Bên cạnh đề xuất CPH cảng biển, sân bay, Bộ cũng kiến nghị CPH cả trường học, bệnh viện. Nhưng sau CPH, những miếng 'đất vàng' được doanh nghiệp sử dụng thế nào?
|
Tổng công ty vận tải thuỷ (Vivaso) sau khi rơi vào tay đại gia Nguyễn Thủy Nguyên đã được tận dụng cho thuê "đất vàng", các lĩnh vực chuyên ngành vận tải thuỷ ngày một teo tóp |
"Tuýt còi" CPH bệnh viện, trường học
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) từng đề xuất CPH 3 bệnh viện gồm: Nam Thăng Long, GTVT Vinh, Đà Nẵng và 2 trường học gồm: Học viện hàng không và Trung cấp nghề Thăng Long.
Trên thực tế, đây là quyết định táo báo, vượt cả khung luật. Bản thân nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận lý do tạm dừng chuyển đổi mô hình hoạt động 3 bệnh viện trên là các cơ sở y tế, giáo dục công lập không còn nằm trong diện cổ phần hóa theo tinh thần của Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Chỉ cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: tính đến thời điểm này, ngoại trừ bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương đã chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 5/1/2016 với nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn T&T, toàn bộ cơ sở y tế, giáo dục công lập đã từng được Bộ GTVT lên kế hoạch cổ phần hóa trong giai đoạn 2015 – 2016 đều bị dừng vô thời hạn.
“Trường hợp bệnh viện Giao thông vận tải (đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần trước đó) bắt buộc phải điều chỉnh vốn điều lệ, tăng phần vốn nhà nước tại bệnh viện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Đông nói.
Nguồn tin của VietnamFinance cho biết trong quá trình lên kế hoạch cổ phần hóa, cả 5 trường học, bệnh viện này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, do đây đều là những cơ sở đào tạo, khám chữa bệnh có uy tín, có cơ sở vật chất và đặc biệt là quỹ đất khá lớn.
Trục lợi “đất vàng” từ cổ phần hoá
Theo các chuyên gia giao thông, việc cổ phần hoá các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các trường học, bệnh viện chưa đem lại hiệu quả cao. Thậm chí, tại một số đơn vị, việc CPH chỉ mang hình thức núp bóng để “thôn tính” vì mục tiêu “đất vàng”. Một số đơn vị sau CPH vài năm bị co hẹp, không làm đúng chuyên ngành, còn quỹ đất nơi đó để cho thuê, hoặc sử dụng mục đích khác...
Ví dụ như trường hợp Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso), khi thực hiện CPH chỉ được định giá khoảng 327 tỷ đồng. Nhưng sau CPH, một doanh nghiệp lớn của nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản khác cùng hàng trăm lao động nay đã không còn. Đơn vị này dường như chỉ hoạt động cầm chừng, quy mô dần thu hẹp, lao động bỏ việc.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường, Chủ tịch Vivaso, sau đó còn gây chấn động dư luận khi tham gia vào thương vụ mua bán Hãng phim truyện Việt Nam. Sự vụ thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có giới văn nghệ sỹ, còn báo giới khi đó hóm hỉnh rằng sự thật phía sau việc “thủy thủ đi làm phim” chính là khu đất vàng nhiều mặt tiền ven hồ Tây (Hà Nội)?
Hoặc như thương vụ Tổng công ty đường thuỷ Việt Nam (Vinawaco), sau CPH, toàn bộ khu đất tại số 40 Phùng Hưng đang thuộc quyền quản lý và sử dụng của Vinawaco theo Hợp đồng thuê đất số 701/HĐTĐ-STNMT-PC của Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Hà Nội ký ngày 18/8/2016 đã bị "chiếm dụng".
Theo đó, diện tích đất thuê là hơn 800m2 trong thời gian 50 năm nhằm mục đích làm trụ sở làm việc của công ty. Tuy nhiên, các đơn vị khác lại đang sử dụng và chiếm gần hết toàn bộ mặt tiền của khu đất.
Đó là chưa kể Vinawaco còn đang 8 mảnh đất trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có những mảnh đất được coi là "đất vàng" với những vị trí đắc địa.
Rõ ràng, câu chuyện CPH không hề đơn giản, nếu không kiểm soát tốt, hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước sẽ bị định giá thấp hoặc chỉ định giá tài sản trên đất, còn những phần 'đất vàng' mặc nhiên bị trục lợi. Đây là những lỗ hổng lớn trong việc CPH các doanh nghiệp.
Theo Vietnamfinance