Hà Nội, Thứ Hai Ngày 11/11/2024

Yêu cầu Khu đô thị lấn biển Cần Giờ xác định khu vực lánh nạn, ứng phó thiên tai biển

Người đô thị 09:47 17/10/2024

Quy mô dân số Khu đô thị lấn biển Cần Giờ tối đa 228.560 người. Chủ đầu tư phải có các giải pháp cụ thể giảm thiểu, khắc phục tác động đến môi trường đô thị khi triển khai thực hiện quy hoạch..

UBND TP.HCM vừa có Quyết định ngày 30.9.2024 duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (gồm 4 phân khu: A, B, C và D - E) tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Giới hạn khu vực lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết thuộc phạm vi đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870 ha, đã được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 5.9.2018.

Quy mô ban đầu của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ chỉ 600 ha, năm 2020 được điều chỉnh thành 2.780 ha (trong đó sẽ lấn biển 2.718 ha), nằm trên bờ biển của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ. Ước tính cần hơn 81 triệu m3 vật liệu để san lấp biển. Ảnh: Quỳnh Danh


Phân khu A khoảng 953,23 ha: Là khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Trong đó, đất công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị 65,59 ha; đất khu dịch vụ du lịch 95,19 ha; đất cây xanh sử dụng công cộng (cây xanh đô thị) 107,41 ha; mặt nước và bãi cát 75,66 ha; đất cây xanh sử dụng hạn chế (sân golf; công viên chuyên đề - vui chơi giải trí) 78,18 ha; đất quốc phòng 2,92 ha; đất hạ tầng kỹ thuật khác 4,16 ha; đất giao thông, đất bãi đỗ xe 150,9 ha…

Phân khu B khoảng 659,87 ha: là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị (y tế, giáo dục, trụ sở cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ, văn phòng,...), khu cây xanh đô thị, khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng đô thị hiện đại và thông minh.

Trong đó, đất công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị 73,18 ha; đất khu dịch vụ du lịch 55,54 ha; đất cây xanh sử dụng công cộng (cây xanh đô thị) 15 ha; mặt nước 61,2 ha; đất cây xanh chuyên dụng 0,55 ha; đất quốc phòng 1,28 ha; đất hạ tầng kỹ thuật khác 4,98 ha; đất giao thông, đất bãi đỗ xe 170,11 ha…

Toàn cảnh đồ án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Trong đó Khu vực mũi Hải đăng với công trình điểm nhấn là tòa tháp 108 tầng và cụm công trình hỗn hợp. Ảnh trích từ Tài liệu thuyết minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch


Phân khu C khoảng 318,32 ha: là khu trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng và bến cảng; khu đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở (nhà ở liên kế (hạn chế), biệt thự, nhà ở cao tầng) hiện đại, văn minh. Bố trí đồng bộ và đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật...

Trong đó, đất công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị 16,82 ha; đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị 20,52 ha; mặt nước 43,65 ha; đất cây xanh chuyên dụng 0,21 ha; đất quốc phòng 0,1 ha; đất hạ tầng kỹ thuật khác 4,69 ha; đất giao thông 65,16 ha…

Các khu vực có công trình điểm nhấn: Khu vực mũi Hải Đăng với tháp biểu tượng cao 108 tầng; Khu vực nút giao phía nam đường T7 và đường vòng trung tâm, nhóm công trình cao tầng trọng tâm tại khu vực hỗn hợp theo trục chính thương mại dịch vụ.

Phân khu D khoảng 480,46 ha và phân khu E khoảng 458,12 ha (cây xanh và mặt nước): là khu trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự) đảm bảo tiêu chí hiện đại và thông minh. Phân khu E là mặt nước, kênh dẫn và cây xanh sử dụng cấp đô thị.

Trong đó, tại khu D: đất công trình dịch vụ - công cộng cấp đô thị 19,21 ha; đất khu dịch vụ du lịch 32,95 ha; đất cây xanh sử dụng công cộng (cây xanh đô thị) 19 ha; mặt nước 123,12 ha; đất cây xanh chuyên dụng 0,25 ha; đất quốc phòng 0,1 ha; đất hạ tầng kỹ thuật khác 1,69 ha; đất giao thông, đất bãi đỗ xe 63,96 ha. Tại khu E: đất cây xanh sử dụng công cộng (cây xanh đô thị) 0,25 ha; mặt nước 452,42 ha; đất giao thông, đất bãi đỗ xe 5,46 ha…

Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ theo đề xuất điều chỉnh cục bộ quy hoạch năm 2023. Ảnh trích từ Thuyết minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch


Quy mô dân số Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tối đa 228.560 người. Trong đó, phân khu A tối đa 59.027 người; phân khu B tối đa 75.000 người; phân khu C tối đa 41.364 người; phân khu D tối đa 53.115 người. Quy mô khách du lịch trên toàn dự án (2.870 ha) khoảng 8,887 triệu lượt/năm.

