Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

10 năm ì ạch với tuyến đường 2,5, Công ty Hoàng Hà vẫn muốn tiếp tục thực hiện dự án

Mai Hương(T/H) 13:41 10/04/2020

Một trong những điều khiến dự án này chưa thể hoàn thành theo kế hoạch là do công tác giải phóng mặt bằng không liên tục gây nhiều trở ngại cho thi công.

Hoàng Hà vẫn mong muốn tiếp tục thực hiện dự án

Dự án đường 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A) là một trong những dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội, và là một trong những dự án chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập quận Hoàng Mai (14/11/2003 - 14/11/2018).

Được biết, tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.300 tỷ đồng, theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà, hai nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.

Dự án đường 2,5 khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Báo Pháp Luật.

Ngày 06/04/2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ - UBND về việc thu hồi 67.125m2 đất phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5 (đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A), dự án do Q. Hoàng Mai thực hiện công tác GPMB.

Tuy nhiên, từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến nay ngót nghét chục năm, tuyến đường này vẫn dang dở.

Tìm hiểu về lý do chậm tiến độ của chủ đầu tư, được biết đại diện Liên danh Chủ đầu tư đã từng chia sẻ trên Công Lý Xã Hội: “Một thời gian khá dài việc giải phóng mặt bằng bị vướng nên đơn vị không thể thực hiện thi công theo kế hoạch. Công ty cũng bị thiệt hại lớn về kinh tế do hàng trăm phương tiện máy móc, thiết bị dãi nắng, dầm mưa không thể thi công vì thiếu mặt bằng”.

Một trong những điều khiến dự án này chưa thể hoàn thành theo kế hoạch là do công tác giải phóng mặt bằng không liên tục gây nhiều trở ngại cho thi công. Mặc dù, UBND Quận Hoàng Mai đã điều chỉnh kế hoạch đền bù GPMB, nhưng việc thực hiện theo tiến độ trong kế hoạch là rất khó khăn.

Một vài nguyên nhân khách quan khiến chủ đầu tư dự án đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Đồng thời chưa thể thực hiện được dự án đối ứng để thu hồi vốn đã bỏ ra trong gần chục năm qua.

Với mong muốn tiếp tục thực hiện dự án theo đúng cam kết và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Chủ đầu tư dự án đường 2,5 đã có nhiều văn bản gửi các sở, nghành liên quan để sớm có hành lang pháp lý thực hiện dự án khu đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim – Định Công ( dự án đối ứng).

Trong năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà và UBND Quận Hoàng Mai cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội và Sở TNMT Hà Nội đề nghị được giao đất giải phóng mặt bằng để thực diện dự án đối ứng trong quý II/2020.

Điều này phù hợp với điều 6 (dự án khác) của hợp đồng BT và điều 1 điểm 6 trong chứng nhận đầu tư. Đồng thời, theo các quy định của Nghị định 69 nói trên thì nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án khác (đô thị mới mở rộng phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim – Định Công ) để hoàn vốn và tìm kiếm lợi nhuận.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, theo quy định tại khoản 3, điều 14 nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 và luật đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/03/2015 của Chính phủ thì việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật.

Trước thực trạng trên, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà mong muốn các cơ quan chức năng liên quan xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền, chủ đầu tư sớm thực hiện dự án đường 2,5 đồng thời tạo dựng hành lang pháp lý để chủ đầu tư tiếp cận dự án đối ứng để phần nào giảm thiệt hại cho doanh nghiệp về mặt kinh tế trong nhiều năm qua.

Câu hỏi về năng lực GPMB, năng lực tài chính của CĐT

Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, dư luận đã đặt ra câu hỏi có hay không việc Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thể hiện yếu kém trong GPMB, là một trong những nguyên nhân khiến dự án ì ạch nhiều năm trời.

Mặc dù trước thực tế các hộ dân không chấp hành thực hiện việc di rời để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. UBND Hoàng Mai đã tiến hành báo cáo UBND Thành phố Hà Nội tổ chức cưỡng chế các trường hợp không chịu di rời (Đáng chú ý, trong quý II/2020, Quận Hoàng Mai sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế thu hồi đất với 32 hộ dân phường Định Công và 23 hộ phường Thịnh Liệt).

Trước đó, Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với UBND Phường Định Công. Đại diện của đơn vị này cho biết, tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 2,5 (Đoạn từ Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A) đang còn vướng mắc khoảng 56 hộ dân chưa đồng ý giải phóng mặt bằng. Phường Định Công đã rất cố gắng vận động người dân tự nguyện giao đất.

Tuy nhiên khi người dân đồng ý thì Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà lại không lo được tiền. Hiện tại chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà đang thể hiện năng lực tài chính yếu kém trong công tác GPMB.

“Trước Tết Nguyên đán đã có hơn 10 hộ đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên đến nay các hộ vẫn chưa được nhận tiền. Nếu cứ tình trạng này thì phải còn rất lâu nữa mới có thể giải phóng mặt bằng xong dự án này”, đại diện UBND phường Định Công cho biết.

Không chỉ chậm tiến độ khi triển khai xây dựng tuyến đường 2,5, hàng loạt dự án do Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà làm nhà đầu tư cũng tồn tại nhiều vấn đề. Và điều này cũng một lần nữa đặt câu hỏi cho năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Tại Dự án xây dựng khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai có địa chỉ ngõ 79, phố Thanh Đàm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội cũng là một dự án do Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư.

Theo hợp đồng mua bán căn hộ giữa Chủ đầu tư với khách hàng, công ty sẽ hoàn thiện công trình và bàn giao nhà vào tháng 6/2014. Tuy nhiên, kịch bản “thi công chậm tiến độ” một lần nữa được Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà lặp lại.

Cư dân tại đây từng phản ánh đến Pháp luật Plus về câu chuyện khi các công trình, đặc biệt là các hạng mục liên quan đến PCCC vẫn chưa hoàn thiện, vào năm 2017, chủ đầu tư đã đưa khách hàng nhận nhà và dọn đến sinh sống để tránh vi phạm tiến độ hợp đồng.

Thậm chí, vào năm 2018, UBND Hà Nội từng đưa Dự án khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Công an quận Hoàng Mai có địa chỉ ngõ 79, phố Thanh Đàm vào thông báo khuyến cáo người dân không nên mua nhà do vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Không chỉ vướng hàng loạt "lùm xùm" tại các dự án, năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà còn ghi tên vào danh sách 1 trong 7 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất với số liệu nợ chốt tại thời điểm 30/4/2019 là hơn 164 tỷ đồng. Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà chiếm vị trí đầu bảng trong số các chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất tại Cục thuế Hà Nội.

Có thể thấy, tình hình tài chính không mấy lạc quan với “gánh nặng” nợ thuế “khủng” lên đến 164 tỷ đồng đang là “hố đen” khiến Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà sa lầy vào những dự án đang triển khai.

Do đó, việc doanh nghiệp này có còn đủ năng lực để giải quyết những dự án đang chậm triển khai hay không cũng là một vấn đề khiến dư luận hoài nghi. Có thể thấy được dự án đường 2,5 đang ì ạch thi công nhiều năm trời cũng bộc lộ nhiều hạn chế về năng lực của nhà đầu tư.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/10-nam-i-ach-voi-tuyen-duong-25-cong-ty-hoang-ha-van-muon-tiep-tuc-thuc-hien-du-an-d73348.html

Bạn đang đọc bài viết 10 năm ì ạch với tuyến đường 2,5, Công ty Hoàng Hà vẫn muốn tiếp tục thực hiện dự án tại chuyên mục Đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Đô thị