Còn nhiều điểm nghẽn
Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn ngày càng tỏ rõ là hướng đi bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh tài nguyên dần suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.
Cụ thể, kinh tế tuần hoàn được hiểu là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Nói về những thuận lợi khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mới đây, tại "Khóa đào tạo Xây dựng năng lực Kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp 2022" do Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường nhận định rằng đây là xu hướng chung của toàn cầu.
Ông Chinh cho biết, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp sẽ thu được nhiều lợi ích như cơ chế hỗ trợ, tránh được các điều chỉnh luật pháp khác về khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, gia tăng lợi nhuận... Hơn nữa, đây cũng là mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn, vì vậy doanh nghiệp có thể học hỏi kinh nghiệm trên cơ sở mô hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang thực hiện, hoặc sáng tạo dựa trên những nền tảng sẵn có.
Song song với những thuận lợi, ông Chinh cũng chỉ ra những khó khăn khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Điển hình về cơ chế chính sách, có sự bất cập giữa Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,… Nguyên nhân do nội dung kinh tế tuần hoàn mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường trong khi các luật khác đã ban hành trước đây và nay đang trong quá trình bổ sung hoàn thiện. Do đó, chưa có bộ tiêu chí để nhận dạng thế nào là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tiếp theo, việc áp dụng công nghệ mới để xử lý tái chế, biến rác thải, thải bỏ thành nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất khác cũng là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp bởi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư mạnh.
Ngoài ra, đối với những doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn cũng rất cần những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn đóng vai trò như “người dẫn đường” giúp doanh nghiệp định hướng phát triển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn chưa thực sự được chú trọng và phát huy hiệu quả.
Hướng đến sự phát triển bền vững
Là một trong những doanh nghiệp phát triển định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Hải Phòng) cho biết: “Chúng tôi mong muốn mang đến một hệ sinh thái công nghiệp an toàn cho nhà đầu tư, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, chúng tôi khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn phù hợp của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO).”
Cũng theo ông Điệp, đến nay Nam Cầu Kiền đã thu hút hơn 70 nhà đầu tư trong và ngoài nước vào những ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường như: Công nghệ phụ trợ, công nghệ cao; công nghiệp chế tạo; sản xuất máy móc thiết bị hỗ trợ cho công nghệ đầu tư; sản xuất các sản phẩm trang trí nội ngoại thất xuất khẩu; các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất trong Khu công nghiệp; năng lượng xanh; cùng các ngành sản xuất ít ô nhiễm khác;...
Từ kinh nghiệm “thực chiến”, ông Điệp đã có những chia sẻ về việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Ông Điệp nhận định rằng bước quan trọng đầu tiên chính là phải trang bị kiến thức cho lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ công nhân viên về lợi ích cũng như sự bền vững khi phát triển kinh tế tuần hoàn.
Mặt khác, cần phải có hành lang pháp lý theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Một nỗi khổ của doanh nghiệp được ông Điệp chỉ ra đó là: nhiều khi doanh nghiệp đã làm đúng theo luật này, nhưng xét theo luật khác lại chưa chuẩn. Có những thủ tục hành chính phải thông qua nhiều bước, nhiều Bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bởi vậy, để điều tiết được kinh tế tuần hoàn cần có sự tích hợp giữa các luật như Luật Đất đai, Luật Môi trường, Luật Thuế... Việc này sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc điều hành có hiệu quả và tạo ra các chính sách thông thoáng, cũng là điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, phát triển kinh tế tuần hoàn không phải hô hào suông mà cần bắt tay vào hành động. Đây không phải việc của một quốc gia, mà là của nhiều quốc gia; không phải của một bộ ngành mà là của nhiều bộ ngành; không phải việc của một tổ chức mà là nhiều tổ chức. Chúng ta cần có sự kết nối của cộng đồng để đưa mô hình kinh tế tuần hoàn thực sự phát triển và được lan tỏa.