Quyết định của UBND TP.HCM yêu cầu dự án bố cục tổng mặt bằng các khu chức năng hài hòa với cảnh quan nội bộ tổ chức gắn kết chặt chẽ với mạng lưới đường giao thông chung của khu vực, hài hòa với cảnh quan khu vực. Trong đó lưu ý xác định:

Không gian và khu vực lánh nạn để ứng phó thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là thiên tai biển; Ý nghĩa biểu tượng cảnh quan sông nước đặc trưng của sinh thái ngập mặn Cần Giờ; Nghiên cứu các mô hình nhà ở gắn liền với không gian sông nước và sinh thái ven biển; Không gian tổ chức các sự kiện đặc biệt (pháo hoa, diễu hành...);

Phạm vi và quy mô các bãi tắm công cộng; Vị trí, cự ly các trạm xe bus hợp lý, gần các khu vực công trình công cộng, bến bãi đậu xe nhằm đảm bảo an toàn và phát huy công năng sử dụng; Hệ thống giao thông nội bộ tổ chức gắn kết chặt chẽ với mạng lưới đường giao thông chung của khu vực.

Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được khái toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cây xanh 76.259,28 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng phần kiến trúc là 43.743,12 tỷ đồng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 32.516,16 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Danh


Tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan với hình thái kiến trúc độc đáo, sinh động, có đặc trưng giữa các khu ở, khu du lịch, khu thương mại dịch vụ, khu công trình công cộng hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan khu vực xung quanh.

Đối với các khu vực không gian mở quan trọng, phải khai thác hợp lý cảnh quan mặt nước và công trình kiến trúc lân cận để tạo ra giá trị thẩm mỹ gắn với tiện nghi đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng không gian và bảo vệ môi trường, trong đó lưu ý đảm bảo khả năng kết nối, xác định nguyên tắc sử dụng và thiết kế tiếp cận không gian cảnh quan ven biển phía Đông Nam và biển hồ trung tâm (khu E).

Tổ chức các khu cây xanh công viên, vườn hoa đô thị gắn kết với các không gian xanh của đơn vị ở, các khu thể dục thể thao tập trung và không gian mở ven biển nhằm hình thành hệ sinh thái công cộng tự nhiên đặc trưng khí hậu biển với định hướng tạo nhiều bề mặt rộng thoáng, thấm nước tự nhiên, có phương án kiểm soát mức độ bê tông hóa, cải tạo điều kiện vi khí hậu, hạn chế hiệu ứng nhà kính và tác động biến đổi khí hậu.

Đối với chức năng du lịch nghỉ dưỡng: phương án tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cần thể hiện tốt nhất chức năng du lịch sinh thái biển, hình thành nét đặc thù khu đô thị du lịch sinh thái biển lớn nhất Việt Nam; cần nghiên cứu tổ chức các không gian mở, không gian công cộng có quy mô lớn để đáp ứng các hoạt động văn hóa, giải trí; nghiên cứu tổ chức các trục đường, khu vực, công trình có tính chuyên đề tạo nên tính đặc trưng cho từng phân khu A, B, C, D.

Hình khối, màu sắc, ánh sáng, hình thức kiến trúc chủ đạo của các công trình kiến trúc nhỏ, các tiểu cảnh phải hài hòa với hệ thống cây xanh, mặt nước, quảng trường và phù hợp với không gian chung, trong đó lưu ý nghiên cứu định hướng tiêu chí về kiến trúc, vật liệu, màu sắc cho các thể loại công trình ven biển.

Tôn trọng, phát huy tốt nhất các giá trị thiên nhiên sẵn có, kết hợp hài hòa giữa giải pháp kiến trúc và môi trường tự nhiên cũng như môi trường nhân tạo, định hướng phát triển khu vực trở thành một khu đô thị có diện mạo văn minh, hiện đại và chất lượng sống cao.

Lưu ý đến việc tổ chức không gian công cộng trong các nhóm nhà ở, khu du lịch, tổ chức các không gian sinh hoạt cộng đồng cho cư dân cũng như du khách; khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như tạo lập hình ảnh đặc trưng cho đô thị.

