Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Bộ Công an nhận định VEC không đủ năng lực sửa chữa?

Mai Hương(T/H) 16:46 14/04/2020

Căn cứ vào năng lực đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ, Bộ Công an thấy Tổng Công ty VEC không đáp ứng được yêu cầu.

Bộ Công an vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả điều tra ban đầu và một số vấn đề liên quan đến vụ án “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý (BQL) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.

Bê bối nhiều sai phạm

Hơn nữa, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về những sai phạm nghiêm trọng của Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ Công an đánh giá: “VEC không đủ năng lực đáp ứng sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi”.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gặp nhiều vấn đề kể từ khi đưa vào vận hành. Ảnh: Thanh Niên.

Kết luận giám định tư pháp cho thấy, chất lượng công trình xây dựng đối với 7/7 gói thầu (65 km) thuộc giai đoạn 1 của dự án này, từ các lớp nền - móng - mặt đường không đảm bảo đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án - là nguyên nhân gây hư hỏng công trình; đặc biệt khi gặp nắng nóng kéo dài hay mưa nắng đột ngột kết hợp tác động của tải trọng và lưu lượng xe qua tuyến.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang phối hợp giám định tư pháp về chất lượng các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án này (chiều dài 74,2 km, từ TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Quảng Ngãi; đưa vào khai thác năm 2018, cũng đã hư hỏng).

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 34.500 tỉ xuất hiện ổ gà đầu tuyến. Ảnh: Thanh Niên.

Theo Bộ Công an, đủ căn cứ xác định công trình xây dựng tại các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án này không đảm bảo chất lượng, do hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình của: chủ đầu tư, BQL dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát thi công dự án gây ra.

Hành vi vi phạm của những người này tại các đơn vị, có đủ dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, (điều 298 bộ luật Hình sự 2015).

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dù là công trình trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm nhưng ngay từ khi đấu thấu và triển khai đã nảy sinh nhiều sai sót nghiêm trọng.

Ví dụ như tại gói thầu A5, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, VEC ký hợp đồng với Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Công ty Posco) từ Km 131+700 và Km 131+500 - Km 139+204 với giá trị hợp đồng trên 1.394 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, Công ty Posco đã không thực hiện thi công gói thầu mà thuê các nhà thầu phụ thi công 100% các hạng mục gói thầu đã trúng.

Cụ thể, Công ty Posco đã ký hợp đồng thuê thầu phụ với 6 đơn vị như: Công ty Xây dựng đầu tư hạ tầng INCICO; Công ty Cổ phần Xây dựng 75-Cienco8; Công ty Xây dựng nền móng Sông Đà Thăng Long miền Nam; Công ty Cổ phần Cơ giới và Xây lắp số 9; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T; Công ty Cổ phần Sở hữu Thiên Tân thi công. Nhưng những công ty này thi công khi chưa có thư trả lời của chủ đầu tư VEC.

Trong một buổi họp báo về các vấn đề liên quan đến hư hỏng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ngày 13/10/2018 tại TP Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT – Lê Đình Thọ cho biết, trong giai đoạn đấu thầu thi công các đoạn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, một số nhà thầu Trung Quốc đã tham gia đấu thầu và một số nhà thầu đến từ Trung Quốc đã trúng các gói thầu thi công tuyến cao tốc này.

Cụ thể như nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) đã tham gia bỏ thầu gói A3 thi công một đoạn của tuyến cao tốc. "Họ đã bỏ thầu rất thấp nên trúng thầu", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói tại buổi họp báo này.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm, các nhà thầu Trung Quốc thường có một số thầu phụ ở Việt Nam, những thầu phụ này tham gia cung cấp vật liệu, các dịch vụ khác để các nhà thầu Trung Quốc thực hiện việc thi công theo các hợp đồng kinh tế đã ký.

Ngoài nhà thầu Giang Tô, tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi còn có một số nhà thầu nước ngoài khác như như nhà thầu Sơn Đông (Trung Quốc) và nhà thầu Lotte E&C (Hàn Quốc).

VEC không đủ năng lực đáp ứng sửa chữa đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi?

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chỉ rõ, “tuyến Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án trọng điểm, đạt tiêu chuẩn cao tốc vừa thông xe đã hỏng là không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án”.

Bộ công an chỉ rõ đây là trách nhiệm của Chủ đầu tư VEC, ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn giám sát…

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống cấp nghiêm trọng.

Ngày 14/11/2019, 4 cán bộ của Ban QLDA Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam gồm: Nguyễn Tiến Thành - nguyên Giám đốc Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình - nguyên Giám đốc gói thầu số 7, Ban QLDA đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Phạm Đình Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5; Nguyễn Thành An - thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7.

Tiếp đến, ngày 18.2, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an cho biết mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan, C03 đã khởi tố thêm 5 bị can là lãnh đạo các gói thầu của dự án.

Các bị can gồm Vũ Như Khuê, nguyên Giám đốc gói thầu số 1; Quản Trọng Tuấn, nguyên Giám đốc gói thầu số 3B; Nguyễn Quốc Hải, nguyên Giám đốc gói thầu số 6; Phan Khánh Toàn, nguyên Giám đốc gói thầu số 4 và Phan Ngọc Thơm, Phó giám đốc gói thầu số 2 và 3B. Trong số này, các bị can Phan Khánh Toàn và Phan Ngọc Thơm bị bắt tạm giam, 3 bị can còn lại bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bên cạnh việc khởi tố một số đối tượng tại dự án với hành các dấu hiệu phạm tội về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 298 - Bộ luật Hình sự năm 2015. Bộ Công an cũng có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu nguyên nhân, giải pháp khắc phục sửa chữa cao tốc.

Sau đó, Bộ Giao thông lại giao cho chính VEC nghiên cứu thực sửa chữa. Tuy nhiên, căn cứ vào năng lực đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ, Bộ Công an thấy Tổng Công ty VEC không đáp ứng được yêu cầu.

Có thể thấy, đây được xem là một dự án cao tốc “bê bối” của ngành giao thông khi dự án chỉ vừa thông xe, sử dụng một thời gian ngắn (từ ngày 2/9/2018) thì cao tốc này bắt đầu xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu". Đơn vị quản lý đã cho sửa chữa, tuy nhiên đến nay cao tốc tiếp tục xuất hiện hư hỏng.

Trao đổi với VietnamFinance, PGS. TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (Hiệp hội VARSI) cho biết: Về nguyên tắc trong công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng là phải “làm tốt ngay từ đầu” theo nguyên lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

PGS. TS Trần Chủng cho biết thêm: “Một khi công trình đã bị “bệnh” thì điều quan trọng là phải bắt đúng “căn nguyên của bệnh” để có giải pháp chữa trị. Nếu không đúng nguyên nhân, “chữa” không hiệu quả, tốn tiền của, công sức và nhiều khi bệnh nặng thêm”.

Ông cho hay riêng đối với công trình đường cao tốc là loại công trình đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải. Các yêu cầu khắt khe đảm bảo phương tiện giao thông lưu hành với vận tốc >100Km/h an toàn tuyệt đối đòi hỏi công tác quản lý chất lượng cũng phải đặc biệt. Vì vậy, các hư hỏng ở cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phải tìm đúng nguyên nhân.

Không chỉ căn cứ “triệu chứng” như ổ gà, ổ voi mà ta nghi chỉ là lớp áo đường bị hư hỏng mà nhiều khi, nguyên nhân có thể từ nền, các lớp móng... Vì vậy, việc quan trọng hàng đầu hiện nay là phải đánh giá đúng nguyên nhân hư hỏng trước đã”.

PGS. TS Trần Chủng – người từng nhiều năm trong vai trò chuyên ngành là Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định: “Sửa chữa các hư hỏng khó hơn rất nhiều làm mới. Hàng loạt vấn đề kỹ thuật, đặc biệt dối với cao tốc phải tập trung năng lực con người, kỹ thuật và cả kinh phí mới khắc phục hư hỏng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Trong tâm lý người Việt, sửa chữa bị coi nhẹ. Ta nhân cách hoá công trình bị “bệnh” như con người, thì “chữa bệnh” phức tạp và khó khăn hơn nhiều vì công trình “ không biết phản xạ” trong quá trình “thăm khám và chữa trị”.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc 4 làn xe; vận tốc thiết kế 120km/h (đoạn đặc biệt khó khăn 100km/h); bề rộng nền đường 24,5m; tổng chiều dài tuyến 139,2km, đi qua TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng.
Vốn vay JICA và WB tương đương 29.218 tỷ đồng dùng cho chi phí xây lắp, thiết bị, tư vấn, lãi vay trong thời gian xây dựng; vốn đối ứng 5.298 tỷ đồng dùng để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng và chi phí khác. Dự án do VEC làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2013 và thông xe toàn tuyến ngày 2.9.2018.
Tuy nhiên, khi vừa đưa vào sử dụng, tuyến đường liên tục gặp sự cố, hư hỏng. Đây được xem là một dự án cao tốc “bê bối” của ngành giao thông khi dự án chỉ vừa thông xe, sử dụng một thời gian ngắn (từ ngày 2/9/2018) thì cao tốc này bắt đầu xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu". Đơn vị quản lý đã cho sửa chữa, tuy nhiên đến nay cao tốc tiếp tục xuất hiện hư hỏng.
Cụ thể, từ tháng 10.2018, mặt đường đoạn từ Km0 - Km65 xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, ổ gà; đến cuối tháng 10, có 21 cầu trên tuyến bị nước thấm từ dải phân cách giữa xuống mố trụ, thấm nước mối nối ống thoát nước mặt cầu. Đến cuối tháng 11.2018, mặt đường tiếp giáp với một số cầu bị lượn sóng, xuất hiện một số vết nứt...

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/cao-toc-da-nang-quang-ngai-bo-cong-an-nhan-dinh-vec-khong-du-nang-luc-sua-chua-d73609.html

Bạn đang đọc bài viết Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi: Bộ Công an nhận định VEC không đủ năng lực sửa chữa? tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đô thị
Tin tức mới nhất