Cần học hỏi kinh nghiệm của doanh nghiệp đi trước
Chuyển đổi số đang được coi là phương cách hiệu quả, cần thiết để doanh nghiệp có thể tối ưu hóa vận hành, duy trì hoạt động trong đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đáng kể, tùy thuộc vào quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Theo báo cáo mới nhất của DBT Center, trong 5-10 năm tới, 60% các doanh nghiệp sẽ bị đào thải nếu không chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.
Theo bà Lê Hoài Vân - Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi số FPT cho biết, dưới sự quyết tâm của lãnh đạo, FPT đã xây dựng phương pháp luận chuyển đổi s từ năm 2019. Mỗi công ty thành viên phải xây dựng kế hoạch chuyển đổi số nội bộ, thành lập 1 bộ phận để chủ động triển khai các chương trình chuyển đổi số nội bộ. Sau hai năm, FPT đã triển khai 62 dự án chuyển đổi số nội bộ trên toàn tập đoàn, tiết kiệm được 250 tỉ đồng từ việc nâng cao năng suất vận hành, triển khai các sáng kiến số mới.
|
Chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. |
Ở FPT,việc chuyển đổi số thực hiện trên 3 khía cạnh là chuyển đổi kinh doanh, công nghệ và con người. Trong đó chuyển đổi con người là phần khá khó khăn từ thay đổi tư duy của lãnh đạo, đến cách làm việc của nhân viên. FPT chuyển đổi số hướng đến các mục tiêu là tối ưu hóa vận hành, nâng cao năng suất, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Bên cạnh đó còn có thêm mục tiêu nữa là tăng cường trải nghiệm nhân viên để thu hút, giữ chân nhân tài.
Bà Vân cũng cho biết, trước đây FPT Telecom có hơn 3.000 kỹ thuật viên trên toàn quốc, được phân thành nhiều nhóm 3-5 người, nhận việc từ trung tâm điều hành và trưởng nhóm phân công. Điều này làm cho thời gian chờ đợi của khách hàng lâu và công việc phân bổ không đều. Do đó, FPT đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI vào toàn bộ quá trình phân công công việc giúp tăng năng suất hơn 20% và tiết kiệm được chi phí.
Tương tự, tại Sapporo Việt Nam cũng được xem là dẫn chứng về nỗ lực của doanh nghiệp để tồn tại và duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn do Covid-19. Công ty đã sử dụng hệ thống quản lý công việc trực tuyến gần 1 năm nay và hài lòng với hơn 40 quy trình được số hóa, 100 phiếu phê duyệt/ngày. Tiết kiệm rất nhiều chi phí in ấn. Công ty chỉ in các hợp đồng với các đối tác chưa chấp nhận chữ ký số, giảm 20% diện tích kho lưu trữ chứng từ.
Đặc biệt, khi Covid-19 xảy ra và phải làm việc tại nhà dài ngày, việc chuyển đổi số giúp không cần phải mang hồ sơ đến trình ký. Thời gian hoàn thành một quy trình phê duyệt giảm một nửa vì người kiểm tra và phê duyệt có thể làm mọi lúc mọi nơi và trả trực tiếp về cho người đưa ra yêu cầu.
Doanh nghiệp làm thế nào để chuyển đổi số thành công?
Tháng 6/2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số rộng rãi, an toàn và nhân văn.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Trí Hùng, doanh nghiệp nên bắt tay vào chuyển đổi số theo 5 hướng chủ đạo, đó là: số hóa các sản phẩm và dịch vụ, số hóa tiếp thị và kênh phân phối, số hóa hệ sinh thái, số hóa quy trình sản xuất, số hóa chuỗi cung ứng.
|
Ông Ngô Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Softech Corporation cho rằng, trọng tâm chuyển đổi số trong doanh nghiệp là phát triển các phần mềm ứng dụng, có thể giải quyết các bài toán kinh doanh và vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn, nhanh hơn và chính xác hơn. Ví dụ như hệ thống thương mại điện tử, chăm sóc khách hàng, quản lý nhân sự...
Doanh nghiệp cần xác định được mình cần gì, vì chính doanh nghiệp mới hiểu được hoạt động kinh doanh của mình. Các nhà cung cấp giải pháp sẽ điều chỉnh giải pháp của họ cho phù hợp, thông thường họ đưa ra nhiều giải pháp vượt trội hơn cái mình cần. Do đó, doanh nghiệp cần xác định nhu cầu của mình đến đâu để lựa chọn cho chuẩn, nếu doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số không thành công trong 3-6 tháng thì nên dừng ngay để đỡ mất thêm chi phí.
Theo chuyên gia tư vấn hệ thống của Dell Technologies Việt Nam, ông Lê Minh Hải, nhu cầu làm việc từ xa nhiều cần phải truy cập đến hệ thống dữ liệu của các công ty ngày càng tăng, dẫn tới nhu cầu về bảo mật. Doanh nghiệp lúc đầu có thể đầu tư cho những giải pháp quy mô nhỏ và có thể mở rộng dần dần đáp ứng theo nhu cầu thực tế.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số được xác định là chìa khóa phát triển tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0. Việc đầu tư công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số được xem là một giải pháp giúp doanh nghiệp đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn. Bởi vậy, doanh nghiệp cần phải biết rõ mình muốn gì, mình cần gì, kỳ vọng trong tương lai như thế nào; còn thiếu gì để thỏa mãn dữ liệu đầu ra theo ý của mình.
Do đó, nếu doanh nghiệp tự tin bước lên hành trình chuyển đổi số thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghiệp địa phương có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, tri thức bản địa và các điều kiện riêng biệt của địa phương mình để vươn lên phát triển, xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu.
Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam