Mới đây, Cơ quan quản lý cạnh tranh (CA) của Pháp tuyên phạt tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google của Mỹ 500 triệu Euro (593 triệu USD) vì đã không đàm phán "một cách chân thành" với các công ty truyền thông về việc sử dụng nội dung của họ một cách phù hợp với các quy định bản quyền của Liên minh châu Âu (EU).
CA cũng yêu cầu Google đề xuất với các nhà xuất bản truyền thông "một khoản nhuận bút cho việc sử dụng các nội dung có bản quyền của họ hiện nay", đồng thời cảnh báo nếu không làm như vậy, có thể sẽ phải đền bù cho các thiệt hại bổ sung, lên tới 900.000 Euro mỗi ngày.
|
Google bị phạt gần 500 triệu euro vì bản quyền tin tức |
Các nhà xuất bản Pháp nhiều năm qua đã thúc đẩy chính quyền cứng rắn với Google, tố công ty này thâu tóm hàng tỉ USD lợi nhuận từ quảng cáo nhờ các nội dung tin tức.
Quyết định của Cơ quan chống độc quyền Pháp cũng là động thái mới nhất từ các nước châu Âu nhằm khống chế các gã khổng lồ công nghệ.
Trước mức phạt này, Google bày tỏ sự thất vọng và cho rằng những nỗ lực của họ đã bị phớt lờ đi.
Có thể thấy, cuộc chiến pháp lý giữa Google và các công ty truyền thông tập trung vào các cáo buộc rằng Google đã cho hiển thị trên danh sách kết quả tìm kiếm các bài viết, ảnh và video do các nhóm truyền thông sản xuất mà không trả tiền nhuận bút phù hợp, dù Google thu về một lượng tiền khổng lồ từ quảng cáo trên mạng.
Tháng 4/2020, sau khi Google từ chối thực thi luật mới của EU về bản quyền kỹ thuật số, CA đã yêu cầu Google phải tiến hành đàm phán "chân thành" trong thời gian 3 tháng với các nhà xuất bản và công ty truyền thông về bản quyền tin tức.
Luật trên nhằm đảm bảo rằng các nhà xuất bản được trả nhuận bút khi các tin/bài của họ hiển thị trên các trang mạng, công cụ tìm kiếm và các nền tảng truyền thông xã hội.
Nhưng đến tháng 9/2020, các nhà xuất bản (bao gồm cả hãng thông tấn AFP) đã khởi kiện lên CA, cho rằng Google không tuân thủ các nghĩa vụ thanh toán của mình.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo