường chứng khoán có rủi ro, có nhiều yếu tố liên quan đến minh bạch, chế tài... Do đó, quy định mới này cần ghi nhận thêm ý kiến từ các thành viên tham gia thị trường.
|
TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam |
Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định mới trong dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán, khi cho người đủ 15 tuổi được mở tài khoản chứng khoán và có người đại diện theo pháp luật giám hộ. Chẳng hạn, trong trường hợp mở tài khoản xong, người giám hộ theo pháp luật tham gia thị trường bị thua lỗ, gây thiệt hại cho chủ tài khoản thì ai chịu trách nhiệm?
|
TS Huỳnh Trung Minh - Giám đốc Khối Hỗ trợ kinh doanh - Ngân hàng TMCP Sài Gòn. |
Người đủ 15 tuổi được làm CMND, thẻ căn cước công dân nên có thể cơ quan quản lý cũng nghiên cứu cho phép mở tài khoản chứng khoán. Nhưng ở độ tuổi này chưa đủ năng lực hành vi dân sự, nếu bị lừa trong quá trình giao dịch thì ai chịu? "Do đó, sẽ có độ vênh giữa độ tuổi mở tài khoản và độ tuổi chịu trách nhiệm hành vi của mình. Mở tài khoản mà không giao dịch thì mở làm gì? Hoặc nếu mở mà cho người khác đứng tên thì tính pháp lý ra sao? Thực tế quy định rất khó khả thi. Chưa kể, chứng khoán là kênh đầu tư có rủi ro, người chơi phải có kiến thức, am hiểu thị trường, mã cổ phiếu..." - TS Huỳnh Trung Minh góp ý.
Cùng quan điểm này, ông Huỳnh Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, cho rằng nếu mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng dành cho trẻ em, người đại diện pháp luật là ba mẹ sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng với tài khoản giao dịch chứng khoán sẽ có giao dịch lên xuống, liên quan đến các lệnh mua - bán, mà theo Luật Dân sự, người giám hộ có quyền quyết định có lợi nhất cho người kia, nhưng thế nào là có lợi nhất trong chứng khoán là rất khó. "Vậy quy định cho phép người đủ 15 tuổi mở tài khoản chứng khoán để làm gì, ai sẽ là người đầu tư, giao dịch trực tiếp. Năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ thì các lệnh giao dịch có hiệu lực? Do đó, dự thảo phải lường trước những rủi ro có thể gặp phải khi quy định được áp dụng trên thực tế" - ông Huỳnh Anh Tuấn đặt vấn đề.
Theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, việc định danh nhằm thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mục tiêu đến cuối năm nay, số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số và tăng lên 5% vào năm 2025.
Thị trường chứng khoán hiện có sự tham gia của hơn 2,53 triệu tài khoản trong nước và 33.600 tài khoản nước ngoài. Số lượng mở mới trong 7 tháng đầu năm xấp xỉ 200.000 tài khoản.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