Đối với công trình điểm nhấn, thiết kế kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, gắn kết hình thái công trình với không gian lân cận để tạo thành tổ hợp có tính đại diện. Khuyến khích các hình thức kiến trúc đơn giản, hiện đại, xanh, đảm bảo tính thẩm mỹ. Khai thác tổ hợp khối lượng không gian mặt đứng với các mảng xanh nhằm tạo dựng sắc thái riêng cho khu vực thiết kế.

Để đảm bảo tầm nhìn cho công trình điểm nhấn, phía mặt tiền công trình ưu tiên tổ chức các không gian trống để trồng hoa, thảm cỏ. Bố cục toàn khu phải thống nhất và thể hiện được tính hấp dẫn của khu đô thị theo thời gian ban ngày và ban đêm. Các công trình điểm nhấn cần tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, cần được xác định trong bước đồ án.

Khu vực mũi Hải đăng với công trình điểm nhấn là tòa tháp 108 tầng và cụm công trình hỗn hợp. Ảnh trích từ Thuyết minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch


Quyết định của UBND TP.HCM yêu cầu dự án tiến hành đánh giá môi trường chiến lược:

Đánh giá hiện trạng về điều kiện địa hình; hiện trạng môi trường tự nhiên (nước, không khí, đất, hệ sinh thái...) và môi trường xã hội. Những vấn đề về môi trường và những vùng dễ bị tác động, những khuyến cáo về tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường; xác định các nội dung bảo vệ môi trường mà quy hoạch cần giải quyết.

Phân tích, dự báo xu hướng những tác động tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường trên cơ sở đánh giá hiện trạng, quy hoạch phân khu chức năng; dự báo xu hướng tác động của biến đổi khí hậu. Đề xuất hệ thống các tiêu chí bảo vệ môi trường để đưa ra các giải pháp quy hoạch không gian, kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật tối ưu cho khu vực quy hoạch.

“Đề ra các giải pháp cụ thể giảm thiểu, khắc phục tác động đến môi trường đô thị khi triển khai thực hiện quy hoạch. Ưu tiên các giải pháp bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển và rừng ngập mặn. Lập kế hoạch giám sát môi trường về kỹ thuật, quản lý và quan trắc môi trường...”, trích Quyết định.

Minh Hoàng - Phạm Tuấn

Như Người Đô Thị đã thông tin, khu vực lập quy hoạch Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ là vùng bờ của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ. Đây chủ yếu là khu vực dự kiến lấn biển với tổng diện tích 2.870 ha, trong đó khu vực đã triển khai lấn biển theo dự án trước đây của Khu đô thị du lịch Cần Giờ khoảng 20 ha (đất đã san lấp tôn nền). Phần còn lại, đất thuận lợi cho xây dựng (cao độ đắp nền >1m) là 132 ha; đất ít thuận lợi cho xây dựng (cao độ đắp nền <1m) là 2.718 ha.

Dự án lấn biển sẽ sử dụng cát tại các mỏ đã được Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thăm dò tại khu vực Cần Giờ làm nguồn vật liệu san lấp cho khu quy hoạch. Đồng thời nghiên cứu phương án nhận chìm chất thải vô cơ (xà bần, đất đá thải) từ quá trình thi công các tuyến metro tại TP.HCM để giảm áp lực về nguồn cung ứng vật liệu san lấp tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận.

Đối với nguồn chất thải nạo vét từ quá trình thi công đê kè tại khu quy hoạch, sẽ bố trí bãi đổ thải có diện tích khoảng 10 ha nằm ở phía đông bắc khu quy hoạch để chứa, đồng thời tận dụng làm vật liệu san lấp.

Số liệu mới được đưa ra trong kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu cho thấy khối lượng đắp nền nhỏ hơn quy hoạch được duyệt 2018. Cụ thể, giảm từ 137.616.000m3 còn 81.732.315m3 (giảm 55.883.685m3). Khối lượng này là tạm tính, chưa bao gồm khối lượng đắp nền đường, khối lượng chuẩn xác sẽ được tính toán ở giai đoạn lập dự án.

Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được khái toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cây xanh 76.259,28 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng phần kiến trúc là 43.743,12 tỷ đồng, kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 32.516,16 tỷ đồng.

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu Khu đô thị lấn biển Cần Giờ xác định khu vực lánh nạn, ứng phó thiên tai biển tại chuyên mục Tin tức trong nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 - 0904 065 256 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tin tức trong nước